Triển vọng từ mô hình du lịch “Nông trại giáo dục, du lịch, nông nghiệp”

Kăn Sương |

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu những loại cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương, đầu năm 2021, hai anh Trần Thái Thiên và Lê Công Chính, cùng trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chung sức triển khai xây dựng mô hình “Nông trại giáo dục, du lịch, nông nghiệp”. Bước đầu, mô hình mang lại tín hiệu khả quan, tạo động lực để hai anh tiếp tục đầu tư phát triển.

Đều sinh ra và lớn lên ở miền núi, Thiên và Chính có chung niềm đam mê tìm tòi các loại cây trồng và vật nuôi chất lượng cao để đưa vào sản xuất, cung cấp cho thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch. Đặc biệt, họ nắm bắt xu thế chung của toàn tỉnh hiện nay là phát triển nông nghiệp gắn liền thúc đẩy phát triển du lịch nên đồng lòng xây mô hình “Nông trại giáo dục, du lịch, nông nghiệp”. Sau khi đi vào hoạt động, mô hình này sẽ trở thành địa điểm trải nghiệm cho học sinh trên địa bàn huyện và cũng là nơi tham quan lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài địa phương.

Vườn cây ăn trái trong mô hình “Nông trại giáo dục, du lịch, nông nghiệp” của anh Thiên và anh Chính đã cho thu hoạch lứa đầu tiên - Ảnh: K.S
Vườn cây ăn trái trong mô hình “Nông trại giáo dục, du lịch, nông nghiệp” của anh Thiên và anh Chính đã cho thu hoạch lứa đầu tiên - Ảnh: K.S

Anh Thiên chia sẻ: “Gia đình tôi mở cơ sở giáo dục mầm non tư thục hơn 8 năm nay. Bên cạnh đó, mong muốn chia sẻ những cuốn sách mình có được với những người yêu thích đọc sách, vợ chồng tôi dành một gian phòng trong nhà rộng 30 m2 trưng bày hơn 2.000 đầu sách đầy đủ chủng loại cho người dân trên địa bàn đến đọc và mượn miễn phí. Hướng Hóa có khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh quan đẹp, nền nông nghiệp phát triển khá thuận lợi phù hợp để xây dựng mô hình “Nông trại giáo dục, du lịch, nông nghiệp”, vì vậy chúng tôi muốn thử sức. Hy vọng mô hình sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch gần xa, đặc biệt là đối với các em học sinh khi được nhà trường, gia đình tổ chức tham quan, tìm hiểu”.

Để quyết định đầu tư dài hạn cho mô hình, gia đình anh Thiên và anh Chính đã đầu tư trên 2 tỉ đồng mua đất và xây dựng cơ sở hạ tầng tại thôn Trằm, xã Hướng Tân. Theo kế hoạch, mô hình được quy hoạch thành nhiều khu vực khác nhau, gồm khu tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể; khu phục vụ ẩm thực; vườn rau hữu cơ có tổng diện tích 2 ha với nhiều chủng loại, trong đó lấy cây đậu Hà Lan làm chủ lực; vườn cây ăn quả gồm các loại cây như ổi, cam, chanh đào, bơ 034 Lâm Đồng, sầu riêng, dừa lùn… với tổng diện tích gần 3 ha, trong đó dành riêng 1 ha trồng sầu riêng và 1 ha trồng bơ 034 Lâm Đồng xen cà phê chè; 3 mặt hồ lớn sẽ được bố trí làm hồ nuôi cá và là hồ vui chơi cho trẻ em; 0,5 ha dành để chăn nuôi với các loại vật nuôi dễ chăm sóc và gần gũi với cuộc sống vùng cao như bò, dê, gà...

Hiện tại, mô hình đã đạt quy mô trên 6 ha đất. Bản vẽ thiết kế của mô hình đang được khẩn trương hoàn chỉnh để bắt tay triển khai trong tháng 9/2021. Thuê 2 lao động có tay nghề và kinh nghiệm làm nhà vườn tại Đà Lạt về làm việc thường xuyên tại mô hình với tiền công từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, vườn cây ăn quả với cây trồng chủ lực là cam sành, cam mật và chanh đào cho thu hoạch lứa đầu tiên với trên 3 tạ quả các loại và đã xuất bán ra thị trường.

Để chuẩn bị cho vườn rau hữu cơ, các anh cũng đã tiến hành trồng cỏ voi bao quanh nhằm hạn chế chất hóa học cũng như gió mạnh làm ảnh hưởng chất lượng rau. Ngoài các loại cây trồng quen thuộc tại địa phương như ổi, cam, chanh, rau củ quả các loại thì sầu riêng, bơ 034 Lâm Đồng và dừa lùn là các loại cây trồng đang còn mới lạ đối với đất Khe Sanh, vì thế các anh đã nhờ chuyên gia về nông nghiệp tư vấn kỹ càng rồi mới quyết định xuống giống. Vườn cây ăn trái không những cung cấp nông sản sạch mà còn mục đích tạo cảnh quan đẹp cho khu vườn.

Anh Thiên cho biết thêm: “Chúng tôi bắt tay vào triển khai mô hình mới được một thời gian ngắn, mọi thứ chủ yếu vẫn đang nằm trong kế hoạch. Qua tháng 9/2021, trên cơ sở thiết kế của mô hình chúng tôi sẽ tập trung triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như vườn ươm, nhà giàn, hệ thống nước tưới và trồng cây ăn quả. Để có được tổng thể mô hình trọn vẹn, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm khoảng 4 ha để có hướng đầu tư phát triển lâu dài, nếu thuận lợi thì về sau chúng tôi xây dựng thêm mô hình Bungalow. Hiện tại chúng tôi đã có một mô hình giáo dục có quy mô khá nên sau này sẽ kết hợp tốt mục đích giáo dục, trải nghiệm cho học sinh, giúp cho các em hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống thú vị xung quanh mà không phải gò bó trong các tiết học lý thuyết ở nhà trường. Hy vọng khách du lịch cũng sẽ thích thú khi đến tham quan, trải nghiệm mô hình này”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hiệu quả từ mô hình sen - cá trên vùng thấp trũng

Ngọc Trang |

Phát huy phẩm chất cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Thành Đức ở thôn An Lộng, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) luôn là tấm gương vượt khó, đi đầu trong xây dựng và phát triển mô hình kinh tế trên vùng đất thấp trũng. Với sự năng động, sáng tạo, mô hình kinh tế của ông đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” ở địa phương.

Hiệu quả từ mô hình trồng dưa hấu ở Vĩnh Linh

Thục Quyên |

Giữa cái nắng gay gắt trong mùa khô hạn tháng 8, đến các Hợp tác xã Vĩnh Hiền, xã Hiền Thành và Hợp tác xã Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân tấp nập thu hoạch dưa hấu với niềm vui được mùa, được giá.

Triển vọng từ mô hình nuôi lợn bản

Anh Vũ |

Là một trong những hộ gia đình nằm trong diện di dân đến vùng kinh tế mới, giữa bao bộn bề khó khăn chồng chất ở vùng đất mới nhưng bằng nghị lực và ý chí vươn lên, chị Cao Thị Miệt, ở thôn Tân Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vươn lên thoát nghèo bằng mô hình chăn nuôi lợn bản.

Làm giàu từ mô hình nuôi lợn theo hướng công nghiệp

Mỹ Hằng |

Mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi lợn quy mô trang trại theo hướng công nghiệp, gia đình ông Phùng Xuân Hoạt ở khu phố An Du Nam 2, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã vươn lên trở thành một trong những hộ được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi (SXKD) cấp tỉnh. Đầu năm 2021, ông đã làm hồ sơ đăng ký đạt danh hiệu này ở cấp Trung ương.