Hiệu quả từ mô hình sen - cá trên vùng thấp trũng

Ngọc Trang |

Phát huy phẩm chất cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Thành Đức ở thôn An Lộng, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) luôn là tấm gương vượt khó, đi đầu trong xây dựng và phát triển mô hình kinh tế trên vùng đất thấp trũng. Với sự năng động, sáng tạo, mô hình kinh tế của ông đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” ở địa phương.

Năm 1989, sau khi xuất ngũ, ông Đức trở về quê hương lập nghiệp trên những mảnh ruộng của ông cha để lại. Tuy nhiên, đất đai ở An Lộng phần lớn kém phì nhiêu, nhiều ruộng trũng, sình lầy nên người dân chỉ sản xuất được 1 vụ ăn chắc, còn lại thu nhập bấp bênh do phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Sống dựa vào ruộng lúa kém hiệu quả nên đời sống gia đình ông cũng như nhiều người dân trong vùng gặp không ít khó khăn. Với đức tính cần cù, chịu khó và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông Đức kiên trì bám đất, vừa cải tạo ruộng vừa nghiên cứu cách thức chuyển đổi cây trồng phù hợp, cho năng suất, chất lượng cao hơn.

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Đức khai thác vùng thấp trũng trồng sen - cá cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: N.T
Cựu chiến binh Nguyễn Thành Đức khai thác vùng thấp trũng trồng sen - cá cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: N.T

Qua tìm hiểu sách, báo và kinh nghiệm từ những hộ làm kinh tế giỏi trong xã, ông biết đến mô hình trồng sen kết hợp thả cá ở nhiều nơi rất hiệu quả nên bàn với gia đình vay vốn qua kênh cựu chiến binh, đấu thầu gần 2 ha vùng biền An Lộng để đầu tư gia trại chăn nuôi vịt, trồng sen kết hợp nuôi cá và trồng lúa.

Quá trình nuôi, trồng, ông không ngừng học hỏi, tìm tòi những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng phù hợp cho mô hình kinh tế của gia đình mình. Sau ít năm làm quen với cách làm ăn mới, các sản phẩm từ mô hình tổng hợp đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình ông có cuộc sống tốt hơn.

Để mô hình phát triển bền vững, hằng năm gia đình ông Đức đầu tư khoảng 100 triệu đồng tu sửa, nạo vét ao hồ, mua sen giống, vịt con. Hiện nay, ông trồng 6 sào sen kết hợp thả cá trắm ốc (trắm đen) thịt chắc, thơm, ăn lành, được thị trường ưa chuộng.

Mỗi năm ông nuôi 8 - 10 lứa vịt thịt, mỗi lứa từ 500 - 600 con, thu lãi trên 180 triệu đồng/năm. Riêng vụ sen vừa qua, với giá bán dao động từ 28.000 - 35.000 đồng/kg hạt sen tươi chưa bóc vỏ, mỗi ngày gia đình ông thu nhập khoảng 500 - 800 nghìn đồng, hiệu quả cao gấp 5 lần trồng lúa. Ngoài ra, gia đình ông còn làm 3 mẫu ruộng lúa chất lượng cao, doanh thu mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Kinh tế vững vàng, nhà cửa khang trang, vợ chồng ông có điều kiện chăm lo cho 4 người con học đại học.

Bản thân ông luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của hội cựu chiến binh và của địa phương; nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm chuyển đổi cách thức làm ăn trên vùng đất trũng cho các hội viên cựu chiến binh và người dân trong xã.

Ông Đức chia sẻ: “Nhận thấy nhiều nơi mô hình trồng sen, thả cá cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, tôi mạnh dạn đề xuất với Đảng ủy, UBND xã và nhận được sự ủng hộ để triển khai mô hình này. Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh xã luôn tạo điều kiện để tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi… Nhờ đó, mô hình kinh tế của gia đình tôi ngày càng phát triển hơn. Thời gian tới, bên cạnh duy trì có hiệu quả mô hình kinh tế tổng hợp, đặc biệt là trồng sen - cá, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm những giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp, hiệu quả để đưa vào sản xuất”.

Với việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao của gia đình ông Đức trên vùng đất ngập trũng cho thấy nếu kiên trì, chịu khó, biết tìm tòi, sáng tạo trong phát triển sản xuất thì sẽ có ngày “sỏi đá cũng thành cơm”.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Triệu Hòa Trần Văn Đức cho biết: “Trên địa bàn xã có rất nhiều diện tích đất thấp trũng, khó sản xuất cây lúa cũng như các loại cây khác. Tuy nhiên, không khuất phục khó khăn, nhiều cựu chiến binh ở địa phương đã có sự đột phá trong phát triển kinh tế, họ chọn lựa cây trồng, vật nuôi mới đưa vào sản xuất, biến vùng đất này thành nơi sản xuất có hiệu quả cao. Trong đó, nổi bật là cựu chiến binh Nguyễn Thành Đức thành công với mô hình kinh tế tổng hợp sen - cá và lúa chất lượng cao. Thời gian tới, hội tiếp tục khuyến khích, vận động hội viên cựu chiến binh đi đầu sáng tạo, đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, luôn là tấm gương sáng để Nhân dân học tập và làm theo”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Vĩnh Linh: Trao tặng giải thưởng “Bông Sen Hồng” cho 42 cá nhân tiêu biểu

Nguyên Đồng |

Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954-2021), hôm nay 25/8/2021, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức Lễ trao tặng giải thưởng “Bông Sen Hồng” lần thứ XIV nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực của các cá nhân xuất săc trong phong trào “ Học hay- Làm sáng tạo- Sống văn hóa” trên địa bàn.

Sen trong lòng phố Đông Hà

Trường Sơn |

Ngay vùng ngoại ô TP. Đông Hà (Quảng Trị), những bông sen hồng tại hồ sen Bảo Liên, phường Đông Lương đang bung nở khoe sắc dịu dàng trong nắng hạ đan xen với những mảnh ruộng xanh mướt, tạo nên một khung cảnh thanh bình cho du khách ghé thăm, chiêm ngưỡng.

Cận cảnh trụ cầu hình búp sen nổi bật trên sông Hiếu

Trường Sơn |

Sau hơn 1 năm thi công xây dựng, công trình cầu dây văng kết nối khu đô thị Bắc sông Hiếu với trung tâm TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã hình thành trụ cầu với chiều cao 73m có hình dáng búp sen, nổi bật trên dòng sông Hiếu.

Bảo tồn giống, phát triển bền vững nghề trồng sen ở Thừa Thiên-Huế

Tường Vi |

Thừa Thiên-Huế chú trọng tuyển chọn giống sen có năng suất, chất lượng để tăng năng suất trồng gắn với bảo tồn khai thác nguồn giống sen Huế; tổ chức sản xuất theo hướng chuẩn VietGAP.