Triển vọng từ mô hình nuôi lợn bản

Anh Vũ |

Là một trong những hộ gia đình nằm trong diện di dân đến vùng kinh tế mới, giữa bao bộn bề khó khăn chồng chất ở vùng đất mới nhưng bằng nghị lực và ý chí vươn lên, chị Cao Thị Miệt, ở thôn Tân Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vươn lên thoát nghèo bằng mô hình chăn nuôi lợn bản.

Giữa những ngày gió Lào quạt lửa ở vùng đất Quảng Trị, chúng tôi ngược lên vùng Cùa, tìm đến thôn Tân Sơn, đây là thôn thuộc vùng giãn dân làm kinh tế mới từ năm 2005. Không khó để tìm nhà chị Miệt, bởi ngôi nhà nằm cạnh con đường nhựa phẳng lì, trong vườn là khu chuồng trại chăn nuôi lợn khá quy mô, bài bản.

Mở đầu câu chuyện, chị Miệt kể: “Ngày đầu đến đây mưu sinh, lập nghiệp cuộc sống của hai vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo, chồng bị bệnh hiểm nghèo; đất đai thì khô cằn, hoang hóa. Để có tiền nuôi con ăn học, chữa bệnh cho chồng cũng như trang trải cuộc sống, tôi phải làm rất nhiều việc khác nhau, ai thuê gì cũng làm miễn là có tiền đắp đổi qua ngày. Rồi trong những chuyến hàng rong ngược lên vùng cao các huyện Đakrông, Hướng Hóa để bán cho dân bản, tiếp xúc với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, thấy giống lợn bản nuôi rất dễ, ít dịch bệnh và có giá bán cao, tôi quyết định mua về nuôi thử nghiệm”.

Chị Cao Thị Miệt đang chăm sóc đàn lợn bản-Ảnh: ANH VŨ
Chị Cao Thị Miệt đang chăm sóc đàn lợn bản-Ảnh: ANH VŨ

Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cam Nghĩa, chị Miệt được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lộ cho vay 50 triệu đồng. Từ số tiền này, chị đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống, thức ăn để phát triển mô hình nuôi lợn bản. Với số vốn ít ỏi ban đầu, chỉ mua được 5 con lợn giống, dần dần tích lũy thêm vốn và lợn sinh sản ra chị mới mở rộng quy mô. Hiện tại trại chăn nuôi lợn bản của chị Miệt rộng khoảng 2 sào, xung quanh được xây tường bằng bờ lô chắc chắn, bên trong chia ra một số ô vừa phải để nuôi theo từng lứa lợn thịt và lợn giống sinh sản riêng. Chị Miệt cho biết, nuôi lợn bản thức ăn chủ yếu là phụ phẩm từ nông nghiệp như cám, ngô, khoai, sắn, thân và lá cây chuối. Hiện tại, trang trại của chị có gần 100 con cả lợn thịt và lợn giống sinh sản. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn lợn trong một năm, ngoài việc tự tìm kiếm và sản xuất, chị lên huyện Đakrông mua 10 tấn ngô hạt của đồng bào dân tộc thiểu số và 5 tấn thóc ở vùng đồng bằng Cam Thủy, sau đó nghiền ra nấu cho lợn ăn dần.

Bên cạnh đó, chị Miệt còn tìm mua giống lợn rừng và cho lai tạo với giống lợn bản của gia đình để lợn có chất lượng thịt ngon, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay trang trại của chị chủ yếu bán lợn thịt với giá 150.000 đồng/kg, còn lợn giống chị để lại và tiếp tục gầy dựng thêm, phấn đấu đến cuối năm 2021 là 80 con. Trong năm 2020, gia đình chị Miệt thu được 120 triệu đồng từ bán lợn. “Chưa phải là giàu có nhưng bây giờ cuộc sống gia đình cũng ổn rồi nên tôi xin ra khỏi hộ nghèo. Với thu nhập như năm vừa rồi cũng đủ trang trải việc học hành của con cái và cuộc sống hằng ngày. Chồng tôi mặc dù bị bệnh tật nhưng cũng phụ giúp chăn nuôi lợn được vì phần lớn là việc nhẹ như cho ăn, uống hằng ngày... Vợ chồng chúng tôi dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, trước hết là nâng cao thu nhập cho mình, sau là tạo một mô hình mẫu hiệu quả để các gia đình khó khăn có thể học hỏi”, chị Miệt phấn khởi nói.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cam Nghĩa Phạm Thị Ngọc Thúy cho biết thêm: “Chị Cao Thị Miệt là một hội viên phụ nữ nghèo, hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng đã vượt lên nghịch cảnh để làm kinh tế thành công. Dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng mô hình chăn nuôi lợn bản của chị là hướng đi đúng, phù hợp với đất đai, khí hậu ở vùng gò đồi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành và có sự hỗ trợ cần thiết, đồng thời xem đây là tấm gương sáng về tinh thần chịu thương, chịu khó, không cam chịu đói nghèo để các chị em khác học tập và làm theo”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phát triển chăn nuôi hữu cơ theo chuỗi khép kín

Lê Trường |

Mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Đăng Vương ở thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương.

Nuôi vịt trên sàn lưới, bước đi “đột phá” trong ngành chăn nuôi tại miền núi

Trường Sơn |

Thay vì chăn nuôi vịt truyền thống bằng cách chăn thả trên đồng ruộng, ao hồ thì nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã áp dụng hình thức chăn nuôi vịt trên sàn lưới. Bước đầu đã phát huy được hiệu quả, tăng năng suất và đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế được dịch bệnh.

Hiệu quả từ chăn nuôi vịt trên sàn lưới tại Hướng Hóa

Bích Liên |

Những năm gần đây, bên cạnh cách nuôi vịt truyền thống như chăn thả trên đồng hay ao hồ, hiện nay nhiều nông dân ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảg Trị) mạnh dạn áp dụng những hình thức chăn nuôi vịt trên sàn lưới. Cách làm mới này đã và đang phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh vừa tăng năng suất cho các hộ nông dân tại đây. 

Thành công từ những mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp

Kô Kăn Sương |

Sau khi nhiều chính sách ưu đãi bị cắt giảm, người dân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chủ động tìm hướng làm ăn mới phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, có những hộ dân biết cách khai thác điều kiện tự nhiên, đất đai sẵn có, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp.