Thành công từ những mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp

Kô Kăn Sương |

Sau khi nhiều chính sách ưu đãi bị cắt giảm, người dân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chủ động tìm hướng làm ăn mới phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, có những hộ dân biết cách khai thác điều kiện tự nhiên, đất đai sẵn có, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp.

Sau khi tìm hiểu các mô hình kinh tế mới phù hợp, đầu năm 2021, gia đình chị Huỳnh Thị Diễm ở khóm Tây Chín đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng chuồng trại khép kín, nhập giống dê cỏ và dê núi từ địa phương khác với tổng số vốn hơn 1 tỉ đồng để chăn nuôi. Sau hơn 3 tháng vỗ béo tại chuồng, đàn dê của chị Diễm đã đạt trọng lượng từ 35 - 40 kg/con. Ước tính, mỗi lứa xuất khoảng 300 con với giá bán 130 - 150 nghìn đồng/kg, thu về trên 200 triệu đồng mỗi lứa. Sau khi đã trừ hết các khoản chi phí, dự kiến một năm xuất bán được 2 lứa, gia đình chị thu lãi gần 500 triệu đồng. Chị Diễm cho biết, để đàn dê phát triển tốt thì việc lựa chọn giống dê vỗ béo là rất quan trọng. Nguồn thức ăn cho dê chủ yếu là bột bắp ủ chua. Bên cạnh đó, chị cũng rất chú trọng tới việc thiết kế chuồng trại sao cho thuận tiện trong quá trình vệ sinh và phòng chống dịch bệnh. Chuồng nuôi dê phải luôn khô ráo và thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Mặt chuồng cách sàn từ 0,7 - 1 m. Sàn chuồng làm bằng gỗ, tạo những khe hở đủ để phân dê lọt xuống. Dưới sàn căng lưới để hứng phân, vừa sạch sẽ lại tiết kiệm được công lao động.

Mô hình nuôi dê vỗ béo của chị Diễm hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: K.S
Mô hình nuôi dê vỗ béo của chị Diễm hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: K.S

Để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, gia đình anh Đặng Thái Hùng ở khóm Tây Chín đã dành 1 ha đất để xây dựng gia trại chăn nuôi tổng hợp gồm lợn rừng lai và chim bồ câu lai Pháp. Đối với từng loại con nuôi, anh nghiên cứu cách thức xây dựng chuồng trại phù hợp, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh đúng kỹ thuật. Nhờ cần cù, chịu thương chịu khó cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đến nay chuồng trại của gia đình anh có hơn 100 con lợn giống, 30 con lợn nái và hơn 200 con bồ câu Pháp đang phát triển tốt. Anh Hùng cho biết, lợn rừng lai và bồ câu Pháp là những loại con nuôi có sức đề kháng cao, phù hợp với khí hậu ở Lao Bảo. Trung bình mỗi năm, giống lợn rừng lai đẻ được 2 lứa, mỗi lứa từ 7 - 8 con. Thức ăn chính của loại lợn này là cám, bột bắp, khoai, chuối, rau quả... Sau 10 tháng nuôi, lợn có trọng lượng từ 16 - 25 kg, xuất bán với giá bán 160 - 170 nghìn đồng/kg. Đối với chim bồ câu lai Pháp có nhiều ưu điểm là dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh và sinh sản nhanh. Mỗi cặp có thể đẻ 8 - 9 lứa/năm, giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở đây, tỉ lệ nuôi sống đạt 94 -99%. Vì vậy, sau gần 4 năm triển khai xây dựng mô hình, gia trại của gia đình anh Hùng đã được nhiều người biết đến và có thị trường tiêu thụ ổn định. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm mang lại lợi nhuận cho gia đình anh trên 100 triệu đồng.

Từ chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở thị trấn Lao Bảo đã thay đổi cách thức làm ăn, đầu tư mở rộng gia trại, trang trại phát triển theo hướng công nghiệp và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn thị trấn có trên 10 trang trại và gia trại chăn nuôi vừa và nhỏ. Trong đó chủ yếu là gia trại tổng hợp như dê vỗ béo, lợn rừng, gà đồi… Doanh thu của mỗi gia trại từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Các trang trại, gia trại phần lớn ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi, bảo vệ môi trường; tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế chung của thị trấn.

Hầu hết các mô hình chăn nuôi ở Lao Bảo đều phát triển theo hướng công nghiệp và bước đầu đem lại lợi nhuận khá cao, có tính bền vững. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Nguyễn Phước Cường cho biết: “Để nhân rộng và phát triển bền vững các mô hình kinh tế mới, hiệu quả, nhất là phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chính quyền địa phương đã có những chiến lược cụ thể, lâu dài. Trước mắt, tập trung xây dựng thương hiệu gà đồi, dê vỗ béo và lợn rừng… để cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân. Bên cạnh đó, địa phương sẽ làm cầu nối giữa người dân với các chợ đầu mối để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của bà con. Hiện thị trấn đang xây dựng website để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của địa phương đến với các vùng miền trong nước”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lao Bảo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp

Kim Huệ - Ta Tép |

Không chỉ biết đến là khu đô thị tiềm năng, trong những năm trở lại đây, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) còn được biết đến là nơi có nhiều nông dân thành công từ mô hình chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp. Tận dụng điều kiện tự nhiên, đất đai sẵn có kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, những mô hình chăn nuôi nơi vùng biên giới này đang được mở rộng và phát huy hiệu quả.

Hỗ trợ chăn nuôi dê, bò sinh sản cho phụ nữ nghèo

Bình An |

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị vừa tiến hành trao 40 con dê cho phụ nữ nghèo tại các xã Hướng Sơn, Hướng Linh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và 8 con bò tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong với tổng trị giá 180 triệu đồng do các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ. 

750 triệu đồng hỗ trợ nông dân vay chăn nuôi bò sinh sản

Anh Vũ |

Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh vừa phối hợp với Hội Nông dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tổ chức giải ngân nguồn vốn giúp hội viên phát triển chăn nuôi bò sinh sản.

Thu tiền tỉ từ liên kết chăn nuôi gà

Anh Vũ |

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ  (Quảng Trị) đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để phát triển mô hình chăn nuôi với quy mô lớn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong số đó có gia đình vợ chồng anh Đào Văn Long - chị Trần Thị Lan, ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành đã liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam mở trang trại chăn nuôi gà đem lại thu nhập cao.