Thu tiền tỉ từ liên kết chăn nuôi gà

Anh Vũ |

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ  (Quảng Trị) đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để phát triển mô hình chăn nuôi với quy mô lớn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong số đó có gia đình vợ chồng anh Đào Văn Long - chị Trần Thị Lan, ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành đã liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam mở trang trại chăn nuôi gà đem lại thu nhập cao.

Đến thăm trang trại chăn nuôi gà theo hình thức liên kết của gia đình anh Đào Văn Long, nhiều người không khỏi bất ngờ trước quy mô chuồng trại, số lượng gà và quy trình chăn nuôi hiện đại ở đây. Vùng đất này trước đây được gia đình anh Long trồng cây cao su, cây ăn quả nhưng hiệu quả kinh tế thấp do thiên tai khắc nghiệt, giá cả bấp bênh. Qua tìm hiểu mô hình liên kết nuôi gà theo hình thức gia công, năm 2019, từ nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng, anh Long mạnh dạn đầu tư 10 tỉ đồng để xây dựng chuồng trại liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam phát triển chăn nuôi gà thương phẩm.

Gia đình anh Long đang cho đàn gà ăn-Ảnh: A.V​
Gia đình anh Long đang cho đàn gà ăn-Ảnh: A.V​

Trên diện tích đất sẵn có, anh Long xây 3 trại, mỗi trại rộng 1.200 m2 để nuôi. Khác với chuồng trại chăn nuôi theo hình thức truyền thống, chuồng trại nuôi gà theo hình thức liên kết được xây dựng bài bản, quy trình kỹ thuật khắt khe, ngoài hệ thống điện sáng, máng nước uống tự động còn có cả hệ thống điều hòa làm mát cho gà. Anh Long cho biết, nuôi theo hình thức này, gia đình đầu tư về quỹ đất, cơ sở hạ tầng chuồng trại, công chăm sóc, còn công ty đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc thú y và có nhân viên kỹ thuật chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống các loại dịch bệnh cho gà. Sau khi gà xuất bán, công ty sẽ thanh toán tiền nuôi gia công cho gia đình.

Tiền công được tính theo khối lượng gà thịt nhập lại cho công ty. Hiện trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh có quy mô 50.000 con/ lứa; mỗi lứa nuôi khoảng 2,5 tháng là xuất bán, vì vậy mỗi năm anh nuôi từ 3 -4 lứa. “Đối với nuôi theo hình thức này, để có lợi nhuận cao, việc chăm sóc, cho ăn hằng ngày hết sức quan trọng, đó là phải cân đối sao cho lượng thức ăn vừa phải đủ để gà phát triển, nếu cho ăn quá nhiều chi phí sẽ tăng lên; gà mỗi ngày chỉ cho ăn một lần, sau khi ăn xong là tắt toàn bộ hệ thống điện để gà ngủ, hạn chế vận động tiêu tốn nhiều năng lượng, như vậy gà mới phát triển nhanh”, anh Long chia sẻ.

Mặc dù nuôi theo hình thức công nghiệp nhưng giống gà nuôi là gà ta, quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên chất lượng thịt ngon. Trước 15 ngày xuất bán là cán bộ của công ty đến lấy mẫu để xét nghiệm các tiêu chuẩn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với quy mô nuôi như hiện tại, trong năm 2020, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh Long lãi trên 1 tỉ đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.

Anh Long cho biết thêm, phương thức nuôi gia công cho doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích, bởi doanh nghiệp đầu tư toàn bộ chi phí trong quá trình nuôi, ngoài ra còn hỗ trợ kỹ thuật nên trong suốt quá trình nuôi, gà hầu như không bị dịch bệnh, ít rủi ro. Vì thế, việc đầu tư nuôi gia công cho các doanh nghiệp chỉ khó khăn giai đoạn đầu, vì cần nguồn vốn lớn, còn giai đoạn chăm sóc thì khá đơn giản do có doanh nghiệp đồng hành và hỗ trợ. Khó khăn nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm thì đã được doanh nghiệp thu mua toàn bộ nên gia đình có thể yên tâm đầu tư và phát triển quy mô chăn nuôi. Vì vậy, trong thời gian tới anh dự định sẽ tiếp tục xây thêm 3 trại nữa để mở rộng quy mô chăn nuôi với số lượng lớn hơn, nhằm nâng cao thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

“Mô hình chăn nuôi gà liên kết của gia đình anh Long là mô hình đầu tiên, có quy mô lớn nhất ở địa phương. Đây là phương thức hợp tác làm ăn mới của nông dân trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đối với xã Cam Thành, hiện tại quỹ đất phát triển kinh tế trang trại còn nhiều, nông dân cũng có nhiều kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi gia cầm, vì vậy từ mô hình của anh Long, người dân có thể học tập, nhân rộng để nâng cao thu nhập cho gia đình”, Chủ tịch UBND xã Cam Thành Lê Anh Chương cho biết.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mô hình chăn nuôi gà sao cho hiệu quả cao

Võ Thái Hòa |

Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị chú trọng phát triển các loại cây, con cho giá trị kinh tế cao.

Xây dựng thương hiệu gà Cùa từ mô hình nuôi gà thả vườn

Phan Việt Toàn |

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đã đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi để nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.

Hiệu quả mô hình nuôi gà bản địa sinh sản ở vùng núi

Phan Việt Toàn |

Với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà bản địa sinh sản nhằm bảo tồn và sử dụng nguồn gen quý của địa phương, cũng như góp phần phát triển kinh tế bền vững cho các hộ dân ở miền núi, mô hình nuôi gà bản địa sinh sản được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai tại xã Triệu Nguyên huyện Đakrông (Quảng Trị), với quy mô 300 con. Đây là giống gà Cu Roang và giống gà Ri mua tại địa phương, có ưu điểm vượt trội về chất lượng, thịt thơm ngon, thích nghi tốt với điều kiện chăn thả tại địa phương, đến nay đã mang lại những tín hiêu hết sức khả quan.

Hơn 1,2 tỷ đồng triển khai dự án chăn nuôi gà Cùa theo chuỗi giá trị

Anh Vũ |

Nhằm tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thương hiệu gà Cùa, UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã cho triển khai dự án mô hình chăn nuôi gà Cùa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020.