Mô hình chăn nuôi gà sao cho hiệu quả cao

Võ Thái Hòa |

Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị chú trọng phát triển các loại cây, con cho giá trị kinh tế cao.

Ngoài việc đầu tư phát triển cây, con đã có từ trước, các địa phương đang khuyến khích người dân lựa chọn và du nhập một số loài mới cho hiệu quả kinh tế cao để làm phong phú thêm tập đoàn giống cây, con trên địa bàn. Mô hình nuôi gà sao của gia đình chị Nguyễn Sơn Hà ở thôn Tây Sơn, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh đã khẳng định được tính thích nghi và hiệu quả của một loài con nuôi mới.

Từ năm 2018, khi bắt tay vào thành lập trang trại trên vùng gò đồi rộng 2 ha ở xã Vĩnh Chấp, chị Hà quyết định chăn nuôi gà thả vườn. Sau khi tìm hiểu tập tính của loài gà sao, bên cạnh việc nuôi gà ri thả vườn, chị Hà ra tận huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội mua về nuôi thử 100 con gà sao. Lứa đầu tiên nuôi thành công, chị Hà tiếp tục nuôi thử nghiệm lứa thứ 2 vào năm 2019 và đã khẳng định được tính thích nghi với khí hậu thời tiết cũng như môi trường sống ở Quảng Trị.

Mô hình chăn nuôi gà sao ở xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: V.T.H​
Mô hình chăn nuôi gà sao ở xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: V.T.H​

Đến năm 2020, chị Hà quyết định mở rộng quy mô nuôi đại trà 1.000 con với mô hình chăn nuôi gà sạch thả vườn. Chị Hà cho biết: “Khi thành lập trang trại, ngoài các giống gà truyền thống tôi muốn tìm nuôi một số giống gà khác mà trên địa bàn chưa có để nuôi thử và tôi đã chọn gà sao. Sau một thời gian nuôi tôi thấy loài gà này có nhiều ưu điểm từ tập tính, khả năng kháng bệnh tốt, tỉ lệ sống cao và đặc biệt là cho chất lượng thịt, trứng ngon nên tôi đã quyết định nhân rộng. Do là sản phẩm mới cung cấp ở thị trường của tỉnh nên chưa tiêu thụ được rộng rãi nhưng phản hồi từ phía người tiêu dùng là khá tốt về chất lượng thịt và trứng của loài gà này”.

Gà sao dễ nuôi, nhanh lớn, ít bị dịch bệnh, tỉ lệ sống cao, đạt khoảng 95 - 98%, thức ăn phần nhiều là chất thô xanh và lúa, bột ngô, bã đậu, cám gạo… nên nguồn thức ăn khá phong phú, dễ kiếm, mức tiêu tốn thức ăn chỉ ở mức từ 2,2 - 2,3 kg thức ăn/kg tăng trọng. Thức ăn cho gà do cơ sở chăn nuôi tự phối trộn các nguồn thức ăn hữu cơ có bổ sung thêm các loại men vi sinh để dễ tiêu hóa. Nhờ khả năng miễn dịch cao, ít bị dịch bệnh và ăn các loại thức ăn tự nhiên nên loại gà này có thể xem là gà siêu sạch vì không có dư lượng thuốc thú y và chất tăng trọng. Điều này cũng giúp cho việc nuôi gà sao có chi phí thấp hơn chăn nuôi các loài gà khác do ít tốn thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gà và không phải mua thức ăn công nghiệp. Sau 6 tháng nuôi gà sao đạt trọng lượng từ 1,5 - 1,8 kg. Đặc tính của loài gà này là thích bay, nhảy, chạy, do đó môi trường nuôi loài gà này phải có vườn rộng, có cành cao để chúng bay và đậu. Đặc tính này cũng giúp cho gà sao có thịt săn chắc.

So với gà ri, thịt gà sao thơm ngon và ngọt hơn. Trứng gà sao có vỏ rất cứng và chất lượng cũng ngon hơn trứng nhiều loại gà khác. Hiện tại, giá gà sao chị Hà bán trên thị trường là 100 -120 ngàn đồng/kg, cao hơn giá gà ri 20 - 30 ngàn đồng/kg và cao hơn giá gà nuôi theo phương pháp công nghiệp 50 - 60 ngàn đồng/kg. Với quy mô nuôi 1.000 con, sau 6 tháng nuôi, trừ các khoản chi phí chị Hà thu được lãi hơn 60 triệu đồng.

Hiện nay, gia đình chị Hà đang xây dựng mô hình chăn nuôi gà sạch nên sản phẩm bán ra được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Hội Nông dân xã cũng có hỗ trợ ban đầu để động viên, khuyến khích chị Hà phát triển mô hình nuôi gà sạch này. Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp Lê Đức Quang Huy cho biết: “Hiện tại Hội Nông dân xã đã hỗ trợ cho 5 hộ trên địa bàn xã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch theo hướng hữu cơ để các hộ trong tổ hỗ trợ nhau trong sản xuất như kỹ thuật chăn nuôi, đầu vào thức ăn hữu cơ, đầu ra sản phẩm. Trong đó, mô hình chăn nuôi gà sao cũng được đưa vào tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch này. Trước mắt, xã đã kêu gọi hỗ trợ cho mỗi hộ 1.000 con gà giống, từ đó các hộ trong tổ có điều kiện ban đầu để phát triển chăn nuôi gà”.

Dự kiến trong thời gian tới, chị Hà mở rộng quy mô chăn nuôi gà sao lên vài ngàn con/lứa để đáp ứng nhu cầu thịt và trứng cho thị trường. Chị Hà cũng đang xây dựng lò ấp giống gà sao để chủ động nguồn giống và cung cấp giống cho người dân trong vùng có nhu cầu nuôi. Mô hình chăn nuôi gà sao thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng gò đồi, nông dân cần học hỏi để nhân rộng, tuy nhiên cũng cần tránh nuôi theo phong trào nhằm đảm bảo giá tốt cho đầu ra sản phẩm để người chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hỗ trợ tỉnh Quảng Trị khôi phục chăn nuôi với tổng giá trị 3,025 tỉ đồng

Kăn Sương |

Nhằm hỗ trợ người dân tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ tái sản xuất, tạo sinh kế cho người dân, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đồng ý hỗ trợ tỉnh 218.000 gà giống, 2.000 giống ngan 1 ngày tuổi, 60 tấn thức ăn chăn nuôi, 220.000 liều vắc xin Newcatle, 220.000 liều vắc xin Gumboro, thuốc thú y với tổng giá trị 3,025 tỉ đồng.

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi lợn rừng

Phương Nga |

Ngoài công việc chính tại Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), với sự nhạy bén, năng động, anh Nguyễn Lê Anh Tuấn ở khu phố Thống Nhất, thị trấn Hồ Xá đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi lợn rừng để mở hướng phát triển kinh tế gia đình. Sau hơn 3 năm, mô hình đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.

Hỗ trợ mô hình chăn nuôi vịt biển cho các hộ dân vùng lũ

Phan Việt Toàn |

Nhằm chung tay chia sẻ khó khăn trước những thiệt hại của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng do mưa lũ, đồng thời giúp người dân khôi phục sản xuất, ngày 19/11, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị tiến hành cấp giống và triển khai mô hình chăn nuôi vịt biển thịt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Giải pháp nào để khôi phục chăn nuôi sau dịch tả lợn Châu Phi?

Thanh Trúc |

Nguồn cung cấp lợn giống thiếu hụt, giá tăng cao, điều kiện chăn nuôi không đảm bảo, thiếu vốn, dịch bệnh phức tạp… là những rào cản khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Thời gian qua, các ngành, địa phương đã ưu tiên hỗ trợ người chăn nuôi lợn thực hiện các dự án phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, về cơ bản tỉnh vẫn chưa có chính sách riêng hỗ trợ cho việc khôi phục và phát triển đàn lợn sau thiệt hại nặng nề do DTLCP gây ra.