Giải pháp nào để khôi phục chăn nuôi sau dịch tả lợn Châu Phi?

Thanh Trúc |

Nguồn cung cấp lợn giống thiếu hụt, giá tăng cao, điều kiện chăn nuôi không đảm bảo, thiếu vốn, dịch bệnh phức tạp… là những rào cản khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Thời gian qua, các ngành, địa phương đã ưu tiên hỗ trợ người chăn nuôi lợn thực hiện các dự án phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, về cơ bản tỉnh vẫn chưa có chính sách riêng hỗ trợ cho việc khôi phục và phát triển đàn lợn sau thiệt hại nặng nề do DTLCP gây ra.

Người chăn nuôi lợn còn ngần ngại, chưa muốn tái đàn

Cuối năm 2019, thời điểm DTLCP được kiểm soát, tổng đàn lợn toàn tỉnh chỉ còn 109.777 con, giảm 54,9% so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Trong đó đàn lợn nái còn 24.800 con, giảm 57,2%, đàn lợn đực giống phục vụ thụ tinh nhân tạo chỉ còn 10 con, giảm 87,5%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2019 đạt 27.491 tấn, giảm 5,28%, tỉ trọng sản lượng thịt lợn hơi trong tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại có xu hướng giảm.

Người dân cần sự hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện tái đàn lợn hiệu quả - Ảnh: T.T​
Người dân cần sự hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện tái đàn lợn hiệu quả - Ảnh: T.T​

Trước đây, các giống lợn năng suất, chất lượng cao như Yorshire, Landrace, Duroc, Pietran... được nhập nuôi và phổ biến rộng rãi, tỉ lệ lợn ngoại, lợn lai ngoại chiếm 80,76% tổng đàn lợn toàn tỉnh. Cơ cấu đàn lợn nái chiếm 25% tổng đàn, lợn thịt chiếm khoảng 75% tổng đàn. Tuy nhiên, thời điểm này các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lợn giảm đàn. Trên địa bàn tỉnh có 4/6 cơ sở chăn nuôi lợn đực giống phải dừng hoạt động do ảnh hưởng DTLCP.

Những năm qua, các hình thức chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, gia trại công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng phát triển. Toàn tỉnh hiện có 233 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó có 22 trang trại chăn nuôi liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi, 1 trang trại được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, sau thời điểm xảy ra DTLCP, số trang trại chăn nuôi có xu hướng giảm đàn, chăn nuôi lợn nông hộ gặp nhiều khó khăn.

Trong đợt DTLCP năm 2019, có 10.798 hộ có lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy, năm 2020 (tính đến ngày 5/8/2020) có 161 hộ chăn nuôi lợn có dịch phải tiêu hủy. Theo ước tính, đến thời điểm này đàn lợn nái còn 25.204 con, đàn lợn đực giống khai thác tinh phục vụ thụ tinh nhân tạo chỉ còn 10 con dẫn đến thiếu hụt con giống nghiêm trọng. Bà Lê Thị Tiệp, ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong cho biết: “Ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi khiến đàn lợn của gia đình tôi phải tiêu hủy gần hết, chỉ còn một con lợn nái, dự định để phối lại gây giống cho lứa nuôi mới sau khi đã thực hiện tiêu độc khử trùng, sửa chữa chuồng trại nhưng cũng chưa biết hiệu quả hay không. Bây giờ lợn giống khan hiếm, giá lại cao nên người chăn nuôi nhỏ lẻ rất ngần ngại trong việc tái đàn”.

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc phức tạp, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị DTLCP. Nguồn lợn giống khan hiếm, giá cao, hiện nay trên địa bàn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nên việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi để phòng bệnh gặp nhiều khó khăn. Thiếu vốn đầu tư, cộng với những nguyên nhân khách quan khiến người chăn nuôi lợn có tâm lý e dè và chưa muốn tái đàn.

Cần sớm có chính sách hỗ trợ khôi phục và phát triển đàn lợn

Thời gian qua, đã có một số mô hình, dự án liên kết phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học được triển khai thí điểm ở một số địa phương. Đó là dự án “Liên kết phát triển chăn nuôi lợn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP” tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, dự án “Liên kết phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học” tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, kinh phí hỗ trợ cho mỗi mô hình là 300 triệu đồng. Tuy vậy, so với thiệt hại nặng nề mà người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng sau DTLCP, những dự án này chỉ như “muối bỏ bể”.

Mục tiêu ngành nông nghiệp đề ra trong những năm tới nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt đàn lợn sau DTLCP là khôi phục và phát triển đàn lợn đạt trên 300.000 con vào năm 2025, đàn lợn nái đạt trên 60.000 con (chiếm khoảng 20% tổng đàn lợn), đàn lợn đực giống phục vụ thụ tinh nhân tạo trên 80 con. Nâng cao chất lượng đàn lợn nái, đưa tỉ lệ lợn nái ngoại, nái lai ngoại chiếm trên 85% tổng đàn lợn nái toàn tỉnh. Đẩy mạnh sản xuất lợn giống chất lượng phục vụ người chăn nuôi tái đàn sau DTLCP, nhanh chóng ổn định sản xuất, bình ổn giá thịt lợn trên thị trường, góp phần thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành nông nghiệp đề xuất phương án trước mắt xây dựng 18 mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học, mỗi mô hình 100 con. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, để thực hiện một mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học hiệu quả cần khoảng 369 triệu đồng. Với khoản dự trù kinh phí như thế này, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó lòng thực hiện nếu không có cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Để thúc đẩy phục hồi đàn lợn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 3671/ BNN-CN đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các giải pháp tối ưu nhất để tái đàn và tăng đàn lợn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn. Có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn. Kịp thời công bố hết dịch khi đủ điều kiện để các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học.

Hiện nay nhiều địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn như chính sách cho vay vốn ưu đãi không lãi suất, hỗ trợ 50% tiền con giống và vật tư theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư, phần còn lại là vốn đối ứng của hộ dân… Để khôi phục và phát triển đàn lợn sau DTLCP, đã đến lúc tỉnh cần ban hành chính sách hỗ trợ người chăn nuôi cụ thể, thiết thực như hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc thú y... Triển khai thí điểm các mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học, làm cơ sở để người chăn nuôi học tập và nhân rộng. Đây sẽ là sự đồng hành thiết thực nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn, từng bước thực hiện tốt tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng tăng chất lượng hàng hoá, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học trong thời gian tới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Các địa phương triển khai phương án phòng chống bão số 5

PV |

Theo dự báo, bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung với trọng tâm là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Xúc động hình ảnh lính biên phòng giúp dân phòng chống bão số 5

Công Điền |

Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã chủ động giúp dân đưa tàu lên bờ, cất trữ cá, thu dọn ngư lưới cụ...

Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

PV |

Thủ tướng vừa ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thừa Thiên-Huế dỡ bỏ kiểm soát người và phương tiện về từ Quảng Nam

BT |

Từ 0h ngày 15/9, Thừa Thiên-Huế dỡ bỏ kiểm soát người và phương tiện từ tỉnh Quảng Nam vào tỉnh. Tuy nhiên, công dân từ Quảng Nam khi đăng ký vào Thừa Thiên-Huế cam kết không dừng, đỗ tại bất cứ địa điểm nào từ các vùng có dịch và trong 14 ngày trước đó không đến vùng có dịch.