Với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà bản địa sinh sản nhằm bảo tồn và sử dụng nguồn gen quý của địa phương, cũng như góp phần phát triển kinh tế bền vững cho các hộ dân ở miền núi, mô hình nuôi gà bản địa sinh sản được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai tại xã Triệu Nguyên huyện Đakrông (Quảng Trị), với quy mô 300 con. Đây là giống gà Cu Roang và giống gà Ri mua tại địa phương, có ưu điểm vượt trội về chất lượng, thịt thơm ngon, thích nghi tốt với điều kiện chăn thả tại địa phương, đến nay đã mang lại những tín hiêu hết sức khả quan.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nuôi gà bản địa sinh sản cho 6 hộ ở xã Triệu Nguyên, mỗi hộ nhận nuôi 50 con (45 gà mái và 5 gà trống), khối lượng đưa vào nuôi từ 12 đến 16 tuần tuổi đạt từ 500g trở lên/con. Tham gia mô hình các hộ dân được hỗ trợ 70% kinh phí mua con giống, vật tư thiết bị, máy ấp trứng; chế phẩm vi sinh vật và các nguyên liệu khác để làm đệm lót sinh học. Song song với việc triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn cho các hộ nuôi kỹ thuật chuẩn bị chuồng trại, cách nuôi dưỡng chăm sóc gà theo từng giai đoạn, công tác phòng và điều trị một số bệnh thường gặp ở gà bản địa…
Đến nay, sau hơn 6 tháng triển khai nuôi, gà bố mẹ phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt 90-95%. Tỷ lệ đẻ trứng tăng dần từ tuần 21 đến tuần 40 tuần, trung bình 110 quả/con gà mái/năm. Các chỉ tiêu về chất lượng trứng, kết quả ấp nở đều đạt khá cao, tỷ lệ trứng có phôi đạt 95,12%, tỷ lệ nở đạt 76,97%.
Bà Dương Thị Sen, thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên huyện Đakrông chia sẻ: trước đây bà chăn nuôi gà nhỏ lẻ, chuồng trại không có, gà leo cây ngủ, không được chăm sóc nên chỉ có vài con sống. Nhờ tham gia mô hình bà đã biết cách làm chuồng trại, phối trộn thức ăn cho gà, cách chăm sóc nuôi dưỡng gà đẻ, cách úm gà con, phòng từng loại vắc xin. “Chưa bao giờ gia đình tôi có thể nuôi gà được nhiều như vậy. Giờ đây tôi đã hiểu được và áp dụng các kiến thức chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng những bài thuốc tự chế, nước tỏi lên men, thức ăn sẵn có ở địa phương để nuôi gà, làm giảm chi phí, tăng sức đề kháng cho gà, gà ít dịch bệnh và nhanh lớn”, bà Sen vui mừng nói.
Tiêu chí thu nhập là 1 trong 4 tiêu chí còn lại xã Triệu Nguyên đang phấn đấu đạt trong năm 2020, để hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thông mới. Vì thế việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình nuôi mới có triển vọng có ý nghĩa rất lớn đối với chính quyền và người dân nơi đây.
Ông Trương Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên cho hay: trước đây hầu hết bà con trên địa bàn xã chăn nuôi gà nhưng không áp dụng các quy trình kỹ thuật nên hiệu quả và chất lượng đàn gà kém phát triển. Được tiếp cận kỹ thuật nuôi mới, có nguồn cung cấp gà giống tại chỗ sẽ là cơ hội tốt cho các hộ dân trong xã phát triển đàn gà về số lượng và quy mô nuôi. Từ thành công ban đầu của mô hình, thời gian tới, xã có kế hoạch nhân rộng mô hình này, tạo sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương, nhằm tận dụng lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp bà con phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu nhập.
Ông Nguyễn Trung Hậu, Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Quảng Trị, cho biết thêm: đây là mô hình chăn nuôi gà bản địa sinh sản lần đầu tiên được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ chuyển giao trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Thành công của mô hình sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi có đầu tư thâm canh, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thật vào chăn nuôi. Mô hình là nơi để bà con nông dân trong vùng đến tham quan, học tập và nhân rộng. Ngoài ra, để khôi phục và nhân giống thành công loại gà bản địa này thì cũng cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương. Đây là cơ sở để địa phương mở rộng và xây dựng thương hiệu gà bản địa, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển.
Với những tín hiệu ban đầu đầy triển vọng, mô hình nuôi gà bản địa sinh sản được xem là hướng đi tích cực trong phát triển kinh tế cho các hộ gia đình ở xã Triệu Nguyên. Ngoài kỳ vọng nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, mô hình nuôi gà bản địa sinh sản sẽ mở ra hướng đi mới, tạo sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, hoàn thành tiêu chí thu nhập, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
(Nguồn: QRTV)