Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà sạch của cựu chiến binh Trần Lạc

Ngọc Trang |

Vượt lên khó khăn của cuộc sống đời thường, đặc biệt là vết thương do chiến tranh để lại trên cơ thể, những năm qua cựu chiến binh (CCB) Trần Lạc (thương binh hạng 1/4) ở thôn Đồng Tâm 2, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tích cực tìm tòi cách thức làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, ông đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gà theo phương pháp canh tác tự nhiên, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Trở về quê hương sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở chiến trường Campuchia, ông Lạc luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Do đó, ông lựa chọn những việc làm phù hợp với sức khỏe nhưng vẫn đảm bảo kinh tế cho gia đình như chăn nuôi lợn, gà thả vườn, trồng rau màu…Tuy nhiên, do áp dụng phương thức chăn nuôi, trồng trọt truyền thống nên nhiều năm trước đàn vật nuôi, cây trồng của gia đình ông bị ảnh hưởng bởi các loại dịch bệnh, phát triển chậm, hiệu quả kinh tế thấp. Cùng với đó, do chăn nuôi hộ gia đình, tâm lý sợ ảnh hưởng đến môi trường sống trong khu dân cư nên ông không dám mở rộng quy mô chuồng trại và phát triển đàn vật nuôi. Vì vậy, thu nhập của gia đình ông không cao, may ra đủ chi phí sinh hoạt trong nhà.

CCB Trần Lạc chăm sóc đàn gà
CCB Trần Lạc chăm sóc đàn gà

Năm 2016, gia đình ông và một số hộ dân ở huyện được Dự án KOICA (Hàn Quốc) và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên. Trước khi triển khai mô hình, ông được hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên, an toàn sinh học với phương châm: Không thức ăn công nghiệp, không thuốc kháng sinh, không chất kích thích tăng trưởng…; được hỗ trợ cho vay vốn, chọn giống gà, thuốc thú y và nguyên liệu làm chế phẩm chăn nuôi, mở rộng chuồng trại; kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm… Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi, chăm sóc nên đàn gà của gia đình ông lớn nhanh, ít rủi ro về dịch bệnh, chất lượng sạch, an toàn, người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Sau thành công từ lứa gà được hỗ trợ đầu tiên, đến nay ông duy trì và phát triển tốt mô hình. Với hình thức nuôi gối đàn, mỗi năm gia đình ông nuôi 8 lứa gà, mỗi lứa trên 200 con gà thịt và trên 50 con gà đẻ. Sau 4 tháng chăm sóc mỗi con gà có trọng lượng bình quân từ 1,2 - 1,4 kg thì xuất bán, riêng gà đẻ thì sau 6 tháng nuôi đã cho thu trứng. Dù số lượng đàn gà tương đối lớn nhưng chuồng trại của gia đình ông luôn sạch sẽ nên môi trường chăn nuôi luôn đảm bảo. Nhờ chăn nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên, bình quân mỗi năm gia đình ông Lạc có nguồn lãi trên 80 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập từ gà và chăn nuôi lợn, trồng trọt, những năm gần đây cuộc sống của gia đình ông tốt hơn trước nhiều.

Ông Lạc cho biết: “So với chăn nuôi thông thường thì nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên đòi hỏi nhiều công nhưng chi phí lại ít, tạo ra sản phẩm sạch và có giá trị kinh tế cao hơn. Nguồn thức ăn chủ yếu là các loại nông sản như lúa, cám, gạo, bột bắp hoặc các hỗn hợp được trộn từ phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo và các loại rau hoặc chuối cây cắt nhỏ, ủ lên men. Phương pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà cũng khá đơn giản là ngâm tỏi với bia hoặc rượu hòa vào nước cho gà uống. Tôi cũng đã học được cách tạo chế phẩm vi sinh để bơm phun tiêu độc, khử trùng, khử mùi hôi vệ sinh chuồng trại. Mô hình này thực tế có rất nhiều ưu việt, nhất là thực phẩm đảm bảo sạch, đem lại sức khỏe cho mọi người nên tôi luôn cố gắng để phát triển mô hình lớn hơn”.

Chủ tịch Hội CCB xã Triệu Tài Nguyễn Mậu Hà cho biết: “CCB Trần Lạc đã không cam chịu đói nghèo, tích cực học hỏi, đầu tư vốn để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, thành công nhất là mô hình chăn nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên. Ngoài việc làm giàu cho mình, ông Lạc còn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gà sạch cho các hội viên CCB khác. Từ mô hình của ông, hiện nay xã Triệu Tài đã có 11 CCB là thương binh tham gia mô hình nuôi gà sạch”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hải Lâm khai thác thế mạnh vùng gò đồi

Hoài Nhung |

Đến vùng gò đồi Hải Lâm (Hải Lăng, Quảng Trị) hôm nay, chúng tôi cảm nhận nhiều sự đổi thay và phát triển. Vùng gò đồi từng là nơi hoang vu, khô cằn sỏi đá giờ đã phủ màu xanh của cây cao su, cây ăn quả, các trang trại, gia trại chăn nuôi… Những kết quả đó có được từ sự chỉ đạo đúng đắn, hiệu quả của chính quyền địa phương, đặc biệt là những nỗ lực của người dân Hải Lâm đã đánh thức tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi, mở ra các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phát triển cây công nghiệp ở Hướng Hóa và vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm

Minh Dương – Hoàng Hùng |

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai và nguồn lao động dồi dào trên địa bàn, những năm qua, huyện Hướng Hóa đã đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp để tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Đặc biệt, huyện đã chú trọng vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm nhằm góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần phát triển kinh tế ở Cam Lộ

Kô Kăn Sương |

Thời gian qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Qua đó góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, làm tăng nhanh về quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững, chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp.

Triển vọng từ mô hình nuôi chim trĩ

Lê An |

Với bản tính thích tìm tòi những mô hình chăn nuôi mới, qua tìm hiểu, năm 2018, anh Trần Thế Mỹ ở thôn Bảng Đông, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã mạnh dạn khởi nghiệp với 10 cặp chim trĩ bố mẹ và 100 con chim trĩ giống. Sau gần 3 năm, đến nay anh đã có trong tay hơn 200 con chim trĩ bố mẹ và gần 1.000 con chim trĩ thương phẩm, mang lại thu nhập hằng năm khá cao.