Với bản tính thích tìm tòi những mô hình chăn nuôi mới, qua tìm hiểu, năm 2018, anh Trần Thế Mỹ ở thôn Bảng Đông, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã mạnh dạn khởi nghiệp với 10 cặp chim trĩ bố mẹ và 100 con chim trĩ giống. Sau gần 3 năm, đến nay anh đã có trong tay hơn 200 con chim trĩ bố mẹ và gần 1.000 con chim trĩ thương phẩm, mang lại thu nhập hằng năm khá cao.
Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề nuôi chim trĩ, anh Mỹ cho biết, trong một lần lên internet tìm hiểu cách thức làm ăn, anh nhận thấy mô hình nuôi chim trĩ mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại ít tốn công chăm sóc. Muốn thử sức với loại vật nuôi mới này, anh đã cất công tìm đến các cơ sở nuôi chim trĩ chất lượng ở các tỉnh phía Bắc để tìm hiểu, nghiên cứu cách nuôi. Sau khi nắm vững kỹ thuật, anh quyết định đặt mua 10 cặp chim trĩ bố mẹ và 100 con chim trĩ giống mang về nuôi thử nghiệm. Nhờ kiên trì áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đàn chim trĩ của anh dần thích nghi với điều kiện tự nhiên ở địa phương và phát triển khỏe mạnh. Chỉ sau chưa đầy 3 năm, từ số lượng ít ỏi ban đầu, đàn chim trĩ của anh Mỹ đã tăng lên hơn 1.000 con, gồm 200 con chim trĩ bố mẹ và hơn 800 con chim trĩ thương phẩm với nhiều lứa khác nhau.Anh Mỹ cho biết, thời gian chăm sóc chim trĩ từ khi mới nở đến khoảng 5 - 6 tháng là chim trưởng thành, đạt trọng lượng từ 1 - 1,3 kg/con, lúc này chim mái bắt đầu đẻ trứng. Chim trĩ đẻ trứng nhưng không ấp, do đó người nuôi phải cho ấp bằng máy. Kỹ thuật ấp trứng chim trĩ gần giống như ấp trứng gà, tuy nhiên nhiệt độ, độ ẩm được điều chỉnh cho phù hợp. Anh Mỹ cho hay, để phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm của trang trại và bán con giống, anh đã tự mày mò chế tạo máy ấp trứng loại nhỏ bằng thùng xốp và một số linh kiện đơn giản với công suất từ 100 - 400 quả/lần ấp, tỉ lệ ấp nở đạt trên 80%.
Vừa làm vừa mở rộng quy mô theo sự phát triển của đàn vật nuôi, đến nay anh Mỹ đã có trong tay khu chuồng nuôi chim trĩ rộng gần 200 m2 , bên dưới được rào bằng lưới thép B40, phía trên lợp mái tôn để tránh chim bay ra ngoài. Nền chuồng được trải bằng đệm lót sinh học để chuồng trại luôn sạch sẽ, hạn chế dịch bệnh và không làm ô nhiễm môi trường. Bên trong được chia thành các ô chuồng nuôi chắc chắn rộng từ 4 - 16 m2 , có đầy đủ hệ thống ống cấp nước sạch cho chim uống, máng thức ăn. Mỗi ô thả từ nuôi từ 20 - 50 con chim trĩ theo từng lứa tuổi. Theo anh Mỹ, mặc dù được nuôi nhốt trong chuồng nhưng thịt chim trĩ vẫn dai, chắc, thơm ngon vì loại chim này thường xuyên vận động, chạy nhảy, bay lượn. Các món ăn chế biến từ thịt chim trĩ rất được thị trường ưa chuộng, nhu cầu sử dụng ngày càng cao nên đầu ra của chim trĩ giống và chim trĩ thương phẩm khá ổn định, không chỉ khách hàng trong tỉnh mà các tỉnh lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng… thậm chí các tỉnh phía Bắc cũng tìm đến đặt mua. Anh Mỹ cho biết, mỗi năm anh cung cấp ra thị trường từ 500 - 700 con chim trĩ thương phẩm với giá từ 200.000 - 220.000 đồng/kg; khoảng 1.000 con chim trĩ giống 1 ngày tuổi với giá 30.000 đồng/con và chim trĩ 1 tháng tuổi với giá 100.000 đồng/con. Ngoài ra, anh còn bán trứng chim trĩ cho những khách hàng có nhu cầu với giá từ 9.000 - 12.000 đồng/quả. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi từ 120 - 150 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim trĩ, anh Mỹ cho biết, nuôi chim trĩ tương tự như nuôi gà công nghiệp. Thức ăn cho chim trĩ chủ yếu là thức ăn công nghiệp dành cho gà, ngoài ra còn bổ sung thêm bột cám, bột bắp, rau củ, thân cây chuối để chim trĩ phát triển tốt, có bộ lông đẹp, bóng mượt. Để phòng bệnh cho chim trĩ cần phải vệ sinh chuồng trại định kỳ, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin giống như gà, tuy nhiên do loài chim này có nguồn gốc hoang dã nên sức đề kháng cao hơn gà, ít xảy ra dịch bệnh; trong quá trình nuôi chim chỉ bị một số loại bệnh đơn giản như Newcatson, bệnh phổi… và phòng ngừa khá dễ dàng.
Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ Dương Hồng Phong đánh giá rất cao sự năng động của anh Trần Thế Mỹ trong việc tiên phong nuôi chim trĩ thương phẩm. Với cách nghĩ, cách làm, cùng ý chí quyết tâm của mình, anh Mỹ đã khẳng định mô hình nuôi chim trĩ của anh là mô hình kinh tế hiệu quả, là hướng đi phù hợp cho những hộ nông dân muốn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ông Phong cho biết, nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi, hình thức nuôi, đồng thời để có cơ sở đánh giá hiệu quả, khả năng thích ứng và hướng nhân rộng của đối tượng nuôi đặc sản này, Trạm Khuyến nông đã đề xuất UBND huyện Cam Lộ hỗ trợ anh Mỹ tiếp tục thực hiện mô hình nuôi chim trĩ thương phẩm theo hướng bán chăn thả trên diện tích 0,2 ha, quy mô 500 con chim trĩ giống. “Theo dự kiến, sau 5- 6 tháng nuôi chim trĩ đạt trọng lượng từ 1 - 1,3 kg; tỉ lệ sống từ 80 - 85%. Với giá bán từ 200.000 - 220.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nuôi có lợi nhuận từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Ngoài ra, những con chim trĩ có lông đẹp, màu sắc sặc sỡ còn có thể được tách nuôi riêng để bán nuôi cảnh”, ông Phong cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)