Hải Lâm khai thác thế mạnh vùng gò đồi

Hoài Nhung |

Đến vùng gò đồi Hải Lâm (Hải Lăng, Quảng Trị) hôm nay, chúng tôi cảm nhận nhiều sự đổi thay và phát triển. Vùng gò đồi từng là nơi hoang vu, khô cằn sỏi đá giờ đã phủ màu xanh của cây cao su, cây ăn quả, các trang trại, gia trại chăn nuôi… Những kết quả đó có được từ sự chỉ đạo đúng đắn, hiệu quả của chính quyền địa phương, đặc biệt là những nỗ lực của người dân Hải Lâm đã đánh thức tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi, mở ra các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Dẫn chúng tôi tham quan nhiều mô hình kinh tế tổng hợp ở thôn Xuân Lâm, anh Hoàng Công Mê Sang, Trưởng thôn Xuân Lâm nói, trước đây, có nhiều gia đình lên phát triển kinh tế vùng gò đồi Xuân Lâm.

Cây cam trở thành cây trồng có thế mạnh ở vùng gò đồi Hải Lâm. Ảnh: HN
Cây cam trở thành cây trồng có thế mạnh ở vùng gò đồi Hải Lâm. Ảnh: HN

Tuy nhiên, nhiều người đã không chịu được vùng đất khó này đã lần lượt trở về quê. Những người ở lại là những người quyết tâm biến vùng đất hoang vu khô cằn sỏi đá thành vùng chuyên canh đa cây, đa con mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công sức của 17 hộ dân khai thác vùng gò đồi đã được đền đáp xứng đáng, với khoảng 12 ha cao su cho khai thác, 80 ha rừng trồng, 5 ha cam, 2 ha bưởi; đàn bò hơn 50 con, đàn trâu 20 con, đàn dê 50 con, đàn gia cầm 5.000 con… Cuộc sống người dân từng bước được nâng lên. Bộ mặt vùng gò đồi Xuân Lâm cũng đổi thay nhiều.

Trưởng thôn Xuân Lâm Hoàng Công Mê Sang cũng là người tiên phong trong phát triển kinh tế vùng gò đồi, với mô hình kinh tế tổng hợp gồm 2 ha trồng cao su, chăn nuôi hơn 200 con gà thả đồi, hơn 200 con vịt, nuôi cá, trồng cam, ổi, bưởi…, hằng năm sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Khi phát triển kinh tế hiệu quả, anh Sang hướng dẫn và giúp đỡ cho nhiều người dân về kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật để mọi người có thể ứng dụng làm theo. Trò chuyện với chúng tôi, anh Võ Văn Nhơn, ở thôn Xuân Lâm chia sẻ, vào năm 2013, nhận thấy tiềm năng vùng gò đồi Xuân Lâm thuận lợi để phát triển cây cam, trồng rừng và chăn nuôi, anh Nhơn bàn với gia đình mua đất gò đồi với diện tích 3 ha, trong đó sử dụng 1,5 ha trồng cam, xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên 100 con lợn, nuôi gà thả đồi hơn 500 con. Anh còn trồng hơn 3 ha rừng ở diện tích có sẵn của gia đình trước đó. Từ đó, anh Nhơn đã xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp với thu nhập bình quân hằng năm sau khi trừ chi phí, lãi hơn 300 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Hải Lâm Nguyễn Minh Hoàng cho biết, xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương là phát triển kinh tế vùng gò đồi, trong những năm qua, xã đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp về phát triển kinh tế vùng gò đồi cũng như tích cực triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xây dựng các mô hình kinh tế trên vùng gò đồi; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là ứng dụng các cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế địa phương và cho giá trị kinh tế cao; chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, công tác phòng, chống dịch bệnh, liên kết đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm… Chủ động xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và quảng bá sản phẩm vùng gò đồi Hải Lâm.

Từ những chủ trương đúng đắn của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của người dân, hiện vùng gò đồi Hải Lâm đã có hơn 30 ha cao su, hơn 7 ha cây chè ven đồi và cây ăn quả, hơn 10 ha trồng tập trung. Thế mạnh vùng gò đồi Hải Lâm đó là phát triển rừng. Xã đã chỉ đạo tập trung phát triển rừng trồng, chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích rừng, làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Toàn xã có 2.500 ha rừng sản xuất; 3.800 ha rừng phòng hộ. Năm 2019, đã tổ chức kiểm tra và cho khai thác 185 ha rừng; tiếp tục khai thác 33 ha nhựa thông; kết hợp với Hội chứng chỉ rừng FSC tỉnh để xây dựng 1 nhóm trồng rừng FSC với diện tích 100 ha. Bên cạnh duy trì các mô hình kinh tế hiệu quả, xã đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi như: Thực hiện mô hình sen-cá với diện tích 26,8 ha đem lại hiệu quả kinh tế cao, ước tính thu nhập 100 triệu đồng/ha; trồng dừa lùn với 450 cây; trồng sả với diện tích hơn 2 ha; trồng cây dược liệu hơn 1,5 ha; trồng chè ven đồi khoảng 5 ha… mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Xã Hải Lâm đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm phát triển chăn nuôi trở thành thế mạnh ở vùng gò đồi; phát triển theo hướng trang trại, gia trại gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người dân; tích cực hướng dẫn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo môi trường ở khu vực chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn trâu, bò hơn 700 con; đàn lợn khoảng 4.400 con; đàn dê hơn 248 con; đàn thỏ hơn 2.000 con; trên 20.000 con gia cầm. Những sản phẩm từ chăn nuôi ở vùng gò đồi được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, an toàn thực phẩm. Tổng giá trị ngành chăn nuôi ước đạt 46,2 tỉ đồng. Trên vùng gò đồi Hải Lâm đã hình thành nhiều mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn xã có 34 mô hình gia trại vùng gò đồi, với thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/năm/mô hình. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp địa phương và quảng bá ra thị trường, xã Hải Lâm từng bước xây dựng sản phẩm chè ven đồi và cơ sở chế biến tinh dầu sả, tràm, cỏ hôi trên địa bàn xã. Những kết quả đạt được đó đã mở ra nhiều cơ hội cho sự đổi thay và phát triển vùng gò đồi Hải Lâm, từng bước xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp và chăn nuôi quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xu hướng mới trong ngành công nghiệp làm đẹp trong mùa dịch COVID-19

Minh Trang |

Ngành kinh doanh mỹ phẩm cũng đang dần thích nghi với những hạn chế do lệnh phong tỏa xã hội như cung cấp dịch vụ trải nghiệm từ xa và phát triển các sản phẩm làm đẹp tại nhà.

Hải Lăng: Lúa hè thu được mùa được giá

Quang Giang |

Những ngày này, tại nhiều cánh đồng xuống giống sớm vụ lúa hè thu ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), nông dân đang thu hoạch lúa với niềm vui được mùa, được giá.

Kỳ vọng từ tuyến đường huyết mạch

Hiếu Giang |

Từ bời bời cát trắng, tuyến đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh trải dài hàng chục cây số vừa hoàn thành tựa như sợi chỉ mềm mại vắt qua những trảng cát rát bỏng, nối liền phía nam Cửa Việt với xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Con đường huyết mạch này không chỉ phục vụ đắc lực cho Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh trong những năm tới, mà từ khi con đường được thông tuyến đã mở ra nhiều kỳ vọng, cơ hội làm ăn cho cư dân các địa phương có tuyến đường đi qua.

Tăng trưởng về kinh tế của tỉnh Quảng Trị đứng thứ 16 của cả nước

Hưng Thơ |

6 tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực tại tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, kinh tế tại tỉnh Quảng Trị vẫn phát triển.