Thời gian qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Qua đó góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, làm tăng nhanh về quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững, chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp.
Công ty TNHH MTV Từ Phong đóng tại Cụm Công nghiệp Cam Thành đã xây dựng mô hình chuỗi giá trị từ trồng trọt đến thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm từ cây lạc, mè. Năm 2015, công ty đầu tư nhà máy chế biến nông sản với tổng mức đầu tư 12,7 tỉ đồng bao gồm hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm dầu lạc, mè đen, bơ lạc, dầu ăn cho trẻ mang thương hiệu Super Green.
Năm 2017, đơn vị đã được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ hơn 2,2 tỉ đồng triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất lạc năng suất cao và sản xuất lạc an toàn theo VietGAP tại tỉnh Quảng Trị”. Dự án đã nâng tầm việc áp dụng khoa học và công nghệ vào khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ cây lạc. Đến nay, sản phẩm của công ty đã có mặt trên kệ hàng của các hệ thống phân phối lớn như Aeon Việt Nam; Co.opmart, Lotte Mart, Big C, Satra Mart và 120 hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Nhờ vậy, đơn vị đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 72 lao động thường xuyên và thời vụ; liên kết, bao tiêu nguyên liệu đầu ra cho 158 hộ nông dân; xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung 32 ha tại xã Cam Thành. Hiện tại, công ty có 3/19 sản phẩm được công nhận OCOP tỉnh Quảng Trị năm 2019, bao gồm 1 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đạt 3 sao.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Từ Phong Từ Linh Nhân cho biết: “Kế hoạch thời gian tới, chúng tôi phấn đấu trở thành doanh nghiệp tiên phong về trồng, chế biến và phân phối các sản phẩm từ cây lạc tại Quảng Trị. Xây dựng vùng nguyên liệu cánh đồng mẫu lớn canh tác lạc và các loại ngũ cốc theo phương pháp hữu cơ mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thực phẩm sạch, bảo vệ nông dân và môi trường”.
Cũng như Công ty TNHH MTV Từ Phong, cơ sở chế biến cà gai leo An Xuân là một trong những điển hình trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ở huyện. Cơ sở đã đầu tư trồng vùng nguyên liệu với diện tích 5 ha ngay tại thôn An Mỹ và thôn Tân Xuân, xã Cam Tuyền. Bình quân mỗi vụ cơ sở thu hoạch được hơn 30 tấn nguyên liệu gồm cành, lá để chế biến thành các sản phẩm như cao cà gai leo, cà gai leo hòa tan, cà gai leo dạng viên nén… để cung cấp cho thị trường. Ngoài việc sản xuất cao tại chỗ, cơ sở còn liên kết với doanh nghiệp để bào chế sản phẩm dưới dạng cao hòa tan, xirô và dạng viên. Cuối năm 2019, cao cà gai leo An Xuân đạt giải thưởng “Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng”.
Chị Lê Hồng Nhạn, chủ cơ sở sản xuất cà gai leo An Xuân cho biết: “Quy trình từ sản xuất đến chế biến đối với cây dược liệu cà gai leo của cơ sở đảm bảo an toàn tuyệt đối với người sử dụng. Hiện cơ sở liên kết được với một công ty tại Hà Nội đạt tiêu chuẩn sản xuất thực hành tốt GMP và đã đăng ký qua Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế được cấp phép là sản phẩm chăm sóc sức khỏe, cấp giấy xác nhận quảng cáo. Thời gian tới, khi tìm được đầu ra sản phẩm tốt hơn, cơ sở sẽ hợp tác với người dân trên địa bàn xây dựng vùng nguyên liệu, hướng cho họ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sạch để thu mua phục vụ việc chế biến của cơ sở”.
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt đối với người nông dân. Vì vậy, huyện Cam Lộ đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh thông qua việc ban hành nhiều nghị quyết, đề án chuyên đề phát triển kinh tế nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng miền, hình thành và phát triển gia trại, trang trại, làng nghề. Xây dựng các khu công nghiệp thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất và chế biến. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu bằng việc thúc đẩy các mối liên kết nông dân, HTX và doanh nghiệp để vận hành có hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, huyện triển khai nhiều nhóm chính sách hỗ trợ khác như chính sách đào tạo lao động nông thôn chuyên nghiệp, chính sách hỗ trợ kỹ sư nông nghiệp về làm việc tại các HTX, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, chính sách ưu đãi mô hình liên kết sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ vậy, đến thời điểm này huyện đã phát triển được 4.200 ha cao su, 4.000 ha sắn, gần 1.000 ha hồ tiêu, 1.200 ha lạc, hơn 10.000 ha rừng, gần 500 ha cỏ chăn nuôi bò...
Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng ý thức rõ việc nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Nhiều đơn vị đã làm tốt công tác quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; phát triển năng lực chế biến bằng cách mở rộng sản xuất; đổi mới công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, tăng cường chế biến sâu, liên doanh, liên kết để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Cam Lộ như Công ty TNHH MTV Từ Phong, Cơ sở chế biến cà gai leo An Xuân, Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái, Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ, các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng ở các Cụm công nghiệp Cam Thành, Cam Hiếu và Cam Tuyền… đều chú trọng đầu tư cải tiến, đổi mới trang thiết bị để chế biến nguồn nguyên liệu nông, lâm sản vốn là thế mạnh của địa phương. Nhờ vậy, nhiều sản p h ẩ m n ô n g n g h i ệ p của Cam Lộ xuất khẩu ra nước ngoài. Trong năm 2019, huyện đã có 7/9 sản phẩm tham gia chương trình OCOP tỉnh đạt giấy chứng nhận 3 sao, trong đó có 1 sản phẩm đạt giấy chứng nhận 4 sao cấp tỉnh.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết: “Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Cam Lộ thời gian qua đã tạo ra những chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Để góp phần giúp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, huyện tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Dự kiến trong năm 2020 huyện sẽ nâng cấp 5 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 - 2 sản phẩm được nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao; 6 sản phẩm mới sẽ tham gia xây dựng OCOP mới, dự kiến trong đó có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có hơn 10 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao Chương trình OCOP cấp tỉnh”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)