Gio Linh xây dựng vườn giống bơ chất lượng cao

Võ Thái Hòa |

Là một địa bàn có thế mạnh về đất đỏ ba dan, người dân vùng Tây Gio Linh (Quảng Trị) phát triển nhiều các loại cây dài ngày, trong đó cây ăn quả và bơ là một trong những loại cây được người dân vùng này trồng khá phổ biến. 

Đất vùng Tây Gio Linh trồng bơ cho sản phẩm tốt nhưng người dân lại trồng có chất lượng không đồng đều. Nguyên nhân là do chưa chọn được giống bơ đạt chuẩn. Để giúp địa phương chọn tạo được sản phẩm bơ chất lượng tốt, đồng đều, Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) Quảng Trị đã đầu tư cho Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Gio Linh thực hiện đề tài “Điều tra chọn cây giống làm vật liệu đầu dòng và xây dựng mô hình vườn ươm giống bơ địa phương có triển vọng của huyện Gio Linh”.

Vườn ươm cây bơ đầu dòng của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gio Linh. Ảnh: VTH
Vườn ươm cây bơ đầu dòng của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gio Linh. Ảnh: VTH

Gio Linh nổi tiếng với bơ sáp ngon, dẻo, đậm đà nhưng không phải hộ nào trồng bơ cũng lựa chọn được cây giống bơ sáp ngon. Bởi người trồng bơ từ trước đến nay đều gieo giống từ hạt và trồng từ cây thực sinh. Giống gieo hạt thì gặp nhiều may rủi, trồng cây bơ dài đến 4- 5 năm mới cho quả nên nếu trúng giống bơ dở thì không dễ trồng lại cây khác. Hơn nữa, từ trước đến nay, cây bơ chưa được người dân quan tâm trồng thành vùng chuyên canh mà chỉ trồng mang tính tận dụng đất, vì vậy, ít quan tâm đến chất lượng giống bơ.

Năm 2019, Sở KH&CN giao cho Trạm TT&BVTV huyện Gio Linh thực hiện đề tài xây dựng vườn ươm giống bơ địa phương đạt chất lượng cao nhằm nhân rộng mô hình sản xuất giống bơ cho người dân trên địa bàn đảm bảo trồng cho sản phẩm đạt chuẩn theo nhu cầu của thị trường. Từ nhiệm vụ đó, Trạm TT&BVTV huyện Gio Linh đã bắt tay vào điều tra, tuyển chọn được 4- 5 cây bơ đầu dòng có triển vọng làm vật liệu ghép, xây dựng nhà lưới làm vườn ươm, tuyển chọn hạt để gieo cây thực sinh. Từ cây đầu dòng xây dựng nguồn cây mẹ, trạm đã đầu tư xây dựng vườn ươm giống bơ địa phương có triển vọng với quy mô 2.000 cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Đến nay, sau khi tuyển chọn các cây đầu dòng đạt tiêu chuẩn, trạm đã tiến hành ghép thử được 400 cây đạt chất lượng tốt. Giống bơ được chọn ghép là bơ sáp có hạt nhỏ, quả to, hình dáng quả và màu vỏ đẹp, dễ bóc vỏ, chất lượng dẻo, ngon... Ngoài chất lượng tốt, giống bơ sáp địa phương cho năng suất cao, mỗi cây bình quân đạt 3- 4 tạ quả. Mỗi sào trồng được từ 15- 20 cây.

Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Gio Linh Võ Thị Tuyết Trinh cho biết: “Trong quá trình thực hiện đề tài khá thuận lợi, việc điều tra chọn cây đầu dòng và tạo cây thực sinh đã được trạm thực hiện suôn sẻ. Trạm cũng đã ghép thử và các cây ghép bước đầu sinh trưởng tốt. Mùa mưa tới, khi các cây đầu dòng được công nhận thì trạm sẽ tiến hành ghép nối ngọn toàn bộ số cây theo đề tài giao. Tiến hành trồng thử nghiệm giống bơ ghép này 1 ha với 2.000 cây. Qua đề tài nhằm đánh giá năng suất, hiệu quả của giống bơ mới; hiệu quả của việc thay đổi tập quán canh tác quảng canh, trồng cây thực sinh của nông dân sang trồng tập trung thâm canh, ứng dụng nhân giống bằng phương pháp ghép chồi, từ đó làm cơ sở nhân rộng mô hình”.

Giống bơ sáp được chọn giống từ các cây có chất lượng quả tốt, cây khỏe rồi tiến hành ghép nối ngọn tạo ra giống bơ ghép cho chất lượng quả ngon và đồng đều. Hiện nay, các loại bơ sáp ngon của Gio Linh được thương lái mua số lượng lớn với giá 25- 30 ngàn đồng/kg. Như vậy, 1 cây bơ ngon mỗi năm cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Trồng bơ đầu tư ít, mỗi cây trong thời gian kiến thiết cơ bản chỉ đầu tư khoảng 150 - 200 ngàn đồng, sau đó trong quá trình khai thác đầu tư phân bón cho bơ không đáng kể. Kỹ thuật chăm sóc bơ đơn giản. Đặc biệt, cây bơ ít sâu bệnh, không phun thuốc bảo vệ thực vật nên quả bơ thực sự là trái cây sạch. Toàn huyện Gio Linh hiện có hơn 120 ha bơ, song chất lượng bơ không đồng đều. Do vậy, đề tài thành công sẽ chuyển giao cho người dân giống bơ ghép và kỹ thuật ghép để người dân chủ động nguồn giống bơ tốt nhằm phát triển sản phẩm bơ hàng hóa. Đây là cơ hội để người dân Gio Linh cải tạo nâng cao chất lượng vườn bơ và chuyển đổi các cây trồng khác giá trị kinh tế thấp sang trồng bơ hàng hóa.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề tài, chị Trinh vẫn luôn trăn trở là để khẳng định được tính hiệu quả của đề tài thì phải cần một thời gian dài bằng thời kỳ kiến thiết cơ bản của cây bơ (khoảng 5 năm). Tức là khi cây bơ sáp địa phương ghép nối ngọn cho quả thu hoạch vụ đầu tiên mới đánh giá được chất lượng và năng suất. Vì vậy thiết nghĩ, sau khi nghiệm thu đề tài ở mức độ chất lượng cây mới trồng thì cần nối dài thời gian thực hiện đề tài cho đến khi cây bơ cho thu hoạch để khẳng định kết quả cuối cùng của một chu kỳ trồng cây. Về vấn đề này, Sở KH&CN, UBND huyện Gio Linh cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ không chỉ khẳng định chất lượng bơ mà còn hỗ trợ trong xây dựng thương hiệu để tạo thị trường bền vững cho bơ hàng hóa Gio Linh.

Kết quả bước đầu việc thực hiện đề tài “Điều tra chọn cây giống làm vật liệu đầu dòng và xây dựng mô hình vườn ươm giống bơ địa phương có triển vọng tại huyện Gio Linh” mở ra một hướng mới trong công tác chọn giống tốt, đồng đều cho cây bơ sáp địa phương là một loại cây trồng có sản phẩm được thị trường ưa chuộng để sản xuất theo hướng hàng hóa, từ đó phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ trên địa bàn huyện Gio Linh mà toàn vùng gò đồi của tỉnh, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và góp phần thực hiện thành công chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi của tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xuất khẩu lâm sản có thể đạt 12 tỷ USD

Đỗ Hương |

Trong bối cảnh dịch COVID-19, giá trị xuất khẩu của ngành lâm nghiệp vẫn tăng 2,7% góp phần quan trọng vào giá trị chung của toàn ngành nông nghiệp.

Tình hình thực hiện các dự án do nước ngoài tài trợ tại tỉnh Quảng Trị

Thanh Trúc |

Ngày 8/7/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến đi kiểm tra hiện trường thi công và làm việc với các đơn vị liên quan về tình hình thực hiện các dự án Phát triển đô thị dọc Hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) và Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị (BIIG2) do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư.

Đông Hà tập trung phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ

Bảo Bình |

Đông Hà là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế và thương mại của tỉnh Quảng Trị, có vị trí quan trọng nằm trên tuyến Hành lang kinh tế ĐôngTây, gần với hai Cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay, là đầu mối giao thương hàng hóa trong tỉnh, khu vực. Ngoài ra, Đông Hà cũng là điểm dừng chân của khách du lịch khi đến Quảng Trị để khởi phát đi các tuyến du lịch trong toàn tỉnh. Xác định thương mại, du lịch, dịch vụ là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn thúc đẩy và tác động tới sự phát triển toàn diện của địa phương, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp để gắn kết, phát triển đồng thời ba lĩnh vực kinh tế này trong thời gian tới.

Vĩnh Linh: Xây dựng các vùng sản xuất cây, con thích ứng biến đổi khí hậu

Phương Nga |

Trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của tình hình biến đổi khí hậu, bên cạnh việc áp dụng các quy trình tiên tiến, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, huyện Vĩnh Linh  (Quảng Trị) xác định xây dựng các vùng sản xuất cây, con tập trung thích ứng với biến đổi là một trong những giải pháp tích cực để hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững.