Tình hình thực hiện các dự án do nước ngoài tài trợ tại tỉnh Quảng Trị

Thanh Trúc |

Ngày 8/7/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến đi kiểm tra hiện trường thi công và làm việc với các đơn vị liên quan về tình hình thực hiện các dự án Phát triển đô thị dọc Hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) và Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị (BIIG2) do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư.

Các dự án GMS có tổng vốn đầu tư hơn 2.446 tỉ đồng, trong đó vốn ODA là gần 2.010 tỉ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn  436 tỉ đồng. Địa bàn thực hiện là thành phố Đông Hà, các thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo; thời gian thực hiện từ năm 2013-2021.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến kiểm tra thực địa tình hình thực hiện các dự án ODA - Ảnh: Thanh Trúc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến kiểm tra thực địa tình hình thực hiện các dự án ODA - Ảnh: Thanh Trúc

Nhìn chung, việc thực hiện dự án từ sau khi hiệp định được ký kết đến nay về cơ bản đảm bảo tiến độ theo cam kết với Chính phủ và nhà tài trợ. Đến cuối tháng 6/2020, tỉ lệ giải ngân đạt hơn 67%, riêng 6 tháng đầu năm 2020 tỉ lệ giải ngân đạt 14%. Tuy vậy, cơ chế sử dụng vốn vay ADB cho chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc do sự khác biệt giữa quy định của Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ.

Dự án BIIG2 có tổng mức đầu tư 44,7 triệu USD, tương đương trên 998 tỉ đồng, quy mô đầu tư gồm 6 tiểu dự án, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2023. Tổng số vốn đã bố trí từ đầu tự án đến nay là hơn 75 tỉ đồng vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á và 11,6 tỉ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã bàn giao thực địa cho 3 huyện: Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh đối với 2 công trình đã được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Các huyện đang tiến hành cắm cọc giải phóng mặt bằng và kiểm đếm để bồi thường.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án GMS chủ yếu tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Một số hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bố trí giao đất theo nguyện vọng của hộ gia đình hoặc không có quỹ đất tại các vị trí/khu vực và hộ dân đề nghị. Phương án bồi thường, hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng các hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường do chưa thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ.

Ngoài ra, việc xin phép Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để đấu nối quốc lộ và vấn đề về tĩnh không đường Hoàng Diệu, Bà Triệu, hành lang an toàn đường sắt, kè sông Hiếu mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Đối với dự án BIIG2, việc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các tiểu dự án mất nhiều thời gian.

Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến nêu quan điểm, trong xu thế giảm trần nợ công, việc huy động vốn vay ODA ngày càng gặp khó khăn, vì thế cần phải biết tranh thủ, tận dụng nguồn ODA đã có được, tổ chức sử dụng tối đa nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả nhất.

Đối với các dự án GMS, yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đông Hà phối hợp làm báo cáo chi tiết và đề xuất các phương án trình UBND tỉnh để giải quyết dứt điểm các vướng mắc còn lại.

Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư, cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị thi công khi có mặt bằng thì phải triển khai thi công ngay, chỗ nào có mặt bằng thì đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

UBND tỉnh tiếp thu kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, xem xét chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thẩm định thiết kết bản vẽ thi công và dự toán các tiểu dự án còn lại của dự án BIIG2.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

'Lúa khô' - Hy vọng mới cho khủng hoảng lương thực

PV |

Một giống lúa 7.000 năm tuổi từng bị coi là cỏ dại ở Trung Quốc nay lại được kỳ vọng có thể xử lý khủng hoảng lương thực toàn cầu nhờ sống được trên sa mạc.

Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương

Trúc Phương |

Dù làm việc trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, nhưng những tấm gương sản xuất - kinh doanh giỏi của thành phố Đông Hà (Quảng Trị) mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều có chung tinh thần hăng hái học hỏi, không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều người và góp phần làm giàu cho mình, cho quê hương.

Tầm nhìn phía biển

Hồ Nguyên Kha |

Quảng Trị có lợi thế nổi trội về vị trí địa lý- kinh tế nằm trong hai chiến lược phát triển quốc gia là Hành lang kinh tế Đông-Tây và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà trụ cột phát triển là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; Khu KTTMĐB Lao Bảo; 2 Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay; cảng Cửa Việt và cảng nước sâu Mỹ Thủy... Nơi đây chính là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước và vùng lãnh thổ trên Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Đông Hà tập trung phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ

Bảo Bình |

Đông Hà là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế và thương mại của tỉnh Quảng Trị, có vị trí quan trọng nằm trên tuyến Hành lang kinh tế ĐôngTây, gần với hai Cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay, là đầu mối giao thương hàng hóa trong tỉnh, khu vực. Ngoài ra, Đông Hà cũng là điểm dừng chân của khách du lịch khi đến Quảng Trị để khởi phát đi các tuyến du lịch trong toàn tỉnh. Xác định thương mại, du lịch, dịch vụ là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn thúc đẩy và tác động tới sự phát triển toàn diện của địa phương, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp để gắn kết, phát triển đồng thời ba lĩnh vực kinh tế này trong thời gian tới.