Một giống lúa 7.000 năm tuổi từng bị coi là cỏ dại ở Trung Quốc nay lại được kỳ vọng có thể xử lý khủng hoảng lương thực toàn cầu nhờ sống được trên sa mạc.
Tờ Global Times (Trung Quốc) cho biết giống lúa khô này đã thu hút sự chú ý của nhiều nước châu Phi và châu Á ngay cả khi mới ở giai đoạn trồng thử nghiệm.
Một số quốc gia nước ngoài bao gồm Kazakhstan, Nam Phi, Tanzania và Zambia đã cử người đến học hỏi về công nghệ trồng lúa khô tại Trung Quốc.
Từ tháng 6, các nhà khoa học Trung Quốc đã trồng thử nghiệm lúa khô trên khu vực rộng 347 ha tại sa mạc Ulan Buh thuộc Khu tự trị Nội Mông.
Khác với lúa nước, lúa khô có thể sinh trưởng bình thường và cho thu hoạch mà không cần nhiều nước tưới. Lúa khô chỉ cần lượng nước bằng 1/4 so với lúa thông thường.
Lúa khô được trồng ngày nay hình thành từ giống lúa vốn tồn tại ở Trung Quốc từ hơn 7.000 năm trước, từng được coi là cỏ dại. Giáo sư Peng Guowei đã phát hiện lúa khô trong một đám cỏ ở Cao nguyên Loess, thuộc tỉnh Thiểm Tây năm 2011.
Sau khi cải tạo lai giống, lúa khô hoang dã đã thay đổi nhiều về sản lượng và hương vị.
Năm 2015, giáo sư Peng thử nghiệm trồng lúa khô tại một sa mạc ở thành phố Karamay thuộc Khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ.
Lúa khô có thể trồng trực tiếp, không cần cấy, điều này giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
(Nguồn: TTXVN)