Nắng hạn kéo dài từ đầu năm đến nay cộng với lượng mưa trung bình thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây đã khiến tình hình sản xuất lúa vụ Hè Thu 2020 của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu tình trạng hán hán còn kéo dài thì nhiều khả năng hàng trăm ha lúa trên địa bàn huyện sẽ khó mà hồi phục và có nguy cơ mất trắng.
Mảnh ruộng đã gieo cấy được tròn một tháng của gia đình ông Trần Hữu Chính, ở thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Ruộng lúa khô khốc, nứt nẻ, phần lớn lúa đã bắt đầu chuyển màu vàng do bị cháy lá. Đây là hệ quả của việc đã gần một tháng nay ruộng lúa của nhà ông chưa có nước trong khi thông thường lúa sau gieo cấy phải được cấp nước đủ sau 15 ngày mới đảm bảo sinh trưởng.
Ông Trần Hữu Chính, thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh cho biết: “Mọi năm, với vụ Hè Thu thì vào thời điểm này lúa đã có thể tỉa dặm và đẻ nhánh, năm nay hạn hán kéo dài, nước tưới tiêu khó khăn nên nhiều nơi lúa không sinh trưởng và phát triển được. Giai đoạn này rất quan trọng, ảnh hưởng nặng như thế này thì sau đó người dân phải tốn công, sử dụng nhiều phân bón may ra mới vực được cây lúa đạt năng suất”.
Xã Vĩnh sơn là xã nằm cuối kênh mương tưới của hệ thống tưới thuộc hồ thủy lợi La Ngà nên công tác dẫn nước tưới gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trước tình hình hạn hán cộng với chu kỳ, lịch dẫn nước kéo dài đến cả tháng như hiện nay thì đã có trên 125ha/ tổng cộng hơn 500 ha lúa Hè Thu của toàn xã bị khô hạn do thiếu nước, nguy cơ năng suất vụ Hè Thu ảnh hưởng nghiêm trọng là rất cao. Mặc dù xã đã được cấp nước bổ sung gần 1 tuần nay để chống hạn nhưng rất nhiều chân ruộng ở xa nguồn nước vẫn trong tình trạng khô hạn như thế này.
Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Hiện ở trên địa bàn xã có nhiều diện tích lúa một vụ thuộc chân ruộng cao khó lấy nước, UBND huyện và xã đã có kế hoạch chỉ đạo cắt giảm trong vụ Hè Thu hàng năm. UBND xã cũng kiến nghị các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư một số kênh mương cấp 3, cấp 4, kiểm tra điều chỉnh thiết kế của hệ thống kênh N 27 cho hợp lý, đầu tư lắp đặt một số trạm bơm ở hợp tác xã Phan Hiền để hỗ trợ việc tưới cho diện tích lúa khu vực này”.
Không riêng xã Vĩnh Sơn, nhiều địa phương của huyện Vĩnh Linh cũng đối mặt với tình hình thiếu nước vụ sản xuất này. Vụ Hè Thu năm 2020, toàn huyện gieo cấy được 2.900 ha lúa, trong đó hiện có hơn 400 ha lúa bị hạn nặng. Nhiều diện tích cây ăn quả, hoa màu cũng có nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới. Mực nước ở các hồ thủy lợi xuống thấp, một số đơn vị cuối nguồn phải chờ từ hai mươi ngày, thậm chí một tháng mới có nước bổ sung. Ông Nguyễn Đình Lục, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh cho biết: “Giải pháp cấp bách trước mắt để cứu lúa là các xã tăng cường phối hợp với Xí nghiệp thủy nông Vĩnh Linh cân đối nguồn nước tưới, lịch tưới phù hợp, đồng bộ hơn. Đồng thời, triển khai các trạm bơm dã chiến để bơm hỗ trợ, huy động tất cả các nguồn lực để chống hạn. Cán bộ nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biên pháp tưới khoa học, tưới tiết kiệm trên cây trồng, sử dụng tiết kiệm nước. Sử dụng các loại phân bón lá chuyên dùng nhằm kích thích lúa đẻ nhánh tập trung, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng sức chống chịu của cây trồng đối với thời tiết bất lợi”.
Theo dự báo của Đài Khí tượng, thủy văn tỉnh Quảng Trị cho biết: thời gian tới tiếp tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh nên tình hình hạn hán sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng, chính vì vậy huyện Vĩnh Linh cũng như các địa phương khác sẽ phải đối mặt với tình hình hạn hán nghiêm trọng trên. Hy vọng, nhiều giải pháp cấp bách được các địa phương triển khai sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất vụ Hè Thu này cho bà con nông dân.