Hiện toàn huyện đã đó trên 50 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có nhiều sản phẩm chất lượng cao và đã có thương hiệu.
Để các sản phẩm này tiêu thụ mạnh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng thương hiệu đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm để hỗ trợ cho nông dân trực tiếp sản xuất.
Trước đây, gia đình bà Trần Thị Duyên ở K4 Hải Phú (Hải Lăng, Quảng Trị) chỉ trồng cam theo kinh nghiệm truyền thống, nhưng 5 năm trở lại đây, gia đình bà Duyên đã thực hiện mô hình trồng cam hữu cơ. Hiện với gần 1000 gốc cam, trong đó có 600 gốc đã cho thu hoạch, mỗi năm gia đình bà Duyên thu nhập trên 800 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Vì là cam sạch, lại có thương hiệu nên cam K4 luôn được thị trường tin dùng, tiêu thụ rất tốt.
Những năm gần đây, huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh các giải pháp phát triển một số cây trồng chủ lực và một số mô hình sản xuất hiệu quả cao gắn với xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Từ đó, đã tạo động lực cho người dân sản xuất các sản phẩm như: Hồ tiêu vùng gò đồi, Cam K4, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ, ném vùng cát…
Để nâng cao chất lượng lúa gạo, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỷ thuật, hình thành vùng chuyên canh, chú trọng xây dựng mô hình lúa hữu cơ, sản xuất lúa sạch.Ông Bùi Xuân Giang – Chủ tịch UBND xã Hải Phong cho biết: Vừa tập trung xây dựng thương hiệu gạo sạch Hải Lăng vừa tạo đầu ra nhờ liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Hiệu ích đã thấy rõ, tuy nhiên trong thực tế, vấn đề xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc trưng,có thương hiệu ở huyện Hải Lăng hiện cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc cần sự quan tâm hỗ trợ của các ban ngành và chính quyền các cấp. Về vấn đề này, ông Phan Văn Quang – Giám đốc HTX Đông Dương xã Hải Dương cho biết rất cần sự hỗ trợ của các ngành, địa phương để xây dựng thương hiệu cây mướp đắng vùng cát.
Còn ông Lê Văn Thạnh - Giám đốc HTX Hà Lộc xã Hải Sơn thì cho rằng: Bên cạnh thương hiệu gạo sạch hải Lăng cần sự quan tâm trong vấn đề tiêu thụ nhằm kích cầu sản xuất gạo hữu cơ tại địa phương này.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, theo ông Nguyễn Giáp- Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng : Cùng với việc tích cực thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Hải Lăng tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản của địa phương trong thời gian tới như tăng cường quảng bá , trưng bày sản phẩm và chỉ dẫn địa lý của các nông sản chủ lực của địa phương.
Để các sản phẩm đặc trưng của huyện Hải Lăng được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, mỗi người dân, cơ sở sản xuất cũng cần nâng cao ý thức, tuân thủ theo các quy trình, tiêu chuẩn trong sản xuất hướng tới việc đưa thương hiệu sản phẩm nông nghiệp huyện nhà vươn xa hơn ở các thị trường trong và ngoài tỉnh.