Đã thành thông lệ, vào những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới, vùng quê Hải Lăng (Quảng Trị) lại rộn ràng, tưng bừng với các lễ hội.
Bên cạnh phần nghi lễ cầu an, cầu ngư mang ý nghĩa tâm linh với niềm mong ước một cuộc sống thanh bình, những vụ mùa bội thu, no ấm... là phần hội với khá nhiều trò chơi dân gian, đậm nét đặc trưng làng xã và nền lúa nước Việt Nam. Nét khác biệt trong các hoạt động lễ hội ở Hải Lăng là dù vẫn kế thừa những nét tinh hoa truyền thống, song đã được cách tân và bổ sung thêm cho phù hợp với tinh thần của đời sống đương đại.Đó là các lễ hội như: bưng trống đá của làng văn hóa Hưng Nhơn (xã Hải Hòa), hội chọi gà ở xã Hải Chánh, Hải Thọ, hội cướp cù xã Hải Quế, lễ cầu ngư xã Hải Khê, hội đua thuyền ở Hải Vĩnh, Hải Thành, Hải Sơn, Hải Quế và lễ hội hoa xuân ở xã Hải Tân .v v. Tất cả đã tạo nên một một bức tranh lễ hội đa sắc màu mang đậm các giá trị văn hóa cổ truyền. Anh Võ Toàn Chung, ở thành phố Huế tâm sự: “ Tôi thường ra thăm người thân ở huyện Hải Lăng trong dịp Tết.Tôi thấy những lễ hội ở đây được tổ chức rất nghiêm túc và đậm nét dân gian, cổ truyền dân tộc, nhưng cũng mang nét đẹp riêng, và gần gũi đối với vùng quê nông nghiệp này...”.
Tại xã Hải Khê, một vùng biển bãi ngang của huyện Hải Lăng, hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, bà con ngư dân 2 thôn Trung An và Thâm Khê lại rộn ràng và háo hức với lễ cầu ngư và hội vật truyền thống. Sau phần cúng tế theo nghi thức truyền thống của các bậc Tộc trưởng, Hội chủ và các vị cao niên trong làng tại miếu thờ Thành hoàng với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang… là phần Hội vật truyền thống được tổ chức ngay trên bãi cát ven biển. Đây là nội dung không thể thiếu và được chờ đợi nhất trong lễ hội cầu ngư của xã Hải Khê.
Nếu hội vật của xã Hải Khê là cuộc so tài của những thanh niên trai tráng, thì hội cù ở làng Kim Long - xã Hải Quế lại thu hút nhiều đối tượng cư dân trong làng tham gia. Hội chơi cù thường được tổ chức vào dịp những ngày đầu năm mới. Đây là khoảng thời gian nông nhàn nên người chơi và người đến xem cổ vũ thường rất đông, và môn thể thao truyền thống lành mạnh này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi một người dân nơi đây. Chính vì thế, để bảo tồn và duy trì hội cù, những năm vừa qua, UBND xã Hải Quế đã giao cho các tổ chức đoàn thể trong xã thường xuyên tổ chức cho đông đảo người dân tham gia, tạo không khí vui tươi, đoàn kết để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình hạnh phúc...
Ông Nguyễn Dõng, Trưởng thôn Kim Long- Hải Quế- Hải Lăng- cho biết thêm: “Đối với quê tôi thì lễ hội cướp cù được diễn ra từ lâu lắm rồi. Theo quan niệm của cha ông xưa để lại thì chơi cù là một nét đẹp truyền thống của làng và nó gắn với sự hình thành của làng chúng tôi. Do vậy, năm nào chúng tôi cũng phải tổ chức lễ hội cướp cù vào chiều mồng 1, mồng 2 và mồng 3 Tết để mọi người cùng chung vui...”.
Có lẽ một điều dễ nhận thấy sự sôi động nhất, háo hức nhất trong các lễ hội truyền thống ở Hải Lăng là hội đua thuyền. Đây cũng là hoạt động được diễn ra trên tất cả các địa phương từ thôn đến xã, thị trấn trong toàn huyện. Theo nhân truyền thì việc tổ chức lễ hội đua thuyền vào ngày đầu Xuân để khai thông sông rạch với ước muốn cầu mong mưa thuận, gió hòa. Làng nào giành giải cao trong cuộc đua thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Mỗi làng đều thành lập hai đội đua nam, nữ với các vận động viên lứa tuổi thanh - trung niên... được tuyển chọn qua hai yếu tố sức khỏe và kỹ thuật bơi thuyền. Chuyện làm ghe đua của mỗi làng cũng trở thành giai thoại trong khâu chọn tre, chọn thợ, đó là khâu thiết yếu để đem đến chiến thắng của một mùa hội đua. Theo các bậc cao niên thì nguyên vật liệu làm thuyền được chọn từ những cây tre già, giống tre tốt, qua bàn tay chế tạo của các nghệ nhân lành nghề đã trở thành những chiếc thuyền đua nhiều màu sắc sặc sỡ, thanh thoát nhưng cũng hết sức vững chải phù hợp với trọng lượng và số lượng người bơi. Dù tự làm hay thỉnh được ghe tốt, các đội thuyền đua đều tổ chức lễ “thượng sơn, hạ thủy” rất trang trọng tại các ngôi đình và miếu thờ trong làng. Anh Nguyễn Minh Quang, ở thị trấn Hải Lăng chia sẻ: “Ngày nay, cuộc sống phát triển, nên nhu cầu vui chơi và các lễ hội được mở ra nhiều hơn và cũng phong phú hơn về thể loại. Riêng ở Hải Lăng, lễ hội đua thuyền đã trở thành truyền thống và gắn liền với cuộc sống của người dân, vì ở đây là vùng quê nông nghiệp. Đặc biệt lễ hội đua thuyền ở Hải Lăng không chỉ đem lại một nét đẹp truyền thống mà còn tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong ngày lễ kỷ niệm giải phóng của huyện nhà...”.
Với sự sôi động và thu hút đông đảo lượng người tham gia và lĩnh hội, cũng như ý nghĩa mạng đậm nét quê và gắn liền với vùng quê sông nước, phù hợp với văn vật". Cây tre Việt Nam” hay Văn hóa lúa nước của người Việt... nên lễ hội đua thuyền là một trong những hoạt động không thể thiếu trong các dịp lễ hội ở huyện Hải Lăng. Đặc biệt, những năm trở lại đây, huyện ngày càng quan tâm, duy trì lễ hội văn hóa truyền thống này. Và chọn Đua thuyền để làm phần Hội trọng tâm trong lễ kỷ niệm ngày giải phóng huyện nhà 19/3 hàng năm.
Dù trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, và cho dù mỗi làng quê, mỗi vùng đất có một nét riêng của mình. Nhưng Hải Lăng vẫn bảo tồn và phát triển các loại hình lễ hội truyền thống, đây là hoạt động cùng hướng tới cái đích thuần nhất là: Đưa con người trở về với nguồn, thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã, địa phương hay họ tộc. Lễ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi dân gian...
Ông Võ Văn Vượng, Phó trưởng Phòng VH&TT huyện Hải Lăng khẳng định: “Các lễ hội ở huyện chúng tôi đều được hình thành khá lâu, kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ phía Nam. Các lễ hội này có những nét đẹp riêng, tuy nhiên vẫn mang đậm nét văn hóa cổ truyền nông nghiệp Việt. Nó vừa gắn liền với cuộc sống với cộng đồng dân cư, nhưng cũng là điểm nhấn ở các lễ kỷ niệm của quê hương...”.
Từ xưa đến nay, lễ hội là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa cộng đồng nên bao giờ cũng thấm đượm tinh thần đoàn kết và nhân bản sâu sắc. Những lễ hội đa sắc màu truyền thống của con người và vùng đất Hải Lăng không những góp phần rèn luyện thể lực, phục vụ lao động sản xuẩt mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm và sự gắn bó cộng đồng.Việc đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản truyền thống đã làm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước; khơi dậy những nét đẹp bản sắc của con người Hải Lăng.
(Nguồn: QRTV)