Đốt vàng mã và niềm tin mù quáng

Dương Triều |

Những ngày giáp Tết hay lễ Vu lan, rằm… đi đâu trên các cung đường ở xứ Việt đều mù mịt khói. Không phải khói đốt đồng, đốt rẫy mà là khói từ vàng mã. Làn khói ấy như một niềm tin gửi gắm của người trần về một thế giới nào khác, nơi tổ tiên, ông bà đã khuất.

Đốt vàng mã là một tín ngưỡng của người Việt có từ ngàn đời nay.  Cùng với những phong tục khác như rước nêu, đốt pháo, thắp hương… đều được du nhập từ Trung Quốc và biến cải theo từng giai đoạn lịch sử.

Vàng mã có mặt trong cái lễ cúng lớn nhỏ của người Việt. Ngày giỗ người đã khuất thì ngoài các loại giấy tiền được in ấn, thiết kế y như tờ tiền thật đủ các loại từ đô la Mỹ cho đến tiền đồng, tiền cổ. Ngoài ra để cho người đã khuất được “mặc ấm, mặc đẹp” thì không thể nào thiếu các bộ quần áo, giày mũ và các dụng cụ thiết yếu, thậm chí có cả xe mô tô, ô tô, smart phone, laptop…  Bởi họ quan niệm rằng, dương như thế nào thì âm vậy. “Dưới kia” cũng có một đời sống như trần gian này, cũng cần có cái để sinh hoạt, để chi tiêu. Và để cho dương được thịnh, phò hộ, độ trì cho nhân gian thì phải lo cho yên phần âm. Hay nói cách khác để cho mình được giàu sang, sung túc thì cần phải lo cho tổ tiên thật đầy đủ.
 

Những quan niệm đó đã ăn sâu vào đời sống của người Việt, đến nỗi nếu không có vàng mã, xem như những nghi thức chiêm bái, khẩn cầu không đạt, không tới. Người càng giàu đốt vàng mã càng nhiều. Làm quan càng lớn đốt vàng mã càng nhiều. Phải chăng vàng mã, thứ đại diện cho niềm tin mê tin ấy và sự tham lam của con người tỷ lệ thuận với nhau. Để rồi ước muốn càng lớn thì phải bỏ tiền ra để đốt thật nhiều vàng mã rồi cầu mong mù quáng, viễn vong.

Đốt vàng mã bây giờ không chỉ diễn ra nhiều ở chùa chiền mà còn có cả những nơi như nghĩa trang, kể cả nghĩa trang liệt sĩ, các điểm di tích văn hoá lịch sử. Và đối tượng không chỉ là những người nông dân, thương nhân mà còn có cả quan chức, trí thức. Phải chăng chúng ta đang mất niềm tin vào đời sống hiện tại để rồi muốn bám víu vào một nơi xa xăm, vô định không hề tồn tại?

Thời gian qua, đã có nhiều chức sắc Phật giáo lên tiếng về điều này. Rằng tục đốt vàng mã không có trong Kinh phật. Và chắc chắn như thế. Đó là một tín ngưỡng du nhập, nó bổ trợ cho những nghi thức của nhà Phật thêm nhiệm màu. Lâu dần nó hiển nhiên có mặt như một “món” không thể thiếu khi đến chùa, miếu. Nhưng tại sao các chùa chiền không cấm triệt để sự việc này? Chắc có lẽ khi chưa “triệt” được tục đốt trong ý thức của từng người, thì việc cấm đốt ở trong các chùa sẽ làm cho phật tử ngại đến chùa, không muốn đến chùa. Bởi Phật giáo là một tôn giáo nhập thế. Họ muốn xâm nhập vào đời sống tin thần của nhân loại không gì bằng phải học cách sống với những luật tục ngoại đạo, thậm chí những thứ mê tín khác. Nếu không có những điều đó, có khi sẽ “vắng như chùa Bà Đanh” là chuyện đương nhiên.
 

Đốt vàng mã là hình thức hối lộ thần linh? Có lẽ là như vậy khi cả năm anh lười lao động nhưng vào dịp đầu năm mới đốt thật nhiều vàng mã để mong đổi lại sự giàu có, đủ đầy. Rồi có khi nó là sự hối lỗi. Khi ông bà, cha mẹ sống không chăm sóc, không thực hiện đạo hiếu. Đến khi họ quy tiên thì đốt thật nhiều vàng mã để khoả lập sự thiếu sót, bớt phần trăn trở.

Đã đến lúc chúng ta cần loại tín ngưỡng này khỏi đời sống để tiến đến sự văn minh hơn. Phải biết dứt bỏ những thứ đã lạc hậu và nguy hiểm cho xã hội như chúng ta đã từng cấm đốt pháo. Nếu bỏ được tục đốt vàng mã, dân ta hàng năm sẽ tiết kiệm được 5 nghìn tỷ đồng (con số ước lượng dù chưa có cuộc thống kê chính thức) tiền vàng mã; sẽ giảm bớt những vụ cháy do đốt vàng mã gây ra; đỡ ô nhiễm môi trường.

Và đặc biệt niềm tin, ước nguyện vào đời sống này nó rõ ràng hơn, “duy vật” hơn khi không còn bám víu vào sự u mê, mù quáng nào khác mà phải bám vào sự thiện lành và lấy lao động làm nên tảng cho sự thịnh vượng.

Uống xong bắt tay, biết ngay Quảng Trị

Yên Mã Sơn |

Sau cái cụng ly, một trăm phần trăm ngon ơ. Phần còn lại là nhìn nhau và chìa tay ra, nắm chặt, rảy, rảy rất chuyên nghiệp.  

Nhớ tết xưa ngồi nhuộm áo

Yên Mã Sơn |

Sáng nào ngoại tôi cũng lom khom đi xé lịch trên tường để đếm ngày đếm tháng. Trong những ngày năm cùng tháng tận, ngoại thường nói, “sắp hết năm rồi bây ơi”. Chập choạng ít hôm nữa là ăn tết rồi. Ngày tháng thoi đưa…

Tết về thêm tuổi

Hoàng Ca |

Không ai đợi chờ, nhưng Tết vẫn đến và tuổi vẫn cứ về. Người ta nhắc Tết, hỏi tuổi và vô số thứ xung quanh hai cái này khi bâng quơ nghĩ mình còn trẻ. 

Bỗng thấy mình như trôi giữa quê hương

Yên Mã Sơn |

Thuở ấy nắng hanh vàng, xuân đang về trên lưng chừng đồi khi lốm đốm hoa ban nở.