Rộn ràng làng mứt gừng Mỹ Chánh

Lê An |

Đến làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vào thời điểm này, chúng ta dễ dàng cảm nhận được mùi hương cay nồng của gừng đang lan tỏa các ngả đường. 

Nhà nhà đỏ lửa tất bật làm mứt gừng phục vụ Tết Nguyên đán. Đây là nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm của người dân nơi đây. Mặc dù chỉ diễn ra trong vòng hơn một tháng nhưng thu nhập từ nghề làm mứt gừng mang lại khá cao.

Như thường lệ, cứ đến trung tuần tháng 11 âm lịch, lò mứt gừng của chị Võ Thị Tâm lại bắt đầu đỏ lửa sản xuất những mẻ mứt gừng theo phương thức truyền thống của gia đình để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Từ trong nhà ra đến ngoài sân tràn ngập những bao gừng tươi, than củi. Bên trong xưởng, hàng chục nhân công đang phối hợp nhịp nhàng từng công đoạn từ gọt vỏ gừng đến rửa gừng, bào gừng ra từng lát mỏng, luộc gừng, ngào gừng với đường cho đến công đoạn cuối cùng là đóng gói. Tất cả để cho ra những lát mứt gừng vừa thơm ngon, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, chị Tâm cho biết, để chuẩn bị cho vụ sản xuất mứt gừng, ngay từ giữa năm chị đã lặn lội vào tận Đắk Lắk để lựa chọn những ruộng gừng ưng ý, đảm bảo chất lượng để đặt mua. Theo chị Tâm, bí quyết để làm ra lát mứt gừng có màu sáng đẹp, cay nồng nhưng lại có vị dịu nhẹ như thế này là củ gừng được lấy từ các tỉnh Tây Nguyên do gừng trồng ở đây có hàm lượng tinh dầu cao, cho vị cay nồng nhưng lại không hăng như trồng ở các nơi khác. Để sản xuất được 1 kg mứt gừng cần phải có 1 kg gừng củ tươi và 1 kg đường cát trắng. Lựa chọn những củ gừng to đều, không quá già những cũng không non quá. Củ gừng sau khi gọt vỏ được rửa sạch, bào thành từng lát mỏng, ngâm trong nước lạnh rồi được đưa vào luộc sơ với nước chanh và giấm, sau đó xả sạch bằng nước sạch để rửa sạch nhựa gừng và giữ được màu vàng trắng đặc trưng; cuối cùng là ngào với đường trên chảo nóng trong khoảng 10 - 20 phút đến khi đường kết tinh dính xung quanh lát mứt gừng thành phẩm. Trong suốt quá trình ngào với đường, người đứng bếp yêu cầu phải tập trung cao độ, không được để lửa lớn quá bởi sẽ gây cháy đường làm mứt có vị đắng, mẫu mã không đẹp; cũng không được thấp quá khiến đường không kết tinh trên gừng được, mà phải đủ nóng để đường và gừng hòa quyện vào nhau.

Chị Tâm chia sẻ, do được làm bằng thủ công theo phương pháp truyền thống, hoàn toàn không sử dụng hóa chất nên sản phẩm mứt gừng của gia đình chị rất được ưa chuộng. Bình quân mỗi vụ tết gia đình chị đưa ra thị trường từ 25 - 30 tấn mứt gừng với giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Trừ chi phí đã mang lại thu nhập cho gia đình chị từ 80 - 100 triệu đồng. Không những tạo thu nhập cho gia đình, trong hơn một tháng sản xuất cao điểm này, cơ sở sản xuất mứt gừng của chị còn tạo việc làm cho gần 50 lao động địa phương với thu nhập từ 150.000 - 250.000 đồng/người/ngày.
 
 Ngào gừng với đường được xem là công đoạn nặng nhọc nhất. Ảnh: LA

Theo Phó Ban điều hành làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh Ngô Văn Bách, nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh là nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Với vị thơm, cay nồng đặc trưng, màu gừng tự nhiên không tẩy trắng nên sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh rất được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng trong dịp tết. Để đảm bảo uy tín thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh và đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất, các hộ sản xuất mứt gừng đã hợp đồng trước với các đầu mối thu mua nông sản trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên để có đủ nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Bách cho biết, hiện nay ngoài các hộ sản xuất nhỏ lẻ với quy mô gia đình, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh còn có 10 hộ sản xuất quy mô lớn từ 5 - 10 nhân công, cá biệt có những có hộ có từ 30 - 50 nhân công. Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh sẽ đưa ra thị trường khoảng 70 tấn mứt gừng. Với giá bán sỉ mứt gừng trên thị trường khoảng 50.000 đồng/kg, mứt loại 1 có giá từ 60.000 - 65.000 đồng/kg thì tổng thu nhập của cả làng đạt khoảng 3,5 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho hay, vào vụ, nghề làm mứt gừng đã tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương. Để giữ được thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh, bên cạnh hương ước của làng nghề, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch UBND xã đã tổ chức họp các hộ làm mứt gừng, kí cam kết không sử dụng hóa chất trong chế biến, tất cả các công đoạn sản xuất đều được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của hộ khác…, hộ nào vi phạm sẽ không được tiếp tục sản xuất. Song song với đó, UBND xã cũng tăng cường chỉ đạo các hộ sản xuất đồng bộ, thực hiện theo quy định nhãn mác đã được đăng kí, có tem truy xuất nguồn gốc, mã QR code…; đồng thời hoàn tất các thủ tục để được công nhận làng nghề truyền thống nhằm không chỉ tạo thêm thu nhập cho người dân mà còn giữ gìn nghề truyền thống của tổ tiên để lại. Đồng thời đề xuất cấp trên có chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lí nước thải tập trung, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do nước thải trong các công đoạn sản xuất mứt gừng gây ra.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tục uống rượu cần miền Tây Quảng Trị

Y Thi |

Cũng như các dân tộc ở Tr­ường Sơn, Tây Nguyên, người Bru - Vân Kiều và Pakô ở miền Tây Quảng Trị uống chung một thứ r­ượu cần cất ủ lâu ngày trong những cái ché. 

Thực hiện “Kì họp không giấy” của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị

Trần Cát Linh |

Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại, đáp ứng mục tiêu tin học hóa toàn diện công tác quản lí của HĐND tỉnh Quảng Trị, hỗ trợ tốt hơn công tác tham mưu, phục vụ của Văn phòng HĐND tỉnh là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị.

Giáo viên Quảng Trị xuất sắc đạt giải ba tại diễn đàn giáo dục sáng tạo Việt Nam

Trần Chánh |

Chiều 12-1, tại Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Education Exchange 2020 do Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức, cô giáo Dương Thị Thu Trang (Giáo viên Ngữ Văn Trường iSchool Quảng Trị) với dự án "Loại bỏ ô nhiễm Trắng - Hành động của chúng ta" được đánh giá cao với 5 tiêu chí rất khó từ BTC và xuất sắc vượt qua hơn 1.000 giáo viên tham gia dự án trên toàn quốc, để dành giải Ba tại diễn đàn.

Ông Nguyễn Văn Dùng giữ chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị

Mai Trang – Minh Dương |

Ngày 12/1, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đến dự có đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cùng các đồng chí trong BTV Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh.