Từ vùng đất khô hạn đến làng quê trù phú

P.A |

Chúng tôi đã nhiều lần đi qua các xã Gio Mai, Gio Quang, Gio Thành, Gio Mỹ của huyện Gio Linh (Quảng Trị) và chứng kiến cuộc sống của người dân ở những vùng quê này quá nhiều khó khăn những năm sau ngày quê hương giải phóng. 

Mùa hè đi qua vùng đất này mới thấy hết sự khô khát của những cánh đồng bỏ hoang, lòng người cũng không yên khi năng suất, sản lượng mùa vụ không mang lại no ấm. Chỉ sau khi có các công trình thủy lợi và thay đổi cơ chế, chính sách trong nông nghiệp, cuộc sống của người dân mới có nhiều chuyển biến, ấm no dần lên.

Từ một vùng quê nghèo, Gio Quang dần trở thành một trong những xã trọng điểm lúa của huyện Gio Linh với sản lượng lương thực hằng năm đạt hơn 5.000 tấn (bình quân lương thực 1.500kg/ người/năm). Nhiều gia đình mỗi vụ thu hoạch hàng chục tấn lúa. Nhờ nguồn thu từ lúa mà đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xóa được nhà tạm bợ dột nát từ hơn 3 năm nay, tỉ lệ hộ nghèo năm 2019 chỉ còn 4,5%; hộ cận nghèo là 2,4%; thu nhập bình quân đầu người cũng đạt mức hơn 39 triệu đồng. Đó là bức tranh tươi sáng, rất đáng ghi nhận ở một xã nằm về phía Đông của huyện Gio Linh.
 

Nét khác biệt trong sản xuất nông nghiệp ở xã Gio Quang so với một số địa phương khác chính là người dân luôn coi trọng việc đầu tư các phương tiện sản xuất, số gia đình có máy móc, phương tiện làm đất đạt tỉ lệ khá cao như ở HTX Vinh Quang Hạ, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban kiểm soát HTX cho biết có hơn 70% số hộ sắm được máy làm đất. Toàn xã có hàng trăm máy nông nghiệp các loại, trong đó có 23 máy gặt đập liên hợp hiện đại, trị giá mỗi máy hàng trăm triệu đồng. Điều đó cho thấy một số nông dân ở đây có tiềm lực kinh tế khá lớn, được tích lũy từ hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Xã thành lập được tổ gặt đập liên hợp, ngoài công việc ở địa phương, mỗi năm dành ra vài tháng để đi làm thuê ở ngoài tỉnh nhằm giải quyết việc làm, tăng thêm nguồn thu. Việc đầu tư cơ giới hóa ở mức độ cao góp phần làm giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán của người dân nơi đây nếu sản xuất bằng cơ giới hóa thì một héc ta lúa nông dân giảm được chi phí 4 triệu đồng/vụ so với làm thủ công.

Ở Gio Quang cũng đang chuyển dần sang sản xuất lúa hàng hóa, lúa hữu cơ có giá trị cao hơn. Hiện diện tích lúa toàn xã có 443 ha, tất cả đều trồng lúa chất lượng cao, giống ngắn ngày như HC95; DT 45. Mới đây xã Gio Quang được cấp trên hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà máy xay, sấy lúa sạch, chất lượng cao tại thôn Vinh Quang Hạ, trong đó máy sấy do Liên minh HTX Việt Nam đầu tư với kinh phí 360 triệu đồng; máy xay xát gạo do tỉnh đầu tư trị giá 154 triệu đồng; nhà kho được xây dựng với diện tích 80 m2, giá trị 260 triệu đồng. Xã cũng đang xin tài trợ xây dựng trạm biến áp để vận hành cơ sở xay xát, chế biến gạo này. Việc xây dựng nhà máy xay, sấy lúa chất lượng cao tạo điều kiện cho người nông dân phát triển kinh tế, tiêu thụ sản phẩm, trong đó một phần bán cho nhà máy Bia Hà Nội (đóng tại Khu công nghiệp Quán Ngang), một phần khác bán ra thị trường. Gạo HC95 Gio Quang cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và bảo hộ thương hiệu. Hiện tại HTX Vinh Quang Hạ đang tiến hành in ấn bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng trang web gắn với đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ để quảng bá, cung ứng cho thị trường.

Bên cạnh sản xuất lúa, người dân còn mở rộng thêm các ngành nghề dịch vụ. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Thị Nga cho biết, ở làng Trúc Lâm đã có một số gia đình đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mộc mĩ nghệ khá lớn như xưởng mộc của ông Phan Văn Phú, thu hút 5-7 người làm; cơ sở của ông Phan Văn Linh quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động. Ở thôn Kỳ Trúc, một số người dân xây dựng cơ sở chế biến tinh dầu tràm như gia đình các chị Hoàng Thị Phương, Hoàng Thị Ly; ông Hoàng Đình Quang, Hoàng Đình Lực. Việc chế biến tinh dầu tràm là một hướng đi mới nhằm tận dụng nguyên liệu tự nhiên sẵn có trên địa bàn để chưng cất tinh dầu bán ra thị trường, trung bình hằng tháng mỗi gia đình cũng thu được 15-20 triệu đồng. Về trồng nấm, trên cơ sở được tập huấn, tích lũy kiến thức qua các lớp đào tạo nghề đã có một số gia đình chuyển sang làm nấm linh chi, sò trắng, sản phẩm làm ra bán cho các chợ đầu mối. Đây là nghề có thu nhập khá cao, nhiều triển vọng nên sắp tới xã tiếp tục mở lớp tập huấn để khuyến khích người dân phát triển nghề trồng nấm.

Năm 2019 xã ban hành kế hoạch hành động với chủ đề “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”. Cơ cấu kinh tế cũng đã có sự chuyển dịch đúng hướng. Tỉ trọng nông nghiệp giảm từ 38% năm 2018, xuống còn 36% năm 2019; phi nông nghiệp tăng từ 62% lên 64%. Năm 2019 tổng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-thương mại-dịch vụ đạt 143,3 tỉ đồng, tăng hơn 19 tỉ đồng so với năm trước. Xã cũng coi trọng xuất khẩu lao động, tích cực tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho nhiều người đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2019 có 15 người sang làm việc ở thị trường Nhật Bản, nâng tổng số người đang làm việc ở nước ngoài lên 78 người.

Chủ tịch UBND xã Lê Văn Thông cho rằng, trong năm 2019 người dân địa phương đầu tư phát triển mạnh về dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ dọc theo Quốc lộ 1, Khu công nghiệp Quán Ngang, tuyến đường 9 nối dài về Cửa Việt, nhờ đó giải quyết được việc làm cho nhiều lao động. Ở Gio Quang một số gia đình có 2-3 người làm công nhân trong các cơ sở công nghiệp hoặc đi làm thuê, bốc vác theo thời vụ cho nhà máy bia, nhà máy chế biến gỗ… Vì thế, thu nhập bình quân của người dân trong năm 2019 vẫn đạt mức cao 39,65 triệu đồng, tăng 4,25 triệu đồng so với năm 2018.

Về văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân cũng có những chuyển biến tích cực. Xã duy trì đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 5/5 làng đạt danh hiệu đơn vị văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh. Gio Quang cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; quan tâm chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công và các hộ nghèo, cận nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Tuy vậy xã Gio Quang vẫn còn không ít khó khăn như chất lượng một số tiêu chí nông thôn mới ở mức trung bình, công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền một số mặt thiếu quyết liệt, tỉ lệ sinh con thứ 3 trong cán bộ, đảng viên còn cao, một số vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, năng lực hoạt động của một số HTX còn yếu… Điều đó đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng Gio Quang trở thành một xã nông thôn mới phát triển về mọi mặt; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị: Thưởng Tết cao nhất hơn 65 triệu đồng

Nguyễn Loan – Minh Trí |

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Trị, mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2020 của các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị bình quân cao hơn năm trước, mức cao nhất là 65,79 triệu đồng.

Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa chi hơn 300 tỉ đồng thu mua sắn củ tươi

K.K.S |

Ông Lê Văn Thể, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, tính đến hôm nay 6.1.2020, đơn vị đã thu mua được 150.000 tấn sắn tươi với tổng trị giá gần 300 tỉ đồng cho người dân trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. 

Những công trình chào xuân

Hồ Nguyên Kha |

Năm 2020, một con số tròn trĩnh căng tràn sức sống; một con số mang lại những dự cảm tốt lành đối với công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Tôi là người thực tế, ít mơ mộng nhưng đôi khi ngồi nhẫm đếm với thực tại vẫn luôn nhận ra sự chuyển mình đáng kể trên mảnh đất Quảng Trị thân yêu, thật đáng tự hào.

Bản du lịch trên tuyến Hành làng Kinh tế Đông Tây (EWEC)

Xuân Dũng |

Bản KLu, xã Đakrông (Đakrông, Quảng Trị) có vị trí rất gần cầu Treo Đakrông cũng được xem là một cảnh quan thu hút khách du lịch.