Đâu là điểm đến của du lịch thế giới năm 2020?

Nguyễn Khiêm |

“Miền Trung đòn gánh cong hai đầu” câu hát của nhạc sỹ An Thuyên đã khiến tôi chiêm nghiệm về đất Quảng Bình nơi người Mẹ xứ Việt đặt đòn gánh lên để… cong vòng hai đầu nỗi nhớ. 

Với chiều ngang chỉ bằng… “gang tay”.  40,3km tính ở đoạn ngắn nhất từ biên giới Lào đến biển Đông nhưng đất Quảng chứa đựng nội tại rộng cả chiều dài lẫn sâu khi nơi đây được mệnh danh là điểm đến của du lịch thế giới.
 
 Lễ hội hang động.

Buổi sáng đi bộ trên đường Quách Xuân Kỳ ở thành phố Đồng Hới thấy khung cảnh thanh bình làm sao. Con đường men theo bờ sông Nhật Lệ làm tôi nhớ đến những cung đường ven sông ở Đà Nẵng và Huế. Đó là những cung đường đẹp, có nhiều cây xanh khiến ai đi qua đây cũng cố hít cho đầy lồng ngực sự tinh khiết của không gian sông và nghe tiếng… lá thở. Một vài chiếc thuyền câu dập dềnh theo con nước mưu sinh mang một nét duyên, bình yên, thơ mộng mặc kệ trên kia, những chiếc xe đang hối hả về đâu xuôi ngược trên cầu Nhật Lệ. Sự đối lập giữa xô bồ và tĩnh lặng làm cho bộ mặt của phố thêm nhiều nét son diệu kỳ dù đêm qua, trận mưa đã cố xoá đi bao vết dấu nhọc nhằn.

Đồng Hới cũng có chút trầm mặc như xứ Huế, nhưng không kém phần năng động. Sự trầm mặc thấy ngay ở những gì còn lại của công trình Luỹ Thầy. Men theo con hào là những bờ đá rêu phong. Tôi gặp cần thủ Lê Trực Thắng đang buông câu. Lão bảo: “Nước trong thấy cá bơi ở dưới nhưng câu nó không ăn. Buổi sáng đi thăm người bệnh nhưng thấy cá lượn lờ dưới kia không thể cầm lòng, lấy cần mang theo câu ngay. Câu thế này vui là chính”. Kỳ lạ thay, ở một con kênh vắt qua thành phố mang dáng dấp cổ kính ấy lại có một dòng nước trong đến độ nhìn thấy được cá đang bơi dưới kia.

Cũng giống như khi đặt chân qua Đèo Ngang, ai rồi cũng phải thì thâm câu thơ “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà” của Huyện Thanh Quan. Và tôi, trong lúc ngồi gần lão cần thủ ở ngay sông Nhật Lệ, tôi nghĩ về lịch sử để thấy bóng trăm năm. Luỹ Thầy, tên người đời và các Chúa Nguyễn trang trọng đặt cho người kiến thiết nó, Đào Duy Từ. Cũng như những trí thức khác thời tao loạn của chiến tranh Trịnh - Nguyễn, Đào Duy Từ đã dám từ bỏ xứ đàng Ngoài để vào đàng Trong tìm minh quân. Để rồi từ đó ông làm rạng danh họ Đào mà tên tuổi và công trình gắn liền với đất Quảng Bình.
 
 Lễ hội hang động.

Phố sạch, cây xanh tràn lối, ngăn nắp chân phương là những gì chúng tôi thấy. Nhưng chừng đó làm sao kéo được mấy ông Tây, ông Mỹ từ trời Âu về tá túc ở đây? Không, Quảng Bình là cửa ngõ của du lịch thế giới vì những thứ “sang chảnh” mà không nơi nào có. Chỉ lấy cái hang động lớn nhất thế giới ra… đọ thì mọi đối tượng so sánh sớm bị lu mờ trước nó.

Năm 1991, sau khi người “rừng” Hồ Khanh tìm đến hang động kỳ ảo, sâu hun hút để tránh mưa. Sau đó ông dẫn đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đến thăm dò, khám phá. Và đến năm 2009, thế giới đã biết đến hang động này dưới cái tên Sơn Đoòng với bao nhiêu mỹ từ không tiếc dành cho nó. Và đến giờ, hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng vẫn còn nhiều bí ẩn chưa khám phá hết. Điều đó như một ma lực hấp dẫn giới du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá từ khắp năm châu đổ về.

Công ty TNHH Một thành viên Chua Me Đất (Oxalis) ra đời có sứ mệnh là đưa những du khách thích phiên lưu ấy xuống lòng đất, vào hang sâu và đương nhiên để được trải nghiệm tour du lịch có một không hai này, khách phải xếp hàng để làm những bài test nghiêm ngặt với giá đắt đỏ.

Thế giới “rùng mình” sau chương trình Good morning America” năm 2015 của Kênh truyền hình ABC- Mỹ thực hiện trực tiếp từ Sơn Đoòng. Một lần nữa, Sơn Đoòng  của Quảng Bình vươn ra thế giới bằng sự độc đáo, kỳ vĩ mà không nơi nào có được.
 
 Đạo diễn Jordan Vogt - Robert quảng bá du lịch Quảng Bình tại Chương trình.

Nối tiếp những thành công, khi Sơn Đoòng lúc nào cũng là nhân tố mới, bí ẩn có sức hút kỳ lạ dù giá cả không hề thấp. Trong năm 2019 này, tỉnh Quảng Bình đã đồng ý cho phép Công ty TNHH Một thành viên Chua Me Đất (Oxalis) tiếp tục khai thác sản phẩm du lịch được “Chinh phục Sơn Đoòng -  Hang động lớn nhất thế giới” đến hết năm 2030. Và đó là công ty duy nhất được quyền khai thác tour độc đáo này. Dù có giá trọn gói 3.000 USD (khoảng 64,5 triệu đồng) cho lịch trình 4 ngày 3 đêm nhưng khách vẫn xếp hàng đăng ký chờ đến lượt. Và danh sách ấy dài ra cho đến năm 2020 với hơn 200 người đặt vé chờ được đi. Điều này đủ thấy loại hình du lịch thám hiểm, khám phá này đang ăn nên làm ra ở Quảng Bình.

Có thời gian đi ngược dòng sông Son mới cảm nhận hết hai chữ Phong Nha. Hàng hàng lớp lớp núi đá vôi dựng đứng típ tắp như những “quan nha” chầu cửa rồng. Có phải cái hình ảnh đó là tượng hình cho hai chữ Phong Nha mà thế giới thường nhẫm đọc mỗi khi nhắc đến du lịch về trải nghiệm hang động. Núi ấy nằm “gối đầu” lên nhau trải dài từ cầu Xuân Sơn cho đến biên giới Lào tạo nên một ma trận thạch sơn kỳ thú. Và ngay dưới những đỉnh núi quanh năm gió bào mòn ấy là hệ thống hang động mà đến bây giờ đang còn là ẩn số khi một chuỗi hang thông nhau như tổ mối. Cái “tổ mối” chìm khuất ấy là một chiếc “bánh du lịch” đầy sắc màu và hương thơm của xứ Quảng tạo nên sự khác biệt, đặc thù. Du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch khảo cổ là loại hình du lịch không mới của các nước chấu Âu nhưng còn dè dặt, khiêm tốn ở xứ ta. Tuy nhiên, đối với tỉnh Quảng Bình, ngoài du lịch trải nghiệm, khám phá hoang động thì loại hình du lịch khảo cổ, nghiên cứu khoa học cũng đang trở thành một lợi thế để đầu tư bền vững. Nơi đây có một hệ thống di chỉ văn hoá phong phú như di chỉ khảo cổ văn hóa Hòa Bình có hang Yên Lạc (thôn Yên Lạc, xã Yên Hóa), hang Kim Bảng (xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa), hang Đức Thi (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh), hang Minh Cầm (xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa)…

Theo ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, “Ước tính 11 tháng đầu năm 2019, có 4,66 triệu lượt khách đến với Quảng Bình, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 256 ngàn lượt, tăng 39% so với năm 2018”. Ông Hà cho biết thêm, so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, lượng khách quốc tế đến với Quảng Bình chưa nhiều nhưng những gì thời gian qua Quảng Bình làm được, cho thấy nơi này đang có sức hấp dẫn khách châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… khi tốc độ tăng trưởng cao hơn các tỉnh bạn.

Có được thành quả đó, theo ông Hà đó là sự khác biệt về các loại hình du lịch ở Quảng Bình. Như tỉnh này đang xây dựng thương hiệu du lịch “Du lịch Quảng Bình - Những trải nghiệm khác biệt”. Và hiện nay, loại hình du lịch thám hiểm khám phá hang động đang là lợi thế tạo nên sự khác biệt. Song song cùng với đó, loại hình du lịch đại trà cũng đang phát triển khi những điểm kết nối trong hành trình đang được đồng bộ hoá.

Con số 39% lượng khách du lịch tăng trong năm 2019 thật ấn tượng đối với du lịch Quảng Bình. Nó báo hiệu nhiều thông điệp về một cửa ngõ du lịch đang được “khơi thông” bởi những con người dám nghĩ dám làm trên nền tảng của sự ưu ái từ thiên nhiên sẵn có.

Và những đột phá ấy đã được tầm thế giới công nhận, đánh giá cao khi cuối năm 2019, tạp chí Lonely Planet (Australia), tờ tạp chí nổi tiếng thế giới về du lịch đã xếp Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục là một trong những điểm đến đáng trải nghiệm hàng đầu tại Việt Nam năm 2019.

(Nguồn: Báo Xuân Lao Động BMT)

TAGS

Luang Prabang đạo Phật, làng và phố

Hồ Sỹ Bình |

Vượt quãng đường đèo dốc 350 km từ thủ đô Vientiane khá vất vả mới đến được cố kinh Luang Prabang - một thành phố cổ được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1975.  

Cây mai trổ bông vàng ruộm bên Quốc lộ 9

Lê Vinh |

Những ngày giáp tết Canh Tý 2020 này, người đi đường trên QL 9 (đoạn qua thôn Bích Đông, Tân Thành, Hướng Hóa, Quảng Trị) đều trầm trồ, dừng lại xem cây mai trổ bông vàng rực cả một góc trời.

Sa Mù - miền mơ tưởng…

Lê Đức Dục |

Chỉ là những khu nhà kính, những luống hoa lạ, nhưng dường như đâu đó trong tôi đã mơ hồ về một phố núi lung linh trên đỉnh Sa Mù (Hướng Hoá, Quảng Trị).

Món ngon ngày tết

Thanh Lê |

Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, vì vậy các món ngon ngày tết ngoài giá trị truyền thống còn mang ý nghĩa đầm ấm, sum vầy. Ở nước ta, mỗi vùng, miền có những món ăn ngày tết mang nét đặc trưng khác nhau, tạo nên văn hóa ẩm thực đa dạng.