Dù làm việc trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, nhưng những tấm gương sản xuất - kinh doanh giỏi của thành phố Đông Hà (Quảng Trị) mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều có chung tinh thần hăng hái học hỏi, không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều người và góp phần làm giàu cho mình, cho quê hương.
Phát triển kinh tế từ mô hình VAC
Anh Hồ Công Kỳ Minh (sinh năm 1971) trú tại Khu phố 3, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà là một nông dân điển hình trong sản xuất - kinh doanh giỏi.
Nhìn ngôi nhà khang trang, rộng rãi của anh, ít ai biết vợ chồng anh đã đi lên từ khó khăn như thế nào. Năm 2000, sau nhiều năm miệt mài làm ruộng vất vả mà kinh tế gia đình vẫn không khấm khá, anh Minh bàn với vợ mượn đất của địa phương đầu tư làm ăn. Là một người có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên ban đầu anh mua một ít lợn giống và vịt về nuôi. Sau này, khi gia đình có điều kiện hơn, vợ chồng anh mua được đất và mở trang trại theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) với diện tích hơn 10.000 m2 . Anh Kỳ cho biết: “Lúc mới khởi nghiệp, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chất lượng vật nuôi và đầu ra sản phẩm. Nhưng được sự hướng dẫn, tập huấn của Hội Nông dân các cấp, trạm khuyến nông về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cũng như tham khảo qua sách báo, chúng tôi dần tích lũy được kinh nghiệm và từ đó làm ăn tốt lên”.
Gia đình anh hiện canh tác trên một mẫu ruộng, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 3 tấn lúa; nuôi vài chục con lợn thịt, 1.000 con vịt lấy thịt, lấy trứng và hai hồ cá nước ngọt, mỗi hồ rộng gần 5000 m2 . Anh rất biết cách tận dụng cỏ, chuối… trong vườn và cám từ xay xát lúa để làm nguồn thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó mà vật nuôi của gia đình anh luôn đảm bảo khỏe mạnh, lớn nhanh, được các thương lái đến mua tận trang trại. Bên cạnh đó, anh Minh còn đầu tư máy móc, mở rộng thương mại dịch vụ, xe vận tải, xay xát lúa, thu mua khoảng 700 tấn lúa gạo/năm cùng hàng nông sản cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mô hình kinh tế này mang lại thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm cho gia đình anh. Không những thế, anh Minh còn tạo việc làm cho khoảng 10 nhân công mỗi vụ. Nhiều năm liền anh Minh đạt tiêu chuẩn hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp thành phố.
Cựu chiến binh làm giàu bằng nghề trồng nấm
Ông Hồ Tất Thuận (sinh năm 1960) được biết đến là tấm gương sản xuất - kinh doanh giỏi tại Khu phố 5, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà.
Năm 1982, ông rời quân ngũ trở về quê hương và làm việc tại Nhà máy xi măng Đông Hà. Năm 2010, trong một lần xem chương trình nông nghiệp được phát sóng trên ti vi giới thiệu về mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao, ông Thuận bắt đầu đọc sách báo để tìm hiểu kỹ hơn về mô hình này. Vài tháng sau đó, Sở Khoa học và công nghệ Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn chuyển giao công nghệ trồng nấm cho các hộ gia đình tại phường Đông Thanh, ông đã tham gia tích cực. Ông Thuận chia sẻ: “Thật may mắn khi gia đình tôi vừa định triển khai trồng nấm thử nghiệm lại được cơ quan chuyên môn về hướng dẫn, tập huấn tận tình. Nắm bắt cơ hội, sau khi tham gia tập huấn, vợ chồng tôi tích cực thực hiện ngay những bầu nấm đầu tiên”.
Dẫn chúng tôi tham quan gia trại trồng nấm rộng chừng 500 m2 , ông Thuận giới thiệu tỉ mỉ về cách thức tạo ra một bầu nấm đạt chuẩn. Bầu nấm được ủ từ mùn cưa của các loại cây có mủ như cao su, mít,… trong vòng 30 ngày, sau đó đem đóng thành từng bịch rồi mang đi hấp. Tiếp đó, ông cho men nấm vào, tiếp tục ủ cho đến khi men nấm “ăn” kín miệng bao thì đem treo lên. Nấm phải được treo trong phòng có nhiệt độ từ 20 - 30 độ C, thường xuyên tưới nước nhưng không được tưới quá nhiều để tránh tình trạng úng, hỏng bịch thì mới cho năng suất cao. Sau khoảng 2 tháng rưỡi, nấm ra tai và có thể thu hoạch.
Ông Thuận cũng chia sẻ thêm, nghề trồng nấm tuy nhẹ nhàng hơn so với nhiều nghề khác nhưng đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, kinh nghiệm nhiều. Sau nhiều lần trồng thử nghiệm thất bại thì đến nay, mô hình trồng nấm của ông đạt năng suất cao, cho ra những tai nấm to, chất lượng. Trung bình nấm bán ra thị trường có giá từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg và bán được nhiều nhất vào các ngày rằm, mồng một… Mỗi năm, từ mô hình trồng nấm, gia đình ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Ông Thuận hiện là thành viên tích cực của một câu lạc bộ trồng nấm do các hộ gia đình trồng nấm trên địa bàn thành phố và một số địa phương lân cận thành lập. Tại đây họ chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm, cách phòng trừ bệnh cho nấm… để bổ sung kiến thức cho nhau. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, ông Thuận còn là Khu phố trưởng Khu phố 5, phường Đông Thanh được mọi người yêu mến tin tưởng.
Làm giàu từ mô hình trồng hoa ở An Lạc
Chúng tôi có dịp ghé thăm một trong những khu vườn hiện đang sở hữu số lượng hoa lớn với đầy đủ màu sắc tại An Lạc thuộc Khu phố 1, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà. Đây là vườn hoa của gia đình ông Hoàng Hữu Quốc (sinh năm 1963), Phó Chủ tịch UBND phường Đông Giang, hộ nông dân tiêu biểu về sản xuất - kinh doanh giỏi tại địa phương.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống trồng hoa tại An Lạc nên từ nhỏ, ông Quốc đã có niềm yêu thích đặc biệt dành cho hoa. Tùy theo từng mùa mà trong vườn nhà ông trồng các loại khác nhau như cúc, đồng tiền, dạ yến thảo… Trồng hoa nhiều năm nhưng càng về sau ông Quốc càng lo lắng khi nhận thấy sự du nhập mạnh mẽ của các loại hoa ngoại trên thị trường cũng như sự mai một dần của làng nghề trồng hoa truyền thống của quê hương, thế nên ông đã bỏ nhiều thời gian để suy nghĩ, tìm tòi “lối đi” mới cho ngành nghề này. Trên diện tích đất rộng chừng 1.500 m2 , ngay từ năm 2015, ông Quốc đã chuyển đổi từ trồng hoa vườn sang hoa chậu với số lượng lớn: Trồng 2.500 - 3.000 chậu hoa cúc, thược dược; 3.500 chậu hoa pha lê Đà Lạt, tuylip các loại… để bán cho các shop hoa và một số địa phương trong toàn tỉnh, đầu tư xây dựng nhà lưới trị giá khoảng 70 triệu đồng cùng hệ thống tưới tự động. Sự thay đổi ấy không chỉ đem lại kinh tế cho gia đình ông mà còn tạo việc làm cho người dân tại phường Đông Giang. Nhiều gia đình sau đó đã học theo và cũng đạt được những thành công nhất định từ mô hình này.
Theo chia sẻ của ông Quốc, để một chậu hoa đẹp và nở đúng thời điểm thì người trồng cần phải tỉ mỉ trong kỹ thuật chăm sóc hoa và mất khoảng từ 5 - 6 tháng từ công đoạn ủ đất, ươm hoa vào chậu cho đến khi đem hoa bán ra thị trường. Hoa của gia đình ông được trồng chủ yếu theo theo 2 vụ, một vụ chính là trồng hoa tết bao gồm các loại cúc, thược dược… và một vụ hoa trồng phục vụ theo nhu cầu, sở thích chơi hoa của khách hàng như hoa pha lê, hoa hồng, tulip… Từ kinh nghiệm của bản thân và việc chăm học hỏi, đọc sách báo và tham gia các lớp tập huấn nên vụ hoa của nhà ông Quốc năm nào cũng thu lại lợi nhuận cao.
Mỗi năm, trừ toàn bộ chi phi từ giống hoa, tiền công cho 4 lao động thường xuyên, 10 lao động theo mùa vụ,… vợ chồng ông Quốc thu nhập được khoảng 350 triệu đồng. Thời gian qua, nhờ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Hoàng Hữu Quốc đã được Hội Nông dân tỉnh tặng giấy chứng nhận danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh” giai đoạn 2012 - 2016.