Quảng Trị có lợi thế nổi trội về vị trí địa lý- kinh tế nằm trong hai chiến lược phát triển quốc gia là Hành lang kinh tế Đông-Tây và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà trụ cột phát triển là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; Khu KTTMĐB Lao Bảo; 2 Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay; cảng Cửa Việt và cảng nước sâu Mỹ Thủy... Nơi đây chính là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước và vùng lãnh thổ trên Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Lợi thế về sự kết nối
Một khi kết nối được hai hành lang kinh tế song cùng hội tụ ở Mỹ Thủy sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển các mũi nhọn kinh tế, đồng thời chia sẻ lợi ích, liên kết, hợp tác với các quốc gia láng giềng cùng phát triển. Đây chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, xây dựng Quảng Trị trở thành một trong những trung tâm giao lưu, hợp tác phát triển với các nước trong khu vực trên Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Quảng Trị có bờ biển dài gần 75 km, có hai cửa sông lớn là Cửa Tùng và Cửa Việt. Hệ sinh thái vùng biển phong phú, ngư trường rộng lớn, nguồn thủy, hải sản dồi dào thuận lợi cho việc khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các loại hải sản như tôm hùm, mực ống và nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao. Bờ biển của tỉnh chủ yếu là cát trắng, nước biển trong xanh với vẻ đẹp hoang sơ, có nhiều bãi tắm đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thuỷ… thu hút nhiều du khách đến tắm biển vui chơi, là điều kiện để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra còn có cảng Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ dồi dào tiềm năng để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch biển- đảo.
Khu vực ven biển huyện Hải Lăng có điều kiện thuận lợi để phát triển một cảng đào có quy mô lớn với độ sâu đến 13m có thể tiếp nhận tàu đến 40.000 DWT. Với phát hiện quan trọng về tiềm năng khí tại lô 113, 112 trên vùng biển thềm lục địa Việt Nam cách bờ biển Quảng Trị khoảng 130 km thì có thể tính đến việc phát triển các ngành công nghiệp dựa trên khí ở vùng ven bờ tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt là sự ra đời của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị phát triển đa ngành được kỳ vọng sẽ là điểm đột phá về kinh tế của tỉnh, hình thành một trung tâm lớn về công nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện năng, du lịch, thương mại dịch vụ và cảng biển nước sâu của vùng Trung Bộ. Qua đó xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và Châu Á-Thái Bình Dương, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, góp phần nâng cao vị thế tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Khu vực ven biển của tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội bao gồm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và tuyến dịch vụ- du lịch ven biển; có hệ thống giao thông thuận lợi từ Quốc lộ 9 nối cảng Cửa Việt với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quốc lộ 9D nối các điểm du lịch- dịch vụ Cửa Việt- Cửa Tùng-Vịnh Mốc, Quốc lộ 49C nối với trung tâm Khu kinh tế Đông Nam đi Cửa khẩu quốc tế La Lay. Đặc biệt là cảng Cửa Việt công suất dự kiến đạt 2 triệu tấn/năm, bến xăng dầu Cửa Việt công suất dự kiến đạt 1,5 triệu tấn/năm và sân bay Quảng Trị dự kiến 25.000 hành khách/năm... Hệ thống hạ tầng quan trọng như đường bộ, đường sắt được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng, cùng với các cơ chế, chính sách thông thoáng, ổn định, lâu dài sẽ tạo ra những đột phá về kinh tế.
Đặc biệt là nhu cầu sử dụng vận tải đường biển tại Việt Nam tăng nhanh khi hoàn thành tuyến đường xuyên Á tạo cơ hội thuận lợi cho Quảng Trị hình thành tổ hợp cảng biển nước sâu Mỹ Thủy ngay điểm cuối Quốc lộ 9 của Hành lang kinh tế Đông-Tây. Do đó định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển thành vùng trọng điểm kinh tế đa lĩnh vực nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có làm động lực để phát triển kinh tế- xã hội là phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó là các chính sách quốc tế và khu vực như Diễn đàn hợp tác Hành lang kinh tế Đông-Tây, các hiệp định Thương mại tự do-FTA (như Cộng đồng kinh tế ASEAN mục tiêu kết nối thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; Hiệp định ưu đãi thuế quan CEPTAFTA…), Hiệp định hợp tác ba bên Việt Nam- LàoThái Lan, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn tiến theo quá trình hội nhập sâu đang có những tác động nhất định, tạo cơ hội để Quảng Trị hội nhập kinh tế khu vực, tăng tốc phát triển nền kinh tế của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tốc độ tăng trưởng; tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác an sinh xã hội trên địa bàn nhờ vào sự kết nối giữa các trung tâm kinh tế đã và đang hình thành.
Cửa Việt, tầm nhìn đã mở
Nếu khu vực Mỹ Thủy (Hải Lăng) được ưu tiên phát triển thành khu kinh tế phức hợp đa ngành nghề, lĩnh vực thì khu vực Cửa Việt (Gio Linh) có định hướng phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa, xã hội, là đô thị du lịch nghỉ dưỡng biển gắn liền với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Đây là định hướng phát triển có tính dài hơi và thể hiện tầm nhìn chiến lược trong tổng quan phát triển để hướng đến xây dựng Cửa Việt thành một thị xã nơi cửa biển.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho rằng, khu vực Cửa Việt có xuất phát điểm nền kinh tế thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao. Quy mô nền kinh tế, quy mô các ngành nghề và thị trường còn nhỏ. Quá trình chuyển dịch kinh tế tuy đúng hướng nhưng còn chậm. Mạng lưới hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, mới chỉ tập trung đầu tư ở khu vực thị trấn Cửa Việt, khu vực còn lại là khu vực nông thôn cơ sở hạ tầng còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tương lai. Nguồn lực từ ngân sách còn hạn chế và khó khăn trong việc huy động các nguồn lực khác, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Dự báo việc đô thị hóa sẽ dẫn đến các thách thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường, kiến trúc cảnh quan nếu không có được quy hoạch đầy đủ, chi tiết và có tầm nhìn dài hạn. Do đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo được phát triển đô thị bởi hiện nay trình độ nguồn nhân lực còn yếu so với các khu vực khác... Mặt khác quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút vốn đầu tư đòi hỏi môi trường đầu tư phải được cải thiện, có nguồn nhân lực chuyên môn cao, nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội lớn…
Muốn vậy cần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo ra sự chuyển biến tích cực về chất lượng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng việc ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiếp cận được các công nghệ tiên tiến. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện các thể chế văn hóa, đa dạng hóa các loại hình vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của Nhân dân; không ngừng cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân, tiếp tục xóa đói giảm nghèo; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển nhằm thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trên địa bàn. Khi đó, Cửa Việt sẽ là điểm cuối Hành lang kinh tế Đông-Tây và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, trở thành cửa ngõ hướng ra Biển Đông sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, liên kết với các quốc gia láng giềng để cùng phát triển.
Kinh tế biển - sự đột phá chiến lược
Số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng kinh tế của khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị năm 2019 là 11,9%, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 5.995 tỉ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp đạt khoảng 1.405 tỉ đồng (chiếm tỉ trọng 23,44%), giá trị sản xuất CN-TTCN-XD đạt khoảng 2.064 tỉ đồng (chiếm tỉ trọng 34,43%), giá trị sản xuất thương mại- dịch vụ đạt khoảng 2.525 tỉ đồng (chiếm tỉ trọng 42,13%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 48,1 triệu đồng.
Mục tiêu của tỉnh Quảng Trị trong việc phát triển kinh tế biển tổng hợp mà hạt nhân là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá, là cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, du lịch, thương mại, dịch vụ. Cảng biển Mỹ Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp phép vào tháng 1/2019 do Công ty CP Liên doanh cảng Quốc tế Mỹ Thủy làm chủ đầu tư 100% vốn và được tài trợ vốn bởi Công ty Clearbrook Global Advisors (Hoa Kỳ), Công ty EMP Infra LLC (Hoa Kỳ) và Công ty TNHH Pinestrees Group (Hàn Quốc). Dự án có số vốn đầu tư hơn 14.000 tỉ đồng với quy mô 685 ha, gồm 10 bến cảng được phát triển theo ba giai đoạn nhằm mục tiêu xây dựng khu bến cảng chuyên dùng phục vụ chủ yếu cho các cơ sở công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời khu cảng sẽ là nơi kết hợp, thu hút lượng hàng quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan trên Hành lang kinh tế Đông-Tây, đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn. Khu bến cảng khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư ở khu vực Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Cảng biển Cửa Việt hiện có diện tích 42.000 m2 , 1 bãi chứa hàng rộng 7.200 m2, khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 1.000 DWT, Kho cảng xăng dầu Cửa Việt với diện tích đất xây dựng kho cảng xăng dầu là 11 ha, công suất chứa 45.000 m3 , cảng nhập xăng dầu chuyên dụng 40.000 DWT, cỡ tàu tiếp nhận lớn nhất 50.000 m3 . Bên cạnh việc chú trọng phát triển hai cảng biển nói trên, tỉnh còn quan tâm phát triển các đô thị Cửa Tùng, Cửa Việt, Bồ Bản, Mỹ Thủy, đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để trở thành các đô thị kinh tế tổng hợp về thương mại, dịch vụ, du lịch, chế biến thủy, hải sản...
Nhưng điểm đột phá kinh tế biển cần phải chú trọng đến các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển tại Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ, Gio Hải, Trung Giang, Kim Thạch, Vĩnh Thái... Đối với Cửa Tùng là đô thị du lịch- dịch vụ biển, chủ yếu là khai thác thương mại, dịch vụ gắn với các hoạt động du lịch biển, trở thành một trong các trung tâm du lịch biển lớn của khu vực miền Trung; thị trấn Cửa Việt là đô thị du lịchdịch vụ và công nghiệp biển, phát triển về TM-DV-CN gắn với khai thác thế mạnh cảng biển. Phát triển cụm công nghiệp Nam Cửa Việt, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cung ứng các dịch vụ vận tải biển…Nhận thấy được tiềm năng to lớn đó, các tập đoàn phát triển bất động sản nghỉ dưỡng đã nhanh chóng nhập cuộc như Tập đoàn FLC đầu tư dự án quần thể khu đô thị nghỉ dưỡng khoảng 700 ha ở Gio Linh, Tập đoàn Pacific Healthcare đầu tư khu phức hợp nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo quy mô hơn 200 ha. Đặc biệt là Tập đoàn AE với Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Cửa Tùng Resort với số vốn khoảng 1.700 tỉ đồng, có diện tích trên 36 ha gồm các hạng mục như khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao kết hợp trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí, mua sắm, dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu tắm biển của du khách...
Rõ ràng, chủ trương tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển, thương mại-dịch vụ, dịch vụ cảng biển…và hình thành một thị xã tại khu vực Cửa Việt là định hướng đúng đắn nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có làm động lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh và bảo vệ môi tường sinh thái cho vùng ven biển, vùng biển, hải đảo và của cả tỉnh Quảng Trị.
Dự cảm cho tương lai
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho rằng, trên cơ sở tổng hợp thực trạng khu vực ven biển, với tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị hướng về biển nhằm rút ngắn khoảng cách giữa thành phố Đông Hà với các vùng trọng điểm kinh tế ven biển, từ đó hình thành nên các khu đô thị dọc bờ biển mà hạt nhân là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và khu du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng Cửa Việt. Hiện nay, trong 15 dự án phát triển du lịch đăng ký đầu tư thuộc phạm vi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có tới 13 dự án đăng ký đầu tư tại Khu du lịch-dịch vụ Cửa Việt với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.164 tỉ đồng trên diện tích đất gần 45 ha… “Làn sóng” đầu tư vào Quảng Trị ngày càng tăng là tín hiệu tích cực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế du lịch. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tích cực tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa các thủ tục để hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư. Đồng thời tỉnh cũng xác nhận nhất quán là phải lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực, uy tín và có tâm huyết với Quảng Trị, tránh tình trạng đăng ký nhưng không thực hiện theo cam kết gây ra những hệ lụy bất cập về sau.
Đối với các dự án đầu tư tại khu vực ven biển, cần xác định trung tâm là Cửa Việt và Cửa Tùng để đầu tư quy mô, tạo cảnh quan khang trang, xanh, sạch, đẹp, an toàn để thu hút du khách. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, hỗ trợ cơ chế chính sách để phát huy nhanh nhất các dự án trọng điểm như Khu dịch vụ-du lịch ven biển, các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, thương mại nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội tạo động lực phát triển. Hình thành được các khu chức năng lớn về dịch vụ, thương mại, du lịch tập trung để thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội. Ưu tiên phát triển hệ thống các trung tâm đô thị, đặc biệt là khu vực thị trấn Cửa Việt, Cửa Tùng và Bồ Bản, tạo điểm tựa cho các khu dân cư và các khu chức năng khác phát triển theo. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt tập trung vào khu vực nội thị, trong đó lưu ý việc kết nối thuận lợi giữa các vùng, khu, điểm chức năng nhằm gia tăng lợi ích cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội. Chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm xây dựng nên các khu kinh tế năng động, khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dọc theo bờ biển, tạo ra sự đột phá, điểm nhấn kinh tế, thể hiện tầm nhìn chiến lược của tỉnh Quảng Trị rộng mở trong tương lai.