Phát triển chăn nuôi hữu cơ theo chuỗi khép kín

Lê Trường |

Mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Đăng Vương ở thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương.

Nhiều năm trước, trong một lần sang Nhật Bản tham quan, anh Nguyễn Đăng Vương đã nắm bắt được phương pháp sản xuất phân bón, thức ăn vi sinh, tiếp cận cách chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Với đam mê làm nông nghiệp sạch, năm 2019, anh quyết định xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ mà bản thân đã lên ý tưởng từ 4 năm trước đó.

Anh Nguyễn Đăng Vương nuôi hơn 3.000 con gà bằng thức ăn hữu cơ tự chế biến -Ảnh: L.T
Anh Nguyễn Đăng Vương nuôi hơn 3.000 con gà bằng thức ăn hữu cơ tự chế biến -Ảnh: L.T

Trên 4 ha đất nông nghiệp của gia đình, anh Vương mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng 9 khu vực chuồng trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ khép kín từ chăn nuôi, chế biến thức ăn, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và tiêu thụ.

“Hằng ngày, tôi thường đến các chợ để xin phế phụ phẩm như đầu cá, ruột cá, trái cây hỏng rồi lấy thêm bã đậu, bã bia xay nhuyễn ủ men vi sinh để làm thức ăn cho vật nuôi”, anh Vương cho biết. Đặc biệt, để bổ sung thêm lượng dinh dưỡng trong thức ăn của gia súc, gia cầm, anh Vương đã nuôi thêm ấu trùng ruồi lính đen giúp xử lý các phế phụ phẩm một cách triệt để, đồng thời thải ra lượng hữu cơ và phân bón giàu dinh dưỡng, dùng làm thức ăn cho đàn vật nuôi.

Vừa làm, anh vừa học hỏi kinh nghiệm qua mạng internet. Qua nhiều lần thất bại trong quy trình phối trộn thức ăn đối với từng loại vật nuôi khác nhau, đến nay anh Vương đã chủ động cung cấp đủ nguồn thức ăn hữu cơ cho đàn vật nuôi hơn 3.000 con gà thịt, trong đó có 1.000 con gà sao; 1.000 con vịt và hơn 30 con lợn gồm cả lợn nhà và lợn rừng lai.

Mô hình chăn nuôi hữu cơ của anh Vương tuy không mới nhưng cách nuôi theo chuỗi khép kín bằng phương pháp tự tạo thức ăn riêng cho mỗi loại vật nuôi, rồi sơ chế, đóng gói để tiêu thụ là hướng đi phù hợp, bước đầu phát huy hiệu quả. “Thời gian nuôi hữu cơ kéo dài hơn 2 tháng. Tuy nhiên, vật nuôi ăn nguồn thức ăn vi sinh này có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế và độ an toàn cao hơn 30-35% so với nuôi công nghiệp”, anh Vương cho hay.

Trong quá trình chăn nuôi, anh Vương đã tận dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Thông qua kênh youtube “Thực phẩm sạch Quảng Trị”, anh đã đăng tải hàng trăm video chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà, lợn theo hướng hữu cơ, từ đó tạo được sự tin tưởng cho người tiêu dùng và góp phần nâng cao giá trị thực phẩm sạch mà anh làm ra. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được dễ dàng hơn.

Mô hình trang trại của anh Vương đã tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng mỗi tháng. Bước đầu, trang trại anh Vương có tổng thu nhập trung bình mỗi năm khoảng 1,2 tỉ đồng. Trừ chi phí, anh lãi tầm 150-200 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp Lê Đức Quang Huy cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có nhiều mô hình sản xuất kinh tế phát huy hiệu quả, nhưng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ của anh Vương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Sắp tới, chúng tôi sẽ vận động một số hội viên thành lập Hợp tác xã chăn nuôi nông nghiệp sạch, nhằm nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã, nâng cao giá trị sản phẩm”.

Ngoài ra, anh Vương đã phối hợp với nông dân xã Thanh An, huyện Cam Lộ, trồng thử nghiệm 5 ha lúa theo phương pháp canh tác hữu cơ từ vụ đông xuân 2019-2020. Mô hình canh tác này không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào cho đồng ruộng, kể cả thuốc trừ cỏ. Từ đầu đến cuối vụ chỉ bón phân hữu cơ vi sinh do chính anh Vương sản xuất. Sau khi thu hoạch, mô hình lúa hữu cơ đã cho kết quả khả quan.

Với những kết quả bước đầu, anh Vương hướng đến mục tiêu thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Vương Tây Sơn nhằm cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm cho bà con, tiến tới xây dựng chuỗi thực phẩm sạch từ khâu sản xuất thức ăn, chăn nuôi, đến chế biến, đóng gói sản phẩm theo phương pháp hút chân không đảm bảo sạch, an toàn cho người tiêu dùng tại Quảng Trị và một số tỉnh lân cận.

“Hiện tại, tôi đang đặt hệ thống máy ép viên thức ăn hữu cơ rồi đóng gói, vừa chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi ở trại, vừa cung cấp cho các tổ viên. Tiến tới, tôi cũng sẽ làm thủ tục để xây dựng nhãn hiệu gà vi sinh Vĩnh Chấp theo tiêu chuẩn VietGap”, anh Vương chia sẻ thêm. Mô hình chăn nuôi hữu cơ khép kín của anh Vương đang triển khai là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay.

Mô hình này nhằm từng bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại bán công nghiệp áp dụng quy trình an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nuôi vịt trên sàn lưới, bước đi “đột phá” trong ngành chăn nuôi tại miền núi

Trường Sơn |

Thay vì chăn nuôi vịt truyền thống bằng cách chăn thả trên đồng ruộng, ao hồ thì nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã áp dụng hình thức chăn nuôi vịt trên sàn lưới. Bước đầu đã phát huy được hiệu quả, tăng năng suất và đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế được dịch bệnh.

Hiệu quả từ chăn nuôi vịt trên sàn lưới tại Hướng Hóa

Bích Liên |

Những năm gần đây, bên cạnh cách nuôi vịt truyền thống như chăn thả trên đồng hay ao hồ, hiện nay nhiều nông dân ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảg Trị) mạnh dạn áp dụng những hình thức chăn nuôi vịt trên sàn lưới. Cách làm mới này đã và đang phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh vừa tăng năng suất cho các hộ nông dân tại đây. 

Thành công từ những mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp

Kô Kăn Sương |

Sau khi nhiều chính sách ưu đãi bị cắt giảm, người dân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chủ động tìm hướng làm ăn mới phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, có những hộ dân biết cách khai thác điều kiện tự nhiên, đất đai sẵn có, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp.

Lao Bảo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp

Kim Huệ - Ta Tép |

Không chỉ biết đến là khu đô thị tiềm năng, trong những năm trở lại đây, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) còn được biết đến là nơi có nhiều nông dân thành công từ mô hình chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp. Tận dụng điều kiện tự nhiên, đất đai sẵn có kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, những mô hình chăn nuôi nơi vùng biên giới này đang được mở rộng và phát huy hiệu quả.