Những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi đến Quảng Trị dự Hội thảo Báo Đảng các tỉnh miền Trung Tây Nguyên. Không phải ngẫu nhiên mà Báo Quảng Trị chọn tháng Tư - tháng của Ngày Chiến thắng để tổ chức hội thảo. Những Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, đường 9 Khe Sanh; những câu hát “Sông Ba Lòng bay bổng lời ca”, “Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy”, “Ta nhớ má Năm Căn, ta thương em Cửa Việt” khiến tâm trí mỗi người đều hiển hiện những ngày đau thương mà anh dũng của Quảng Trị năm xưa...
Cùng với chương trình tham luận tại Hội thảo, chúng tôi được tham gia các hoạt động viếng Thành cổ, tổ chức đêm hoa đăng trên dòng Thạch Hãn, viếng Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9, thăm cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, thăm địa đạo Vịnh Mốc, Cửa Việt, thăm Cam Lộ - vùng đất 2 lần là kinh đô kháng chiến (nơi Vua Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương kháng Pháp và nơi đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) và nhiều hoạt động khác.
Những ai đã đến Quảng Trị đều hiểu đất này tháng Tư vô cùng linh thiêng. Bởi những liệt sỹ đã ngã xuống nơi này không hề biết về ngày kết thúc chiến tranh. Họ chỉ có niềm tin vào ngày sẽ chiến thắng, họ quên mình, sẵn sàng vùi thịt xương vào lòng đất mẹ vì độc lập tự do của Tổ quốc. Những nén hương thơm như gọi các Anh về, nhận tấm lòng tri ân của hậu thế, chứng kiến sự đổi thay của Quảng Trị, của đất nước đau thương mà anh dũng.Linh thiêng nên tại Thành cổ, trong vô vàn xúc động khi đoàn các nhà báo dâng hương và lắng nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện về 81 ngày đêm đau thương mà anh dũng, lò hương trên cao bỗng bùng cháy rực rỡ. Sau thoáng ngỡ ngàng, ai nấy đều cho rằng các liệt sỹ đã trở về, nhận tấm lòng thành kính tri ân của các nhà báo.
Linh thiêng nên tại bến hoa đăng trên sông Thạch Hãn, trời đang quang mây đang tạnh, nhưng sau lời kính cáo, tri ân liệt sỹ của Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Trương Đức Minh Tứ, trời bỗng nổi gió, lất phất mưa. Các thuyền chuẩn bị bơi ra giữa sông đều cắm sào đứng lại. Những dòng nước mắt xúc động hòa cùng nước mưa ướt nhòe trên gương mặt mỗi người.Chắc hẳn nhà thơ Lê Bá Dương khi viết Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm… cũng có tâm trạng giống chúng tôi khi ấy. Chắc hẳn linh hồn những anh hùng tuổi đôi mươi năm ấy đang ngậm cười khi thấy Thành cổ và Quảng Trị đã hồi sinh, thấy đất nước đang ngày càng phát triển và hậu thế không bao giờ quên khúc tráng ca bất tử ngày ấy.
Làm sao quên được, khi mỗi mét đất tại thành cổ là một mét máu, khi mỗi chiến sỹ trong thành cổ năm ấy phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Số bom đạn ném xuống nơi này có sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hirosima năm 1945, đã phá hủy hoàn toàn 1 vạn ngôi nhà và tòa thành cổ xây dựng trong gần 28 năm từ thời Gia Long đến thời Minh Mạng!
Làm sao quên được, khi sông Thạch Hãn hiền hòa hôm nay đã trở thành huyền tích, là dòng sông thiêng - nơi yên nghỉ của hơn 4.000 anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu bảo vệ thành cổ năm ấy!
Niềm xúc động càng trào dâng trong mỗi chúng tôi khi viếng Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn - công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất của cả nước. Đây là nơi yên nghỉ hơn 10 nghìn liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đều hy sinh khi còn rất trẻ. Trong tôi bỗng hiện về những câu thơ vô cùng xúc động về những liệt sỹ trẻ măng ở nghĩa trang Trường Sơn: Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa…
Tôi lại nhớ trong căn lán Nà Nưa ở Tân Trào, Bác Hồ trong cơn sốt thập tử nhất sinh đã căn dặn “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Tinh thần yêu nước ấy đã trở thành dòng chảy trong huyết quản mỗi người con nước Việt. Và tại Quảng Trị, tinh thần ấy được khắc ghi bằng những nghĩa trang liệt sỹ có tới hơn 10 nghìn nấm mồ như nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9.Nhớ lại chiều hôm trước tại Cửa Việt, nhà báo Minh Tứ và chúng tôi đã cùng nhau ôn lại Bài ca Trường Sơn của nhà thơ xứ Tuyên Gia Dũng. Để tự hào biết mấy về những thế hệ thanh niên Việt Nam đã ra trận, với khí thế “còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân”, yêu thương biết mấy những tâm hồn lãng mạn “Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát/ Ngắt một đóa hoa rừng gài lên mũ ta đi”, ngưỡng mộ biết mấy những tấm lòng yêu nước “Như mắt em sáng lên muôn niềm tin/Ta nhớ má Năm Căn/Ta thương em Cửa Việt/ Mười bốn năm rồi giấc ngủ chưa tròn …”.
Không tự hào sao được, khi Cửa Việt nay đã thành một đô thị biển, Cảng Cửa Việt nối Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây EWEC, điểm giao lưu hợp tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ - du lịch ở Cửa Việt là cơ hội để mở rộng quy mô hợp tác du lịch với các nước trong khu vực, thành một trung tâm kinh tế năng động. Đường 9 ác liệt đầy hy sinh trong chiến tranh năm xưa, nay đã trở thành con đường huyết mạch thông ra biển Thái Bình Dương của nhiều quốc gia Đông Nam Á; nối với Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo - 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư.
Không tự hào sao được, khi hôm nay đến Quảng Trị, ai nấy đều bước thênh thang trên cầu Hiền Lương để chiêm ngưỡng những công trình tôn vinh lịch sử như Kỳ đài bờ Bắc, dàn loa phóng thanh, Tượng đài khát vọng thống nhất bờ Nam…
Năm 1954, từ chỗ là giới tuyến quân sự tạm thời, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải đã trở thành nỗi đau chia cắt đất nước, khiến 21 năm cha xa con, vợ mất chồng, anh biệt em. 21 năm với những cuộc đấu loa, đấu cờ loang màu máu của người dân kiên trung với Tổ quốc chính là biểu tượng cho ý chí và khát vọng đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Giờ đây trên dòng sông giới tuyến năm xưa đã có thêm nhiều cây cầu khác, dẫn đường cho những khát vọng hòa bình và phát triển. Và cỏ non thành cổ dường như xanh hơn mọi nơi nào trên đất Việt, nhắc mọi người không được phép quên những ngày máu đổ, trĩu nặng muôn vàn hy sinh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)