Rộn ràng mùa “săn” nấm tràm

Lê Trường |

Vào những ngày đầu thu, khoảng tháng 7 - 8 âm lịch, khi những cơn mưa giông thoắt đổ thoắt tạnh, là lúc những cây nấm tràm mọc rộ khắp các vùng đồi. Dọc các dải núi, nơi có rừng tràm ở các huyện vùng gò đồi, miền núi của tỉnh, người dân rủ nhau đi hái nấm tràm rất đông. Tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười đùa xen lẫn tiếng mưa rả rích tạo nên âm thanh rộn ràng của mùa “săn” nấm tràm.

Theo Đông y, nấm tràm là một loài nấm lớn phân bố ở vùng Đông Bắc châu Âu, Bắc Mỹ và một số địa phương ở Việt Nam, đặc biệt ở miền Trung, nhiều nhất là Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Nấm tràm rất tốt cho sức khỏe vì chữa được mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu và có tác dụng bồi bổ nội tạng nhờ chất dầu tràm ở trong nó, vị đắng lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.

Nấm tràm mọc tự nhiên trên những thảm lá tràm hoặc gốc tràm mục lâu năm, do đó nấm mọc nhiều ở khu vực có trồng cây tràm, cây cao su. Nấm thường có hình dáng khá đa dạng, tai màu tím nhạt hoặc trắng ngà, hình tròn, mới nhú lại búp tròn; nấm nhỏ còn gọi là nấm búp, nấm lớn có hình như cái ô; bên ngoài nấm có màu nâu tím, bên trong trắng mịn, hình dáng đẹp nhưng có vị đắng.

Người dân vào rừng tìm hái nấm tràm - Ảnh: L.T
Người dân vào rừng tìm hái nấm tràm - Ảnh: L.T

Là người con sinh ra từ quê hương vùng Cùa, nên từ nhỏ chúng tôi đã cảm nhận được cái thú đi “săn” nấm tràm mỗi khi đến mùa. Theo chân anh Lê Văn Thọ ở thôn Phương An 1, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đi tìm nấm tràm, tôi được anh chia sẻ: “Nấm tràm thường tươi ngon hơn sau khi vừa mới mưa xong, cho nên phải đi tìm nấm từ sáng sớm để “săn” được nấm mới nhú chồi, búp tròn to mập”.

Vừa khoác chiếc giỏ đựng vừa nhanh tay ngắt cây nấm mới nhú ngay dưới gốc cây tràm, chị Trần Thị Huyền Trang ở thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa cười nói: “Mỗi khi tới mùa nấm tràm, bà con rủ nhau đi hái theo từng đoàn từ lúc 3 - 4 giờ sáng, có cả người già, trẻ con, đi là không kể mưa hay nắng, vì sợ nấm tàn. Đi hái nấm vừa có nấm để ăn hoặc bán, vừa có cảm giác trải nghiệm thú vị”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nấm tràm thường mọc nhiều ở các vùng đồi có rừng tràm, rừng cao su như 2 xã vùng Cùa (Cam Chính, Cam Nghĩa), Cam Tuyền của huyện Cam Lộ; các xã phía Tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng… Thời gian sinh trưởng của nấm ngắn, chỉ tầm 3 đến 5 ngày và mùa của nấm chỉ tầm 1 đến 2 tháng trong năm nên người dân phải nhanh chóng thu hái nếu không muốn lỡ vụ nấm tràm. Cũng chính vì thế, để được thưởng thức những món ăn ngon từ nấm tràm, nhiều người sau khi thu hoạch về đã phơi khô, hoặc sơ chế, đem cất vào tủ lạnh để ăn dần khi mùa nấm đã qua.

Những ngày này, việc đi hái nấm tràm diễn ra ở hầu khắp các vùng có đồi núi, trồng rừng tràm, cây cao su ở các huyện trong tỉnh. Anh Võ Văn Thới trú ở xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng cho biết, nấm mọc nhiều dưới tán rừng tràm, nên gọi là nấm tràm.

Đi “săn” nấm tràm phải biết chọn những tai nấm còn búp, mới nhú tầm 2 - 3 ngày, nấm già quá sẽ bị nhũn, không bán được. “Nấm đầu mùa thường đẹp, búp non nên có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/ kg, về giữa mùa chỉ 12.000 - 15.000 đồng/kg, càng về cuối mùa giá càng giảm. Đối với nấm tràm đã qua sơ chế giá có thể cao hơn. Hiện nay, nhiều thương lái tranh thủ mùa nấm tràm về thu mua tận nơi, rồi sơ chế đưa về các chợ trung tâm bán, tạo nguồn thu nhập hằng ngày”, chị Hoàng Thị Sang ở xã Hải Sơn, Hải Lăng chia sẻ thêm.

Nấm tràm có vị đắng đặc trưng, nhưng khi người ăn nuốt qua khỏi cổ sẽ cảm nhận vị ngọt và thanh mát. Vị đắng của nấm tràm thực sự là thách thức với những ai mới ăn lần đầu. Tuy nhiên nếu khi đã ăn vài lần quen vị thì nấm trở thành một món ngon hấp dẫn mà người ăn khó có thể bỏ qua mỗi khi mùa nấm về. Nấm sau khi hái về được gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch nhiều lần với nước muối, để ráo nước rồi chế biến thành món ăn.

Đối với ai không hợp vị đắng của nấm có thể gọt sạch vỏ ngoài rồi luộc sơ qua trước khi chế biến. Nấm tràm có thể dùng chế biến thành nhiều món ăn tùy theo sở thích mỗi người, tuy nhiên người dân địa phương thường xào nấm với rau muống, hay nấu canh rau khoai, nấu cháo bột lọc, hoặc xắt mịn đổ chả trứng, ăn kèm với lẩu… Nhiều người ăn nấm tràm miêu tả, vị ngon của nấm lạ lắm, ăn rồi cứ muốn ăn mãi, đến mùa kiểu gì cũng phải có một bữa thỏa thích với nấm tràm rồi mới thôi.

Những lần đi tìm hái nấm tràm cho chúng tôi cảm giác như được “săn lộc rừng” vừa vui vẻ bởi những tiếng nói cười, vừa ấm áp tình cảm xóm giềng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Lo ngại về nấm xanh ở người từng mắc COVID-19

CTV Hoàng Danh |

Nấm xanh là loại mới nhất gia nhập các trường hợp nấm đen, trắng và vàng phát hiện gần đây ở người từng mắc COVID-19 tại Ấn Độ.

Báo động ngộ độc thực phẩm do nấm và thịt cóc

PV |

Sử dụng bừa bãi nấm và thịt cóc trong tự nhiên là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nặng tại tỉnh Đắk Lắk trong thời gian gần đây.

5 người trong một gia đình nhập viện do ngộ độc nấm

Võ Dung |

Sau khi ăn nấm, cả 5 người trong gia đình ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy liên tục.

Cả gia đình ngộ độc sau bữa ăn trưa có nấm

Mai Thanh - Lệ Hà |

Ngày 3.3, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trung tâm đang điều trị cho 2 bệnh nhân chẩn đoán ngộ độc nấm độc. Đây là 2 bệnh nhân trong gia đình gồm 4 người: 2 vợ chồng và 2 người con cùng ăn nấm và bị ngộ độc.