Những năm gần đây, thị trường đồ chơi trẻ em được sản xuất tại Việt Nam ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ khi các doanh nghiệp Việt đã chú trọng hơn đến mẫu mã và chất lượng của các sản phẩm.
Dù còn khoảng nửa tháng nữa mới đến Trung Thu (ngày 10/9 Dương lịch), song không khí nhộn nhịp, tấp nập khách ra, vào đã bắt đầu "lan tỏa" trên những tuyến phố đồ chơi nổi tiếng tại Hà Nội như Hàng Mã, Hàng Cân, Lương Văn Can...
Khác với mọi năm đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc thường "áp đảo," năm nay, mặt hàng đồ chơi được sản xuất trong nước lại đang chiếm ưu thế trên thị trường.
Cuộc "lội ngược dòng" ngoạn mục
Những năm trước đây, theo đánh giá của nhiều chủ cửa hàng kinh doanh và người tiêu dùng, các sản phẩm trong nước chưa thể đáp ứng thị hiếu của trẻ em, khiến “hàng nội” chịu lép vế trên thị trường đồ chơi. Đã có thời điểm, các sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc - với mẫu mã đẹp mắt và giá thành phải chăng - chiếm đến 70-80% tại các gian hàng đồ chơi.
Tuy nhiên, trong dịp Trung Thu năm nay, các sản phẩm hàng nội đã có màn “lội ngược dòng” ngoạn mục trên thị trường đồ chơi trẻ em. Dù giá thành các sản phẩm được nhiều tiểu thương đánh giá là có mức tăng nhẹ khoảng 10% so với năm ngoái, nhiều phụ huynh vẫn ưu tiên lựa chọn đồ chơi truyền thống cho dịp Trung thu năm nay.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, tại các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên các phố Hàng Mã, Hàng Cân, Lương Văn Can..., các sản phẩm truyền thống được sản xuất tại Việt Nam chiếm khoảng 60% trên các gian hàng đồ chơi, 40% còn lại là “hàng tồn” đã nhập khẩu từ năm trước.
Theo lý giải của các chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi, một trong những yếu tố giúp các sản phẩm trong nước chiếm lại ưu thế trên thị trường là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là phía Trung Quốc hạn chế xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, khiến đồ chơi ngoại nhập khó “cập bến” thị trường Việt Nam, giúp hàng nội loại bớt các đối thủ cạnh tranh.
“Trong dịp Trung Thu năm nay, các sản phẩm đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng giấy xếp, mặt nạ giấy bồi, đầu lân, trống ếch, trống lắc tay..., với giá bán chỉ dao động từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, được làm từ các chất liệu gần gũi với thiên nhiên như giấy, tre, nứa..., bảo đảm độ an toàn cho trẻ em, nên được nhiều phụ huynh lựa chọn làm quà tặng cho các bé,” chị Tô Quỳnh Trang, chủ cửa hàng bán đồ chơi trên phố Hàng Mã chia sẻ.
Bên cạnh đó, quan điểm về ý nghĩa giáo dục của đồ chơi truyền thống cũng giúp “hàng nội” chiếm được sự tin tưởng của các bậc phụ huynh trong dịp Trung Thu năm nay. Là một thành viên của tổ dân phố, thường xuyên tổ chức các hoạt động, chương trình văn hóa cho các em học sinh, chị Vũ Thị Yến (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng những món đồ chơi Trung Thu truyền thống tuy giản dị nhưng ý nghĩa, chứa đựng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
“Những món đồ chơi của Việt Nam được làm thủ công như đèn ông sao, mặt nạ, tò he, tiến sĩ giấy... không chỉ đơn thuần để giải trí, mà còn là công cụ giáo dục và nuôi dưỡng tâm hồn của thế hệ trẻ. Đồ chơi Trung Thu truyền thống như là lời nhắn nhủ, lời chúc ý nghĩa của các bậc phụ huynh, mong muốn các con tìm hiểu những giá trị văn hóa như tinh thần hiếu học, lòng yêu nước; hiểu biết về hình ảnh các nhân vật dân gian Việt Nam quen thuộc như ông Địa, chú Tễu...,” chị Yến chia sẻ.
Đón mùa Trung Thu an toàn
Những năm trước đây, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm có xu hướng bạo lực, gây nguy hiểm cho trẻ em được bày bán tại các cửa hàng đồ chơi.
Trên các “chợ” online, chỉ với từ khóa đơn giản như “đồ chơi súng đạn” là cha mẹ có thể tìm kiếm hàng nghìn kết quả đồ chơi mang tính bạo lực. Các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng bởi đây là những mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có khả năng gây sát thương với trẻ em, tuy nhiên vì lợi nhuận mà nhiều các cửa hàng kinh doanh đã bất chấp các quy định để nhập về và bày bán các mặt hàng này.
Trước những khuyến cáo về chất độc hại trong đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, năm nay nhiều bậc phụ huynh đã ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam cho con trẻ. Các sản phẩm đồ chơi của Việt Nam với thông tin, xuất xứ rõ ràng và được dán nhãn hợp quy của các cơ quan chức năng kiểm định giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng.
Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đồ chơi trẻ em. Từ đó, nhiều vụ vận chuyển kinh doanh, buôn bán hàng đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
Gần đây nhất là vụ xử lý vi phạm với trường hợp sản phẩm đồ chơi ống nhòm nhựa có dán hình “đường lưỡi bò” tại cửa hàng tiện ích VinaMart, thuộc Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cơ quan chức năng đã lập biên bản thu giữ, xử lý toàn bộ số hàng theo quy định pháp luật.
Những tín hiệu tích cực từ thị trường đã giúp đồ chơi sản xuất trong nước "ghi điểm" với người tiêu dùng trong mùa Trung Thu năm nay. Với nỗ lực của lực lượng chức năng và cũng như sự quan tâm của các bậc làm cha mẹ, những món đồ chơi mang đậm giá trị văn hóa dân tộc và được đánh giá là an toàn sẽ giúp các bé đón một dịp “Tết trông trăng” trọn vẹn và đầy ý nghĩa, để Tết Trung Thu luôn là phần ký ức tươi đẹp của tuổi thơ với mọi người.
(Nguồn: Vietnam+)