Vịnh Mốc là một địa phương ven biển thuộc xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Người dân ở đây sống bằng nghề nông nghiệp kết hợp khai thác thủy sản ven bờ. Nghề “Chân biển chân bờ” truyền thống đã tạo nên nét độc đáo trong hoạt động kinh tế, văn hóa của vùng đất này từ xa xưa, được lưu truyền cho con cháu ngày nay. Cũng vì vậy, việc chào đón năm mới của người dân cũng có nét rất riêng, đó là sự bận rộn trong những ngày giáp tết và sẵn sàng cho chuyến xuất hành đầu tiên là đi biển…
So với những địa phương thuần nông hay thuần ngư khác, những ngày giáp Tết người dân thôn Vịnh Mốc vừa tất bật chuẩn bị đón Tết nhưng vẫn tập trung hết nguồn lực cho việc làm vườn tược và nhất là những chuyến đi biển cuối năm.
Sự bận rộn, lo toan của người dân ở một địa phương vừa làm biển vừa làm nông đã tạo nên sự độc đáo những ngày vui Tết đón mùa Xuân ở một miền quê nơi chân sóng.
Với đặc thù của vùng biển lộng, chỉ cần xuống biển là đã đến ngư trường. Vì vậy, trong một ngày bà con ngư dân thôn Vịnh Mốc đi một hoặc vài ba chuyến biển, tùy theo con nước và thời điểm cá xuất hiện. Những ngày đầu năm, buổi sáng có thể đi biển, buổi chiều về họ tiếp tục vui Tết đón Xuân. Những nét sinh hoạt truyền thống tốt đẹp trong đời sống kinh tế, văn hóa đã làm cho không khí vui Xuân đón Tết của bà con vùng biển thêm ý nghĩa, vui tươi.
Những ngày giáp Tết, thuyền của ông Nguyễn Văn Cảm đi đánh cá. Chiếc thuyền nan nhỏ của ông đến ngư trường quen thuộc thả lưới. Sau gần ba giờ buông lưới, đến trưa ông thu ngư lưới cụ trở lại bờ. Đơn giản vậy nên việc đi biển của ông và bà con nơi đây hầu như quanh năm, ngay cả khi Tết đến Xuân về. Nếu chuyến biển đầu năm nhiều cá, tôm sẽ là điềm báo hiệu cả năm thuận buồm xuôi gió, ăn nên làm ra.
Năm nào cũng vậy, Tết đến với họ dường như muộn màng hơn, bởi lo công việc nhà nông vừa tận dụng hết thời gian để đánh bắt cá. Dù vất vã, bận rộn với cuộc sống, nhưng người dân làng chài Vĩnh Mốc vẫn náo nức đón xuân. Tuy vậy, Tết với họ cũng có thể qua đi qua khá nhanh nếu trời yên biển lặng, ngày mồng 1, mồng 2 Tết, thời tiết tốt, cá nhiều, họ đã lên thuyền đi biển. Những chuyến đi đón “lộc” biển đầu năm mang đậm chất tâm linh với mong muốn cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt đạt năng suất cao. Tết của những người dân làng chài thật bình dị nhưng cũng thật tình cảm, ấm áp như hơi thở của mùa xuân.
Sau mỗi chuyến đi biển, bà con tranh thủ trồng hoa màu, chăm sóc cây tiêu và chăn nuôi. Dưới cái nắng ấm áp của mùa Xuân, vườn tiêu phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Đến với Vịnh Mốc những ngày giáp Tết, ai cũng nhận thấy một màu xanh trù phú của những vườn hồ tiêu xanh mướt, những vườn lạc, ngô đang lên xanh. Mùa xuân đến sớm thay áo mới cho vùng đất này và dường như không còn dấu vết của những ngày bão lũ trên vùng đất này. Như đồng hành với mùa xuân, bà con nông dân thi đua lao động sản xuất với mong muốn chào đón năm mới thật trọn vẹn, bỏ lại những khó khăn của năm củ ở phía sau.Thôn Vịnh Mốc đã bước sang xuân. Năm mới của đất trời là cành đào, cành mai và những cánh én đón mùa Xuân sang, nhưng năm mới của người dân vùng biển sẽ khởi đầu bằng những chuyến ra khơi… Nét văn hóa độc đáo của một miền quê “Chân biển, chân bờ” là sự kết hợp mật thiết giữa biển, đất và con người đã làm nên sắc xuân đặc biệt của làng chài Vịnh Mốc.
Người Việt Nam có câu “đất quê lề thói”, nghĩa là ở những miền quê khác nhau sẽ có phong tục tập quán, cách đón xuân nhiều ít cũng khác nhau. Nhưng tất cả những điều ấy đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngày tết của thôn Vịnh Mốc có lẽ cũng là nét xuân độc đáo như vậy.
(Nguồn: QRTV)