Trồng lại những cánh rừng... ngày xưa

Hưng Thơ |

Chỉ 6 năm trở lại, những ngọn núi trọc chỉ có cỏ tranh bị ô nhiễm do chiến tranh tàn phá trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) bất ngờ được phủ xanh bởi hàng loạt cây bản địa. Cây mọc lên, chim thú kéo nhau trở về, các con suối nước cũng nhiều hơn khi vào mùa hạn. Bởi vậy, những ngày đầu năm mới, người dân hồ hởi cùng cán bộ gùi cây lên non để trồng, mong muốn phục hồi lại những cánh rừng trên “đất chết”…

Đồi trọc trong khu bảo tồn

Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có diện tích 23.456,7ha, trong đó khoảng 500ha “đất chết” không có khả năng tự phục hồi. Theo nghiên cứu, các diện tích “đất chết” trước kia là những cánh rừng tự nhiên, nhưng từ khi chiến tranh tàn phá, cây rừng không có khả năng tự phục hồi.

Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: VH.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: VH.

Tiểu khu 667A thuộc địa phận xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có độ cao 740m so với mực nước biển được người dân địa phương gọi là động Chè Riêng. Trên đất, chỉ hiện diện dây leo, cỏ tranh hoặc ít cây rừng cao chỉ ngang đầu người dù mấy chục năm nay không bị tác động gì, còn chim thú cũng vắng bóng.

Ông Hồ Văn Vy (thôn Xà Bai, xã Hướng Linh) cho biết, không rõ vì sao cánh rừng ở gần bản có nhiều nơi trọc lóc, cây không thể lên được. Vào mùa mưa, nước từ những ngọn núi trọc tuôn xuống con suối dưới chân xối xả, còn vào mùa hạn, suối lại khô khốc nước. Vì vậy, vào năm 2015, khi cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đến thực hiện dự án phục hồi rừng ở trên núi trọc, người dân ở Hướng Linh rất mừng.

Ngay tại tiểu khu 667A nói trên, 7ha đất được chọn để trồng 8 loại cây bản địa: Lim xanh, Huỷnh, Lát Hoa, Muồng đen, Sau Sau, Nhội, Xoan Nhừ, Trẩu. Ủng hộ chủ trương trên, người dân Hướng Linh hăng hái gùi cây giống lên đồi, rồi đào hố trồng dưới sự giám sát của cán bộ khu bảo tồn.

Rừng trồng thành rừng tự nhiên

Sau 6 năm trồng thử nghiệm, 7ha đất trống ngày xưa bây giờ đã đổi khác. 8 loại cây bản địa bén đất, cây đã cao hơn 1 mét, tán rộng và có tỉ lệ sống 95%. Thành công bước đầu rất quan trọng và đã thuyết phục được đơn vị hỗ trợ dự án tiếp tục rót thêm tiền để xóa “đất chết”. Năm 2019, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt (thuộc Liên hiệp hội Khoa học Việt Nam) tiếp tục hỗ trợ 5,4 tỉ đồng để trồng cây các tiểu khu 670B, 670D, NTK 20 (xã Hướng Linh) và tiểu khu 617, 617B (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa). Lần này, trong năm 2019 và 2020 này, khu bảo tồn quyết định trồng 11 cây bản địa trên diện tích 112ha, trồng xen kẻ giữa các tiểu khu để đa dạng sinh học.

Tuần tra bảo vệ rừng trong khu bảo tồn. Ảnh: HT.
Tuần tra bảo vệ rừng trong khu bảo tồn. Ảnh: HT.

Ngày đầu năm 2021, cán bộ khu bảo tồn và người dân xã Hướng Linh, Hướng Lập cùng gùi cây giống lên các đỉnh núi cao. Ông Hồ Văn Lở (thôn Mới, xã Hướng Linh) cùng 2 người trong gia đình nhận trồng một diện tích lớn, sau khi trồng xong, nghiệm thu sẽ được thanh toán tiền. Ông Lở nói: “Vừa có công việc để làm, sau này cây lớn lại được hưởng nhiều cái lợi, nên bà con dân bản đầu năm đều hăng hái nhận trồng cây”.

Ông Hà Văn Hoan – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho biết, cây được chọn trồng là cây bản địa được chăm sóc chu đáo nên sinh trưởng rất tốt. Đặc biệt, do chọn nhiều loài cây, có cây bụi, có cây gỗ, nhiều loại sẽ tạo cấu trúc bền vững. Đến khi cây lớn, ra hoa, gió hoặc các loại động vật đến sinh sống sẽ kéo thêm nhiều loài cây mới đến nơi này. “Rừng trồng sau này sẽ thành rừng tự nhiên, góp phần xóa bỏ “đất chết” trong khu bảo tồn là điều rất tuyệt vời” – ông Hà Văn Hoan, cho hay.

Người dân trồng cây bản địa trong khu bảo tồn. Ảnh: VH.
Người dân trồng cây bản địa trong khu bảo tồn. Ảnh: VH.

Ngoài việc phục hồi được rừng, người dân ở cạnh rừng còn được hưởng lợi từ tiền trồng cây, chăm sóc cây và bảo vệ rừng, nên sẽ hạn chế được tình trạng phá rừng. Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, việc phục hồi thành công rừng trên “đất chết” ở khu bảo tồn là thành công lớn. Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục thu hút các nguồn vốn hỗ trợ để trồng nhiều diện tích rừng trên đất bị ô nhiễm do chiến tranh.

Tỉnh Quảng Trị có diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn, đặc biệt có 2 Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông với diện tích lớn, có nhiều quần thể đa dạng sinh học, động thực vật quý hiếm. Căn cứ vào các quy định, 2 khu bảo tồn đủ điều kiện để thành lập vườn quốc gia. “Chúng tôi đang làm đề án, nếu trở thành vườn quốc gia thì sẽ mang tầm ảnh hưởng lớn hơn, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cũng như làm giàu rừng, tăng độ che phủ và cải thiện độ che phủ rừng” – ông Hà Sỹ Đồng, nói.


TAGS

Rừng hoa Tà Cơn, điểm ngắm sắc xuân trong dịp Tết Nguyên đán

Thiên Sơn |

Chỉ cách trung tâm thị trấn Khe Sanh khoảng 3km, “Rừng hoa Tà Cơn” tại thôn Hòa Thành (Tân Hợp, Hướng Hóa, Quảng Trị) đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, phục vụ du khách đến chiêm ngưỡng sắc xuân của hàng trăm loài hoa trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Hơn 100ha rừng bị sạt lở tại vùng núi Hướng Hóa sớm được phủ xanh

Thiên Sơn |

Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện niền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), có 2 xã Hướng Phùng và Hướng Sơn bị sạt lở nghiêm trọng với hơn 100ha rừng. Nhằm khắc phục và phủ xanh các điểm sạt lở, UBND huyện Hướng Hóa đã phối hợp  với Tổ chức Hợp tác Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) và Công ty TNHH Giải trí và đào tạo Đại Nghĩa tiến hành phát động lễ trồng rừng năm 2021.

Phát động trồng 100 ha rừng tại 2 xã Hướng Phùng và Hướng Sơn

Mai Lâm |

Ngày  22/1/2021, UBND huyện Hướng Hóa phối hợp Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) và Công ty TNHH Giải trí và Đào tạo Đại Nghĩa phát động lễ trồng rừng năm 2021 tại xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Cấp cứu thành công trường hợp bị đạn bắn xuyên phổi khi đi rừng

Trung Kiên |

Hình ảnh chụp X-quang, chụp cắt lớp cho thấy, mảnh đạn thành trước ngực xuyên qua phổi và vẫn nằm trong cơ thể nạn nhân, khiến phổi bị tổn thương chảy máu.