Săn cá mát ở suối Tà Puồng

Sỹ Hoàng |

Suối Tà Puồng vào mùa khô bắt đầu cạn nước, trơ ra những bãi đá qua tháng năm bị dòng nước bào mòn, điểm xuyết ít rêu xanh đẹp tựa tranh vẽ. Cũng có nhiều đoạn suối nước còn sâu, trở thành nơi trú ngụ của loài cá mát được xem là “đặc sản” của núi rừng. Đây cũng là thời điểm mà nhiều “rái cá” giỏi bơi lội người dân tộc Vân Kiều lặn ngụp thả lưới, bắn tên đánh bắt loại cá mát để phục vụ du khách đến tham quan vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác Tà Puồng.

 
Anh Hồ Văn Thăng với xâu cá mát loại nhỏ đánh bắt được - Ảnh: S.H 
      

Buổi chiều. Tôi theo chân anh Hồ Văn Thăng, Hồ Văn Khay ở bản Trăng Tà Puồng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) len lỏi qua nhiều bãi đá để tìm đến những đoạn suối Tà Puồng nước còn sâu, là nơi trú ngụ lý tưởng của loài cá mát với hành trang mang theo là lưới bén, nỏ bắn mũi tên sắt và kính lặn.

Đến một đoạn suối sâu được che chắn bởi tán rừng, anh Thăng dừng lại rồi chỉ cho tôi thấy từng đàn cá mát nhỏ đang tung tăng bơi lội trong làn nước xanh trong... Anh Thăng nhanh chóng nhảy xuống nước để giăng tay lưới bén thành nhiều vòng xung quanh đoạn suối. Khi đã giăng xong lưới, anh lên bờ tìm nhánh cây to với chiều dài khoảng 1 - 1,5 m rồi tiếp tục xuống suối, dùng nhánh cây để chọc vào kẽ đá ngầm dưới lòng suối sâu nơi cá mát đang lẩn trốn.

Thấy động, nhiều con cá mát nhỏ bơi ra khỏi hang mắc ngay vào lưới. Trong khi anh Thăng đánh bắt cá bằng lưới, thì anh Khay đeo kính lặn để lặn xuống nước rồi dùng nỏ bắn cá mát trong các kẽ đá ngầm dưới lòng suối.

Cứ lặn ngụp trên dòng suối Tà Puồng cho đến khi mặt trời khuất dần sau những dãy núi nhấp nhô, cả hai anh bắt đầu thu dọn lưới, kính lặn để trở về bản. Trên đường đi, anh Thăng cho biết, trước đây chỉ cần ra mấy con suối xung quanh bản Trăng Tà Puồng hoặc dọc theo suối Tà Puồng thả lưới, quăng chài là có thể đánh bắt chục cân cá các loại.

Nhưng mấy năm trở lại đây, người dân nhiều bản làng dùng kích điện đánh bắt vô tội vạ nên cá, cua, ếch cũng cạn kiệt dần. Như hôm nay, phải ngược suối Tà Puồng gần 2 - 3 km mới đánh bắt được ít cá mát nhỏ. Bây giờ, muốn đánh bắt được cá mát loại to phải dùng đèn pin để đánh bắt vào ban đêm .

Khi bóng đêm bao trùm lên bản làng, tôi cùng anh Thăng với đèn pin, lưới bén lặng lẽ men theo một quãng đồi rồi xuống suối để bắt đầu hành trình ngược suối Tà Puồng đánh bắt cá mát. Điểm dừng chân đầu tiên là đoạn suối cách bản Trăng Tà Puồng chừng 4 - 5 km với từng bãi đá lô nhô và nhiều vũng nước sâu. Anh Thăng cho biết, cá mát được xem là “đặc sản” bởi loại cá này chỉ có ở thượng nguồn của một số con sông như: Đakrông, Sê Pôn, Sê Băng Hiêng ở huyện Đakrông và Hướng Hóa.

Cá mát to nhất bằng khoảng ba ngón tay người lớn (nặng từ 0,5 - 0,7 kg), trên thân có 6 chấm đen và vảy màu hồng nhạt. Loài cá này sống ở các khe đá, hang ngầm dưới sông, suối hoặc nơi thác nước chảy xiết. Cá mát loại lớn thường kiếm ăn vào ban đêm. Khi trời chập choạng tối cũng là lúc từng đàn cá mát nối đuôi nhau tìm ăn côn trùng trên mặt nước hoặc ăn các loại rong rêu bám vào đá... cho đến tờ mờ sáng hôm sau sẽ bơi về nơi ẩn nấp.

Muốn đánh bắt được nhiều cá mát thì phải chọn thời điểm ban đêm mới hiệu quả, còn ban ngày, cá ẩn mình trong các hang ngầm, khe đá, muốn bắt phải sử dụng nỏ. Cái tên cá mát không biết có xuất xứ từ bao giờ, nhưng theo nhiều người thì do cá mát sinh sống trong những khe đá dưới lòng sông, suối, thịt ăn “mát” nên dân gian đặt tên như vậy.

Phân công tôi ngồi trên tảng đá dùng đèn pin soi sáng đoạn suối, anh Thăng cầm tay lưới bén lội ùm xuống vũng nước rồi vừa bơi, vừa rải lưới ngang, dọc xung quanh vũng nước. Thả xong tay lưới bén, anh lên bờ chờ khoảng một giờ đồng hồ mới lội xuống kéo lưới lên. Công việc giăng lưới cá mát cứ đều đều lặp lại như vậy, chỉ khác là phải chuyển nơi giăng lưới từ vũng nước, khe đá này sang vũng nước, khe đá khác mà thôi.

Đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều thì không có loài cá nào ngon như cá mát. Người dân nơi đây chế biến nhiều món ăn từ loại cá này, nhưng ngon nhất vẫn là món cá mát không làm ruột (ruột cá mát có màu rêu xanh, ăn có vị đắng ngọt ở đầu lưỡi) nướng trên than hồng. Chỉ cần chọn những con cá mát to bằng ba ngón tay, rửa sạch rồi dùng dao nhỏ rạch vài đường trên thân.

Trước khi đặt lên nướng, cá mát sẽ được ướp với một chút muối, bột ngọt, sả băm nhỏ trong vòng 15-20 phút. Khi than hồng đỏ rực, cá mát lần lượt nằm gọn trên vỉ nướng và cứ khoảng 4 - 5 phút lại được trở đều một lần cho đến khi cá chín. Bẻ từng miếng cá mát nướng cho vào miệng mới thấy hết sự thơm ngon, béo ngậy đến tận miếng cuối cùng.

Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô còn có một món ăn độc đáo nữa được chế biến từ cá mát đó là cheo cá mát. Cá mát khi đánh bắt về sẽ được mổ bụng làm sạch ruột, rửa kỹ lớp rong rêu bám ngoài thân và mang cá. Sau đó dùng các thanh tre đã được chẻ nhỏ, vót nhọn một đầu để xuyên cá thành từng xâu (mỗi xâu cá mát thường dao động từ 5-10 con, tùy theo kích thước của cá to hay nhỏ) rồi treo trên giàn bếp.

Khoảng vài tuần sau, cá mát được hong trên bếp lửa đủ độ khô, người dân đem xuống chế biến thành món cheo. Cách làm cheo cá mát khá đơn giản, chỉ cần bóc lớp vảy đã khô vàng và tách xương, đầu cá bỏ đi, lấy phần thịt của cá mát. Cho tất cả số thịt cá mát cùng với quả ớt khô, muối, bột ngọt vào chiếc cối gỗ, giã đều tay cho đến khi nào thịt cá tơi, hòa đều các vị với nhau, nếm vừa ăn là được. Món cheo cá mát sẽ đậm đà hơn nếu cho thêm đọt mây, một ít hạt tiêu rừng và quả cà nướng (loại cà nhỏ có màu xanh và đốm trắng nhỏ, được trồng trên nương rẫy).

Đây là một loại thực phẩm khô của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô dùng để cất trữ, phòng khi không có thức ăn tươi hoặc đem theo cùng với típ xôi mỗi khi lên nương rẫy. Bởi đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ít khi ăn hết những thứ mình có mà thường để dành, chờ đến mùa giáp hạt đói kém hoặc mùa mưa lạnh mới lấy ra ăn. Riêng ở bản Trăng Tà Puồng, cá mát sau khi đánh bắt sẽ được thu mua với giá từ 300 - 400 nghìn đồng/kg để phục vụ du khách khi đến tham quan thác.

Đến quá nửa đêm thì tôi cùng anh Thăng trở về bản Trăng Tà Puồng sau một đêm lặn ngụp ở suối Tà Puồng. Mớ cá mát đánh bắt được trong đêm, anh cất giữ lại để sáng mai mang bán cho thương lái. Cá mát có tên khoa học là Onychostoma gerlachi, hay ở các vùng miền khác có tên pea khính, pa khính, cá niên... Dù có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng giá trị dinh dưỡng, hương vị thơm ngon của cá mát đã trở thành món ăn độc đáo được du khách lựa chọn thưởng thức khi đến với thác Tà Puồng.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Hướng Hóa sẵn sàng cho mùa cao điểm du lịch hè

Khánh Ngọc |

Huyện Hướng Hóa có nhiều điểm nhấn về thiên nhiên - lịch sử - văn hóa thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch lịch sử- văn hóa, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, huyện Hướng Hóa nói chung và thị trấn Khe Sanh nói riêng với đặc thù khí hậu mát mẻ quanh năm, có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông trong một ngày, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong những ngày hè.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số ở Hướng Hóa

Minh Long |

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) những năm qua đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác dân số và phát triển trong tình hình mới, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH ở địa phương.

Cần đầu tư công trình thủy lợi cho người dân xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa

Nam Phương |

Hàng chục hộ dân tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa đang lo lắng trước tình trạng ruộng lúa dần cằn khô do thiếu nước sản xuất, nguy cơ mất trắng vụ lúa đông xuân. Điều đáng quan tâm, đây không phải là năm đầu tiên tình trạng thiếu nước cho sản xuất xảy ra ở địa phương này.

Đại hội thành lập Hội du lịch Hướng Hóa thành công tốt đẹp

Xanh EWEC |

Đại hội thành lập Hội Du lịch Hướng Hóa vừa diễn ra thành công tốt đẹp tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của một tổ chức nghề nghiệp mới, có vai trò kết nối và phát triển ngành du lịch địa phương một cách chuyên nghiệp, bền vững.

Cần hỗ trợ hợp tác xã ở Hướng Hóa phát triển bền vững

Minh Long |

Những năm gần đây, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) ở huyện Hướng Hoá có nhiều cố gắng trong việc điều hành sản xuất kinh doanh, liên kết với các doan hnghiệp, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Song để kinh tế tập thể ở huyện miền núi phát triển bền vững cần có nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ, tạo đòn bẩy cho HTX đi đúng hướng, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.