Say đắm với hương vị của phở

Chu Thu Hằng |

Ngày của Phở đã đánh thức vị giác của du khách bởi hương vị phở truyền thống và nét riêng của các món phở sáng tạo: phở ngô, phở Nhắng...

Sau 2 ngày với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người, gây ấn tượng mạnh với các vị khách nước ngoài đến từ Ngoại giao đoàn, Lễ Khai mạc Ngày của

Phở chính thức diễn ra tại Quảng trường 3 tháng 2 thành phố Nam Định.

Từ rất sớm, Ngày của Phở đã đánh thức vị giác của mọi người với mùi thơm tỏa ra từ những nồi nước dùng mà các thí sinh tham dự vòng chung khảo Cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon năm 2022 chế biến. Các thí sinh Vương Đức Bằng (người nấu phở ngô ở Hà Giang), Nguyễn Ngọc Châu - Việt kiều Úc, Đồng Văn Quang, Bùi Thị Nhàn và Vương Văn Tùng đều cố gắng tạo ra nét riêng hấp dẫn từ hương vị phở truyền thống đã “nằm lòng” với thực khách. Cũng bởi thế mà Ngày của phở có sức quyến rũ đặc biệt với những người yêu phở và cả những người không thích phở. Bởi, bên cạnh cơ hội thưởng thức những tô phở chuẩn vị Nam Định được nấu bởi các nghệ nhân truyền thống, khách mời và người dân tham gia sự kiện cũng sẽ được thưởng thức các món phở với hương vị đặc trưng vùng cao như phở ngô của dân tộc Mông; phở Nhắng của dân tộc Giáy; phở hoa hồi vàng đến từ Úc; phở Vượng-đại diện cho phở miền Bắc; phở 34 Cao Thắng đại diện cho phở miền Nam và cả các loại phở biến tấu như phở sâm ngọc linh….

Tái hiện công đoạn tráng bánh phở tại Vân Cù
Tái hiện công đoạn tráng bánh phở tại Vân Cù

Dù là phở gì thì vẫn phải ngon và “chất” từ nồi nước dùng đậm đà hương vị; bánh phở dẻo, không cứng, không nát; thịt tươi ngon, chín, tái vừa độ đến các loại rau thơm, chanh, ớt… Tất cả phải hòa quyện với nhau để cùng cất lên thông điệp về miếng ngon “quốc hồn, quốc túy” nhưng lại đa sắc ở mỗi miền. Say đắm nhưng không bị lạc lối trong hương vị phở, lại nhớ đến mùi hương của phở được nhắc đến trong các áng văn của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng xưa. Có lẽ vì mặc định làng Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là cái nôi của phở, nên người dân làng này cũng mặc định phở trong sự “thổn thức” của Thạch Lam, Nguyễn Tuân và Vũ Bằng đích thị là nói về phở Vân Cù, phở Nam Định xưa.

Cụ Cồ Hữu Chi ở tuổi 89 vẫn còn minh mẫn khi nói về phở của làng mình. Cụ khẳng định, phở xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp cho xây dựng nhà máy dệt ở Nam Định và các nhà máy ở Hải Phòng, Hà Nội và đầu tư cho các tuyến đường sắt liên tỉnh… Cụ Cồ Hữu Vàng là người tiên phong đưa phở gánh ra Hà Nội vào những năm 1930 sau đó nhiều người học theo. 15 tuổi, cụ Chi đã theo những gánh phở của người làng Vân Cù ra ngoài tỉnh bán. Công việc bưng phở cho khách khiến cụ chẳng quên được mùi vị của phở Vân Cù ngày cũ. Có lẽ, hương vị mà cụ Cồ Hữu Chi muốn nhớ chính là hương vị trong tùy bút Quà Hà Nội của Thạch Lam: “Nồi nước sôi sùng sục tỏa mùi thơm ra khắp phố. Nếu là gánh phở ngon - cả Hà Nội không đâu làm nhiều -, thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả”.

Tái hiện không gian phở xưa tại Vân Cù
Tái hiện không gian phở xưa tại Vân Cù

Cũng có thể đó là mùi hương trong nỗi nhớ được khắc họa ở tùy bút của Nguyễn Tuân “Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thuý. Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại”. Và “.. ăn phở cho đúng, đúng cái "gu" của phở, phải ăn thịt chín. Thịt chín thơm hơn thịt tái, mùi thơm miếng thịt chín mới biểu hiện đúng cái tâm hồn của phở”.

Các nghệ nhân Vân Cù thực hiện làm phở
Các nghệ nhân Vân Cù thực hiện làm phở

Nhà Văn Vũ Bằng thì khiến phở gây thương nhớ khi viết: “Cứ nhìn bát phở không thôi, cũng thú. Một nhúm bánh phở, một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc, mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ, mấy miếng ớt vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu, nước dùng thì nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm ăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm… rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại , nước dùng cứ ngọt lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên, không có gì là hóa học”.

Cứ mặc định phở mà các ông nhà văn ấy viết đích thị đi ra từ Vân Cù, nên mấy chục năm sau cụ Cồ Hữu Chi, Cồ Khắc Cải, Cồ Hữu Việt…dẫu ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn riết róng nhớ nồi nước dùng sôi sùng sục, nhớ mùi thịt thơm nức mũi, mùi rau thơm, hành lá… cả mùi cà cuống mà tưởng chừng chỉ hợp với món bánh cuốn…

Trong khuôn khổ Ngày của Phở, gần 20 đại sứ, các nhà ngoại giao đang công tác tại Việt Nam đã có buổi trải nghiệm phở Việt tại Nam Định. Sáng phở, trưa phở và chiều lại phở…sự ngon thơm của phở Việt đã quyến rũ các vị khách khiến họ không có cảm giác nhàm chán khi thưởng thức món ăn dân giã mà cũng đặc biệt sang trọng này. Thú vị nhất là được trải nghiệm cách nấu phở, nhìn tận mắt cách nấu một bát phở ngon ra sao và nếu thích có thể đụng tay tự làm một tô phở cho chính mình.

Các đại biểu trong Ngoại giao đoàn trải nghiệm cách làm một tô phở
Các đại biểu trong Ngoại giao đoàn trải nghiệm cách làm một tô phở

Bà Maria Fatima Phumbe, Tham tán toàn quyền, Đại sứ quán nước Cộng hòa Mô-dăm-bích bày tỏ sự vinh dự khi tham dự ngày hội phở. Bà nói: "Tôi được biết phở là một món ăn có ý nghĩa rất quan trọng trong văn hóa của người Việt, món ăn rất nổi tiếng của người Việt, nên tôi muốn biết phở được làm ra như thế nào. Tôi ăn phở mấy lần rồi nhưng chưa bao giờ thấy người ta nấu ra sao"

Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ Kate Bartlett  thì khẳng định trải nghiệm phở lần này là cơ hội để bà tìm hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực Việt Nam. Bà chia sẻ: “Phở là một món ăn rất lành mạnh, nhiều dinh dưỡng. Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi đã nghe rất nhiều về phở nên chúng tôi rất mong đợi được thưởng thức những tô phở ngon ở Việt Nam. Nấu được món này cho đúng, cần phải đầu tư thời gian, thật tập trung, vì có rất nhiều bước. Các nguyên liệu cũng quan trọng nữa. Có lẽ về mặt kỹ thuật phở không quá khó nấu nhưng mà phải đầu tư thời gian và các nguyên liệu đặc biệt. Tôi sẽ thử nấu ở nhà, nhưng tôi nghĩ mình phải thực tập nhiều lần mới nấu được". 

Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Samina Mehtab thì thổ lộ quê hương bà cũng có những món ăn tương tự phở. Trước khi đến Việt Nam, bà đã nghe rất nhiều về phở nên rất mong đợi được thưởng thức.

Hàng ngàn bát phở đã được Ngày của Phở phục vụ khách và những người dân địa phương trong những ngày qua. Nếu phở truyền thống gợi nhớ hương vị xưa cũ qua những câu chữ tinh tế trong tùy bút của các nhà văn nổi tiếng thì phở ngô Hà Giang, phở Nhắng Lai Châu lại là những trải nghiệm mới về hương vị.
Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ Kate Bartlett  thì khẳng định trải nghiệm phở lần này là cơ hội để bà tìm hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ Kate Bartlett thì khẳng định trải nghiệm phở lần này là cơ hội để bà tìm hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực Việt Nam.

Cái đặc biệt của phở ngô là thứ bánh phở có màu vàng đặc trưng của ngô, dẻo, ngầy ngậy mùi ngô và những nguyên liệu của vùng cao sử dụng trong nấu nước dùng. Trong khi phở Nhắng nước được chế biến cầu kỳ từ thịt lợn đen kết hợp với các nguyên liệu vùng cao. Thịt nạc, thịt ba chỉ được ninh cùng xương trong nồi nước dùng nên khi vớt ra có mùi thơm, dai, ngậy, mềm mà không ngấy. Bánh phở to, dẻo mà không nát.

Tham gia chấm chung khảo Cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon năm 2022, trong đó có thí sinh gây ấn tượng với món phở ngô, nghệ nhân ẩm thực Lê Văn Khánh, Tổng bếp trưởng Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương khẳng định: “ Phở là món ăn giản dị, cũng là món đặc sản của dân tộc mà bạn bè thế giới ai đến Việt Nam cũng trải nghiệm. Ngày nay, có nhiều cách sáng tạo khi nấu phở nhưng dù sáng tạo cách gì, biến tấu ra sao thì trong sâu thẳm của nó vẫn giữ nét đặc trưng của hương vị phở xưa”.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

Khai mạc Lễ hội hoa Mê Linh năm 2022

PV |

Ngày 9/12, Lễ hội hoa Mê Linh năm 2022 Chủ đề “Mê Linh rực rỡ sắc hoa" đã khai mạc tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh (Hà Nội).

Bàn giải pháp để phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam

Trần Lê Lâm |

Du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 sẽ phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra.

Khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

P.V |

Vừa qua, đoàn công tác của một số đơn vị đã tiến hành khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Nhiều lễ hội văn hóa thu hút du khách dịp cuối năm

PV |

Trong tháng 12, tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhiều lễ hội văn hóa nhằm thu hút khách du lịch trong dịp cuối năm 2022. Nổi bật là Hội Hoa sở Bình Liêu 2022 diễn ra từ ngày 16 -18/12 tại khu rừng sở thôn Đồng Long (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) và chương trình Carnaval mùa Đông Hạ Long 2022 với chủ đề “Sắc màu Kỳ quan” của thành phố Hạ Long dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12.