Soi mặt dòng Sê pôn

Phạm Xuân Hùng |

Dọc miền biên ải từ Bắc chí Nam, tôi hay dừng lại ở những thị trấn ven sông, nhất là những dòng sông phân định ranh giới quốc gia. Cái cảm giác bồi hồi khi đất dưới bàn chân ta chính là quê hương bản quán, vậy mà tầm mắt ta nhìn ra phía trước, bên kia dòng sông lại là một xứ sở khác, con người với tiếng nói và dòng máu khác. Sông thì vẫn chảy ngàn đời. Những thị trấn ven sông ở vùng biên giới vì thế luôn có vẻ đẹp lạ lẫm, cuốn hút.


Thị trấn Lao Bảo nằm bên dòng Sê Pôn vốn không xa lạ gì với tôi. Đâu chừng hơn ba thập niên trước, nhà thơ Phạm Nguyên Tường còn ví von thị xã Quảng Trị “nhỏ như bàn tay con gái” thì bấy giờ Lao Bảo còn hoang sơ lắm. Chỉ Quốc lộ 9 trải nhựa chạy ngang qua còn lại là những con đường đất đỏ, mùa mưa đất hóa bùn, mùa khô đất rang lên thành bụi. Ấy vậy mà tôi vẫn thích đi về Lao Bảo vì nhiều lẽ, ở đó có những bạn học thời sinh viên ở Huế, ở đó có những địa danh đi vào sử sách và ở đó rừng còn xanh lắm, xanh như câu hát “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn...”.

Sông Sê Pôn chảy qua xã Tân Thành -Ảnh: T.L
Sông Sê Pôn chảy qua xã Tân Thành -Ảnh: T.L

Nhưng Lao Bảo chuyển mình rất nhanh. Như một giấc mơ. Tôi xa quê, vài ba năm trở lại một lần, mỗi lần vậy, cứ như thấy một Lao Bảo quẫy cựa trong chiếc áo đô thị không ngừng lớn. Hôm nào đó, sau ngày tốt nghiệp đại học, tôi ghé thăm nhà những người bạn ở miền biên ải này. Dọc đường từ Khe Sanh lên Lao Bảo chỉ thấy những vườn sắn xen lẫn cà phê, thi thoảng nhà ai có thêm hồ cá. Nhà ngói ít thôi, thấp thoáng.

Cửa khẩu bấy giờ cũng không nhộn nhịp dẫu trước đó tôi từng chứng kiến, cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 thế kỷ trước, con đường 9 là hành lang buôn lậu nổi tiếng ở miền Trung và cả nước. Bẵng đi vài năm, quay trở lại, tôi hầu như không nhận ra Lao Bảo.

Thời điểm này, vào cuối năm 1998, Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo. Những năm tiếp theo, nhiều mốc thời gian tiếp tục “làm mới” Lao Bảo.

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Quy chế Khu KKTTMĐB Lao Bảo thay thế cho Khu Thương mại Lao Bảo, và năm 2011 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Quyết định điều chỉnh Quy hoạch Khu KTTMĐB Lao Bảo. Hẳn nhiều người còn nhớ, khánh thành không lâu sau, Khu KTTMĐB Lao Bảo với Trung tâm thương mại đi vào hoạt động đã tấp nập đón các nhà đầu tư.

Hàng hóa từ bên kia biên giới đổ về, hàng hóa nội địa cũng tập kết lên đây, người mua kẻ bán đông đúc. Sản phẩm mua bán thì vô cùng phong phú, từ hàng gia dụng, hàng điện tử, điện máy, mỹ phẩm, thời trang..., không thiếu thứ gì.

Nhiều năm tiếp sau đó, gần như đoàn cán bộ, viên chức đi công tác hay khách du lịch, từ Bắc vào Nam hay ngược lại, nếu ghé Quảng Trị đều dành thời gian lên thăm và mua sắm ở Trung tâm thương mại Lao Bảo...

Mới đây, tôi lên Khe Sanh gặp lại Nguyễn Văn Bình, người bạn thời sinh viên ở Huế. Bình hiện là giáo viên ở Trường THCS Hướng Tân, huyện Hướng Hóa. Bình chở tôi đi một vòng quanh thị trấn Lao Bảo. Tôi ngạc nhiên bởi hình ảnh tấp nập ở Trung tâm thương mại Lao Bảo ngày nào giờ đã nhường chỗ cho khung cảnh có phần vắng lặng. Bình nói với tôi, ngày trước Khu KTTMĐB Lao Bảo về cơ bản là khu phi thuế quan, được hưởng nhiều quy chế đặc biệt từ thuế xuất nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng...

Nhưng kể từ năm 2016, Khu KTTMĐB Lao Bảo chỉ còn áp dụng chính sách ưu đãi thuế ngang với các Khu Kinh tế cửa khẩu khác. Chính sự điều chỉnh về chính sách này đã không còn sức “lôi cuốn” nhà đầu tư, đặc biệt là hoạt động kinh doanh thương mại không còn nhộn nhịp như thời còn được hưởng các chính sách miễn, giảm thuế. Vì vậy, tốc độ phát triển về kinh doanh thương mại ở đây nay đã trầm lắng.

Nhưng cuộc sống luôn biến chuyển, cánh cửa này đóng lại để mở ra một cánh cửa khác. Như dòng Sê Pôn chậm rãi con nước, có chỗ lững lờ nhưng cũng có khi ầm ào tung bọt. Cách đây chưa đầy hai năm, bằng mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia Việt Nam-Lào và thành quả đạt được sau gần một phần tư thế kỷ xây dựng và phát triển Khu KTTMĐB Lao Bảo, Bộ Chính trị của hai nước đã đề xuất ý tưởng xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo-Denvasan (Savanakhet).

Một lần nữa, Lao Bảo bước tiếp vào giấc mơ miền biên viễn. Là giấc mơ thông thương, thông thoáng, nối liền và vận hành thông suốt giữa Khu KTTMĐB Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Densavan thuộc tỉnh Savannakhet của nước bạn Lào.

Dĩ nhiên có hàng núi công việc phải làm. Song, xuất phát điểm đã có, ý chí và quyết tâm của chính quyền cũng như mong mỏi của người dân Quảng Trị luôn ở tâm thế sẵn sàng thì chắc nay mai giấc mơ Lao Bảo sẽ trở thành hiện thực.

Để hiện thực hóa ý tưởng đó, tỉnh Quảng Trị khẩn trương xây dựng đề án, nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông bằng việc kêu gọi đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo, tiến tới xây dựng tuyến đường sắt trong tương lai, kêu gọi nguồn vốn đầu tư kho bãi, dịch vụ hậu cần logictics, khu vực tập kết, trung chuyển hàng hóa...

Mới đây, tôi lại lên Lao Bảo. Ngồi ở một nhà hàng nhỏ bên dòng Sê Pôn. Bình và vài người bạn đang công tác ở huyện Hướng Hóa cùng tôi trò chuyện. Chuyện nào rồi cũng quay về với mong mỏi, khao khát và tràn đầy tin tưởng dành cho thị trấn nhỏ địa đầu biên giới.

Tôi nhìn xuống dòng Sê Pôn, thấy màu nước trong xanh, thấy núi rừng miền Tây Quảng Trị soi bóng, và dường như thấy ảnh hình vỡ vạc của một Lao Bảo đang quẫy cựa. Tôi cũng soi mặt xuống dòng Sê Pôn, thấy trong riêng mang sông nước có một miền ký ức gọi tên Lao Bảo, của nhiều năm trước, bây giờ và nhiều năm sau nữa.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Ngành y tế tỉnh Quảng Trị tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn

Bội Nhiên |

Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024), vừa qua, tại Nhà Hành lễ - Bến Thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã phối hợp Thị ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Quảng Trị và Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Quảng Trị tổ chức Chương trình Đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn.

Ánh sáng nghệ thuật trên cầu Dây Văng qua sông Hiếu

Trịnh Hoàng Tân |

Cầu dây văng bắc qua sông Hiếu - công trình kết nối Khu đô thị Bắc sông Hiếu với trung tâm TP. Đông Hà (Quảng Trị) - là điểm nhấn mang tính nghệ thuật làm nổi bật đô thị cảnh quan sông nước. Du khách khi đến với không gian cầu dây văng này sẽ được trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng của những xúc cảm giữa ánh sáng và không gian kiến trúc.

An Mỹ - làng quê khởi sắc bên sông Hiếu

Hoàng Nam Bằng |

Làng An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) nằm bên bờ sông Hiếu ăm ắp phù sa, xanh mát những hàng cây, thửa ruộng. 

Lũ lên nhanh, nước sông Hương đạt mức báo động 3

Hà Nguyên |

Trong đêm nay (14/11) mực nước sông Hương tại Kim Long đạt mức báo động 3 là 3,5 m.