Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch

Thanh Trúc |

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có về du lịch của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII tiếp tục xác định mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, biển đảo. Để đạt được mục tiêu này, cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch.

Là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, giữa các tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế là các tỉnh có di sản thế giới với các tính chất khác nhau, Quảng Trị đóng vai trò cầu nối, hình thành một trong những cụm điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Với hệ thống tài nguyên du lịch đặc sắc, du lịch Quảng Trị mang lại những giá trị khác biệt và đóng góp vào khả năng liên kết phát triển và năng lực cạnh tranh của cả khu vực.

 

Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND thông qua Đề án “Quy hoạch tổng thể phát du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 hình thành Khu Du lịch quốc gia Cửa Việt - Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc - Đôi bờ Hiền Lương - đảo Cồn Cỏ. Đến năm 2025 hoàn thành về cơ bản đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch, nhất là tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; hình thành các tour, tuyến du lịch chủ đạo, xây dựng và khẳng định thương hiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh. Đến năm 2030 hoàn thành về cơ bản việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; khai thác, phát huy hiệu quả thương hiệu du lịch của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá cho giai đoạn tiếp theo nhằm thu hút khách du lịch, tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động.

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh có 21 dự án liên quan đến du lịch đã được UBND tỉnh cho thuê đất với tổng diện tích 1.199.261 m2 , trong đó có 6 dự án đã bị UBND tỉnh thu hồi đất. Có 13 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hiện đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch và chỉ đạo đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các khu du lịch có quy mô như: Khu Dịch vụ - Du lịch Cửa Việt (191,17 ha), Khu Du lịch Cửa Tùng (135 ha), Khu Dịch vụ - Du lịch ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt (746,17 ha), Khu Dịch vụ - Du lịch ven biển Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc (174,5 ha), Khu Dịch vụ - Du lịch Vĩnh Thái (518 ha), Khu Du lịch huyện đảo Cồn Cỏ (45,49ha)… Đồng thời, để phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới, tỉnh đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch Khu Du lịch Cửa Tùng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Dịch vụ - Du lịch biển Hải Khê; phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort - Cửa Tùng; quy hoạch phân khu xây dựng điểm du lịch Mũi Trèo - Rú Bàu. Điều chỉnh và mở rộng quy hoạch phân khu xây dựng Khu Dịch vụ - Du lịch Cửa Việt; phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Khu Dịch vụ - Du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt… Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung Khu Du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ vào danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia…

Tỉnh Quảng Trị xác định phát triển Khu Dịch vụ - Du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ là khu du lịch động lực để kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, tỉnh đã và đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch tạo điều kiện phát triển du lịch biển, trong đó có dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng - giai đoạn II” gồm có 4 hợp phần: Đầu tư hạ tầng du lịch bãi tắm Trung Giang, đầu tư hạ tầng du lịch bãi tắm Gio Hải, đầu tư hạ tầng du lịch bãi tắm Cửa Việt và đầu tư hạ tầng cảng du lịch Cửa Việt.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đến việc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh. Với sự nỗ lực đó, đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch đến khảo sát và xây dựng kế hoạch đầu tư, trong đó có một số nhà đầu tư chiến lược như: Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn AE, Công ty Cổ phần Tập đoàn Pacific Health Care, Công ty Cổ phần Châu Á - Thái Bình Dương... Bước đầu có một số dự án đã triển khai các công đoạn theo chủ trương được UBND tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên, một số dự án có tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do doanh nghiệp sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thì chậm triển khai dự án, gặp khó khăn trong huy động vốn; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; việc quy hoạch các khu du lịch, khu di tích chưa hoàn thiện; vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ quốc phòng - an ninh (các khu vực ven biển, đảo Cồn Cỏ) vẫn còn nhiều bất cập… Đó là những “điễm nghẽn” ảnh hưởng đến phát triển ngành du lịch của tỉnh cần phải tháo gỡ.

Để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước hết cần đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về tầm quan trọng của phát triển du lịch. Tập trung ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch, trong đó đặc biệt lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực. Trong thực hiện quy hoạch phát triển du lịch, cần phân chia những khu vực cần bảo tồn như: Các tài nguyên du lịch (tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa, di sản) và các phân khu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho khách du lịch. Đẩy mạnh hợp tác liên kết với các địa phương, đổi mới phương pháp xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, hiệu quả công tác phối hợp giữa du lịch và các lĩnh vực có liên quan. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý du lịch. Nghiên cứu ứng dụng các phương thức quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch nông thôn ở Quảng Trị

Thanh Trúc |

Thời gian qua, song song với việc xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã xuất hiện tại nhiều địa phương. Bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống, các loại hình du lịch nông thôn đã và đang phát triển nhanh, bước đầu được du khách đón nhận. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế phát triển, các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, chưa chuyên nghiệp để thu hút lượng lớn du khách.

Du lịch nội địa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tăng mạnh

Đinh Thuận |

Đánh giá của các công ty lữ hành cho thấy, lượng khách nội địa dịp Tết Nguyên đán tăng trưởng đột biến so với năm ngoái trong bối cảnh các tuyến du lịch nước ngoài tạm thời gián đoạn do dịch.

Quảng Trị: Nhiều lao động, viên chức ngành du lịch vẫn chưa thể trở lại làm việc

Tiến Nhất |

Năm 2020, dịch Covid-19 khiến khách tham quan các điểm du lịch, di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm sút, nguồn thu từ bán vé các điểm di tích của Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh này chỉ đạt 30% so với năm 2019.

Du lịch miền Trung thắp một ngọn nến...

Trung Hiếu |

Ngành du lịch Đà Nẵng và Hội An đang cố khởi động nhiều hoạt động nhằm thu hút du khách trở lại... Điều đó như "thắp một ngọn nến, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm".