Du lịch nông thôn là các loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, trong đó du khách được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã. Những năm gần đây, du lịch nông thôn nở rộ với nhiều loại hình phong phú như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề..., góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Mặc dù mang lại lợi ích kinh tế, nhưng ở các địa phương trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng, mô hình du lịch nông thôn chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Du lịch nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn do những rào cản từ cơ sở pháp lý, nhất là liên quan tới chính sách về đất đai; hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng và năng lực quản lý.
Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là một trong các địa phương có loại hình du lịch nông thôn phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Thiên nhiên ưu đãi cho Hướng Hóa địa thế rừng, núi, sông, suối xen kẽ nhau, các hang động, thác nước tự nhiên tạo nên cảnh quan hùng vĩ, là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, homestay, kết hợp nông nghiệp và trải nghiệm.
Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 10 mô hình du lịch cộng đồng, du lịch canh nông thu hút ngày càng đông du khách. Chỉ riêng trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024, ước tính lượng khách đến tham quan tại địa bàn huyện đạt trên 112 nghìn lượt, mang lại doanh thu xã hội khá lớn.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch nông thôn ở Hướng Hóa mới đang ở giai đoạn manh nha, phát triển ban đầu, quy mô nhỏ, chủ yếu mới chỉ thu hút khách trong tỉnh. Hầu hết các mô hình du lịch cộng đồng và du lịch canh nông trên địa bàn huyện đều gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì đa số các mô hình này đều triển khai mang tính tự phát trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm.
Mặt khác, các chủ thể chưa có cách làm bài bản để thu hút và giữ chân du khách lưu trú, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng được nhiều các nhu cầu, sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa có tính độc đáo, khác biệt. Đặc biệt, khó nhất hiện nay là chưa có cơ sở pháp lý và hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện du lịch nông thôn.
Vướng mắc về chính sách đất đai cho phát triển du lịch nông thôn hiện là rào cản lớn nhất không chỉ riêng với Hướng Hóa mà các địa phương khác như Gio Linh, Vĩnh Linh, Đakrông... cũng đang gặp phải. Ngoài ra, việc đầu tư cho loại hình du lịch nông thôn một cách quy mô, bài bản đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, song vì cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cho loại hình này còn hạn chế nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu rõ: “Đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm”.
Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 xác định mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững; xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở hiện trạng hoạt động du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng dự thảo đề án đề xuất thí điểm một số mô hình du lịch đảm bảo chất lượng để phục vụ khách du lịch, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.
Một trong những điểm thuận lợi cho quá trình soạn thảo đề án thí điểm này là Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều điểm “mở” về việc sử dụng đất đa mục đích. Cụ thể, tại Điều 248 của Luật Đất đai năm 2024 - một trong hai điều của Luật Đất đai chính thức có hiệu lực sớm từ ngày 1/4/2024 - quy định sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp 2017.
Trong đó, điểm mới của luật quy định cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu... Điều này sẽ tạo “cú hích” rất lớn cho các địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch nông thôn.
Căn cứ các văn bản luật, đặc biệt là Luật Đất đai 2024, dự thảo đề án nghiên cứu đề xuất cho phép tỉ lệ sử dụng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các mô hình du lịch nông nghiệp được lựa chọn thí điểm, từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp khác theo tỉ lệ xác định nhằm vừa đủ không gian, diện tích cho đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời tuyệt đối không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và năng suất nông nghiệp.
Việc thực hiện thí điểm khai thác phát triển nông nghiệp tuân theo nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thủy sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn. Các loại đất được áp dụng là đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng sản xuất...
Đề án thí điểm này được thông qua và triển khai thực hiện sẽ bước đầu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cụ thể hóa chủ trương phát triển nông nghiệp kết hợp với khai thác dịch vụ du lịch, hướng đến mục tiêu phát triển các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, góp phần gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp của địa phương, tạo việc làm cho người dân nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Hướng Hóa nói riêng và của tỉnh Quảng Trị nói chung.
Mặt khác, để tăng sức hút của các mô hình du lịch nông thôn, các địa phương cần định hướng quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm cho du khách.
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp và hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp. Quan tâm đào tạo và nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp cho người dân, giúp họ hiểu rõ về giá trị và tiềm năng của sản phẩm nông nghiệp với du lịch.
Cùng với đó, các chủ thể làm du lịch nông nghiệp cần hướng đến khai thác nét đặc trưng, mới lạ, độc đáo, sự khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)