“Tiếp sức” cho xã khó khăn xây dựng nông thôn mới

Mai Lâm |

Sau gần 2 năm thực hiện chủ trương của tỉnh về việc đỡ đầu, giúp xã khó khăn xây dựng nông thôn mới (NTM), các đơn vị được phân công đã có những hoạt động hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực.

Nhưng do những địa phương trong diện được đỡ đầu đều có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu, đời sống của người dân khó khăn nên hành trình xây dựng NTM còn rất gian nan, cần tiếp tục được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Theo Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 22/6/2022, UBND tỉnh phân công 34 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và doanh nghiệp đỡ đầu 34/101 xã xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025 (6 xã bãi ngang, 28 xã miền núi tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh và Vĩnh Linh). Thực hiện chủ trương này, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và một số doanh nghiệp được phân công đã tích cực tham mưu và trực tiếp thực hiện hỗ trợ xã đỡ đầu theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM, một số đơn vị bước đầu có hỗ trợ kinh phí giúp xã mua sắm trang thiết bị, xây dựng nhà đại đoàn kết, tặng quà cho người dân, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng mô hình sinh kế, xây dựng công trình thắp sáng đường quê, mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường...

Đồng thời phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực phụ trách đối với các xã được phân công. Hoạt động đỡ đầu của các đơn vị góp phần giúp các xã xây dựng NTM thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể thì việc đỡ đầu xây dựng NTM của các đơn vị cấp tỉnh thời gian qua vẫn chủ yếu là hoạt động tập huấn hướng dẫn, tư vấn, tặng quà cho người dân nhân các dịp lễ, Tết chứ chưa huy động được các nguồn lực để hỗ trợ cho địa phương như kỳ vọng; một số đơn vị đỡ đầu còn hình thức, chưa sâu sát với cơ sở.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 thì việc thu hẹp khoảng cách chênh lệnh giữa các địa phương, vùng miền là điều quan trọng. Do đó cần có sự bứt phá vươn lên mạnh mẽ hơn của những xã khó khăn.

Bên cạnh nguồn lực ưu tiên của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM dành cho những xã có xuất phát điểm thấp, cần sự “tiếp sức” của các đơn vị đỡ đầu một cách thiết thực, hiệu quả hơn. Để làm được điều này thì cả đơn vị đỡ đầu và địa phương nhận sự đỡ đầu cần chủ động, linh hoạt hơn trong quá trình thực hiện. 34 sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh được UBND tỉnh phân công đỡ đầu cần bám sát kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để xác định nội dung hỗ trợ, giúp đỡ.

Các đơn vị cũng cần bố trí cán bộ theo dõi xã mà đơn vị mình nhận đỡ đầu để làm đầu mối tổng hợp, nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch, tham mưu đơn vị giải pháp, việc làm cụ thể để hỗ trợ xã hoàn thành từng tiêu chí thực hiện chương trình theo từng năm và cả giai đoạn để huy động nguồn lực giúp các xã đạt chuẩn NTM theo kế hoạch đề ra.

Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đóng góp ủng hộ cho xã được giao phụ trách. Bên cạnh việc hỗ trợ về vật chất cần tiếp tục giúp đỡ các xã xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, định hướng cho người dân trong tổ chức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận vốn đầu tư phát triển kinh tế... góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn.

Các xã nằm trong diện hỗ trợ cần tổ chức rà soát, đánh giá chi tiết hiện trạng xây dựng NTM theo bộ tiêu chí mới, từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp và chủ động liên hệ, phối hợp, đề xuất những vấn đề cần sự tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ của đơn vị đỡ đầu đảm bảo sát với nhu cầu thực tế của địa phương.

Hằng năm, từ kết quả rà soát tổng thể về thực hiện xây dựng NTM toàn tỉnh, cơ quan thường trực về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cần kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện đỡ đầu xây dựng NTM của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và doanh nghiệp mà UBND tỉnh phân công nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng đơn vị làm tốt; phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để có sự điều chỉnh, phân công hỗ trợ, giúp đỡ xã khó khăn xây dựng NTM hiệu quả hơn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Niềm vui trên những làng quê nông thôn mới nâng cao ở Vĩnh Linh

Phương Nga |


Mùa xuân đang về trên khắp mọi miền đất nước. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng đang chuẩn bị đón chào một năm mới trong niềm hân hoan, phấn khởi. Đặc biệt, trên những miền quê vừa đạt chuẩn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao đang bừng lên sức sống trong mùa xuân mới.

Tạo sức bật mới cho nông thôn Quảng Trị năm 2024

Đan Tâm |

Có thể khẳng định, xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh vào cuộc và triển khai quyết liệt, nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã được nâng cao. Đến nay, kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM cơ bản đạt được lộ trình của tỉnh đề ra, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao.

Tiếp sức cho cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển

Hà Trang |

Với hàng chục đề án được hỗ trợ kinh phí hằng năm, hoạt động khuyến công đã khẳng định được vai trò là “bà đỡ” và là người bạn đồng hành giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu cơ sở, doanh nghiệp.

Sức lan tỏa từ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

“Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” đã thực sự trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, được các cấp, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Từ đó, đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh đề ra.