Tín hiệu mới từ mô hình chợ phiên biên giới Lao Bảo

Yên Mã Sơn |

Vào dịp cuối tuần thời gian qua, phố núi Lao Bảo, huyện Hướng Hóa đã nhộn nhịp hơn bởi một sản phẩm du lịch mới vừa được hình thành: chợ phiên biên giới mang đậm văn hóa Việt- Lào. Sau những phiên thí điểm, chợ phiên biên giới đã để lại dư âm và ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Nhưng để chợ trở thành một địa chỉ truyền thống có tầm ảnh hưởng chung trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây thì cần có một cơ chế pháp lý đặc thù để duy trì.


Sản phẩm du lịch mới được du khách đón nhận

Chợ phiên biên giới Lao Bảo được mở phiên đầu tiên vào ngày 21/12/2024, sau 5 lần họp vào những ngày cuối tuần, chợ là địa chỉ mua sắm và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực của du khách xa gần. Chợ có khoảng 50 gian hàng của các tiểu thương đến từ các địa phương của huyện Hướng Hóa và các bản ở phía đối diện Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo như Densavan, Phường... thuộc huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào. Những mặt hàng của chợ phiên gồm nông, lâm sản, hàng thổ cẩm, đặc sản địa phương với giá cả hợp lý. Đặc biệt, phiên chợ là nơi quy tụ ẩm thực hai nước Việt- Lào. Đến chợ, ngoài việc mua sắm, du khách còn có cơ hội giao lưu, trải nghiệm văn hóa của vùng biên giới.

Chợ phiên biên giới được tổ chức tại sân Trung tâm Thương mại Lao Bảo - Ảnh: REVIEW LAO BẢO
Chợ phiên biên giới được tổ chức tại sân Trung tâm Thương mại Lao Bảo - Ảnh: REVIEW LAO BẢO

Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết, với lợi thế sát với biên giới Lào, Lao Bảo từ lâu được sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư từ Chính phủ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây địa phương gặp nhiều khó khăn, do nhiều lý do khác nhau, du khách không còn đến Lao Bảo mua sắm như trước đây. “Để “thương hiệu” Lao Bảo trở lại như một thời vốn có, chúng tôi đã tìm mọi cách để tạo những “sân chơi” thu hút khách và níu giữ khách du lịch. Các sản phẩm du lịch như phố đi bộ Nguyễn Huệ, linh vật rồng... cũng đã tạo tiếng vang nhưng vẫn chưa đi vào nền nếp. Và kỳ vọng chợ phiên biên giới sẽ là sản phẩm đặc sắc nhất khi nhắc đến du lịch phố núi”, ông Hùng chia sẻ. Theo ông Hùng, khi hình thành ý tưởng này, bắt tay vào việc bằng nguồn kinh phí hầu hết được xã hội hóa. “Bằng tình yêu quê hương, người dân Lao Bảo đã góp mỗi người một tay để có kinh phí hoạt động những phiên chợ vừa qua. Chúng tôi kỳ vọng chợ phiên biên giới sẽ trở thành phiên chợ truyền thống”, ông Hùng nói.

Anh Nguyễn Hữu Bằng đến từ TP. Đà Nẵng cho biết, nhân dịp ra thăm người bạn ở Hướng Hóa, đúng lúc cuối tuần diễn ra chợ phiên nên rất muốn trải nghiệm. Anh cho biết chưa có cơ hội đặt chân đến đất Lào nhưng tại chợ phiên Lao Bảo có thể gặp gỡ, giao lưu với người dân nước Lào; ăn những món ăn mang đậm hương vị núi rừng được chính bàn tay các cô gái Lào chế biến. “Du khách có thể tìm hiểu văn hóa ẩm thực của vùng biên giới ngay tại phiên chợ với giá rất rẻ, hàng hóa phong phú, con người cởi mở, hiếu khách. Nếu không duy trì chợ phiên biên giới này thì thật thiệt thòi cho du khách”, anh Bằng cởi mở.

Trong một lần gặp nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tại chợ phiên Lao Bảo giữa sự náo nhiệt của buổi chợ, nhà thơ nói với chúng tôi: Đó là tín hiệu tốt cho thấy địa phương đi đúng hướng. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đặt câu hỏi: tại sao lâu nay, Lao Bảo ở bên “mỏ vàng”- sát biên giới Lào mà không khai thác theo hướng này? “Tài nguyên văn hóa nhân văn của Lào cũng là nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch của Lao Bảo. Chợ phiên biên giới không còn là vấn đề của mua bán, giao dịch đơn thuần mà là giao lưu văn hóa. Khi ở tầm này, nó không còn là vấn đề của 2 địa phương mà trở thành vấn đề của hai quốc gia. Và nghiễm nhiên nó ở tầm quốc tế”, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận định.

Chợ phiên đã cộng hưởng, thổi làn gió mới cho Trung tâm Thương mại Lao Bảo vốn đìu hiu nhiều năm nay. Chị Nguyễn Hoàng Anh, một tiểu thương kinh doanh hàng điện tử, mỹ phẩm ở đình A1, Trung tâm Thương mại Lao Bảo cho biết, tình trạng buôn bán trong những năm gần đây thường ế ẩm, khách ngoại tỉnh không còn ghé thăm như trước. Tuy nhiên, sau khi hình thành chợ phiên trước sân trung tâm này, nhiều tiểu thương đã được hưởng lợi từ lượng khách của chợ phiên. “Chợ phiên đã làm tiểu thương chúng tôi phấn khởi, hoạt động buôn bán sôi nổi hơn trước. Tôi nghĩ nên duy trì chợ phiên để các dịch vụ khác cùng khai thác và chia sẻ lợi nhuận. Đặc biệt, các tiểu thương ở trung tâm này có cơ hội được hồi sinh, phát triển”, chị Hoàng Anh cho biết.

Cần có cơ chế chính sách phù hợp cho chợ phiên biên giới

Theo lãnh đạo thị trấn Lao Bảo, để hình thành được chợ phiên hoạt động chính quy, bài bản cần nhiều kinh phí và sự vào cuộc của nhiều ban, ngành. Trước khi triển khai thực hiện ý tưởng này, lãnh đạo thị trấn Lao Bảo đã đi thực tế tại chợ phiên một số địa phương phía Bắc. Với lợi thế về giao thông, cơ sở hạ tầng và văn hóa bản địa, thị trấn Lao Bảo có thể phát huy được những giá trị của mình thông qua hình thành một chợ phiên truyền thống, nền nếp.

Ông Trần Đình Dũng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lao Bảo cho biết, hiện tại cơ sở vật chất từ hệ thống gian hàng, điện nước, ánh sáng; hệ thống quảng cáo... đều được địa phương chủ yếu huy động nguồn lực xã hội.

“Để chợ phiên biên giới Lao Bảo đi vào hoạt động thường xuyên, quy mô ổn định, có khả năng thu hút khách du lịch cần có nguồn kinh phí ban đầu khoảng 500- 700 triệu đồng để đầu tư xây dựng. Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng, chợ phiên biên giới cần có một cơ chế đặc thù để đảm bảo cho các tiểu thương, khách du lịch phía Lào thông quan, nhập cảnh vào nội địa một cách nhanh chóng, thủ tục đơn giản. Cùng với đó, chúng tôi sẽ xây dựng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật để phục vụ thường xuyên, chuyên nghiệp”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cho biết thêm, việc hình thành chợ phiên biên giới mang đậm văn hóa Việt- Lào ở Lao Bảo không còn là câu chuyện của địa phương hay của huyện Hướng Hóa. Để chợ phiên biên giới Lao Bảo phát triển bền vững, hiệu quả, cần có sự vào cuộc của các ban, ngành cấp trên để hình thành một khung pháp lý cũng như tài chính hoàn chỉnh, xứng đáng với tiềm năng của đô thị đầu cầu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây. “Hiện chúng tôi đang chuẩn bị mọi thứ để trình cấp trên quan tâm, hỗ trợ thấu đáo”, ông Dũng nói.

Theo ông Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, đơn vị đánh giá cao, ủng hộ cách làm sáng tạo, tạo được sản phẩm du lịch mới của chính quyền thị trấn Lao Bảo. Chợ phiên biên giới Lao Bảo trong những phiên đầu tiên đã tạo được dấu ấn trong lòng du khách trong và ngoài tỉnh. Đây là mô hình mới, bước đầu đã cho thấy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực; phù hợp với quy mô, lợi thế vùng biên mậu; phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh nhà. Việc hình thành chợ phiên Lao Bảo sẽ thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt- Lào; tạo điều kiện cho cư dân hai bên biên giới phát huy những lợi thế của mình.

“Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị sẽ hỗ trợ tích cực về cơ sở vật chất, mặt bằng, cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện tốt nhất về mặt hành chính để các tiểu thương, du khách từ phía Lào vào nội địa một cách nhanh chóng, an toàn”, ông Hoan nói. Theo ông Hoan, cơ quan chủ quản chợ phiên cũng cần nghiên cứu phát triển chợ theo chủ đề để mỗi phiên chợcó những nhân tố mới, có điểm nhấn, đáng để du khách chờ đợi, tham gia trải nghiệm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đề xuất bổ sung, tích hợp chợ chuối xã Tân Long vào Quy hoạch tỉnh Quảng Trị

Thanh Trúc |

Theo Quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Phương án phát triển thương mại tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì trên địa bàn huyện Hướng Hóa có quy hoạch 9 chợ, gồm: Chợ Tân Liên (xã Tân Liên), chợ A Túc (xã A Túc), chợ Hướng Phùng (xã Hướng Phùng), chợ Khe Sanh (thị trấn Khe Sanh), chợ Tân Long (xã Tân Long), chợ Tân Lập (xã Tân lập), chợ Ba Tầng (xã Ba Tầng), chợ Hướng Việt (xã Hướng Việt) và chợ Tân Phước (thị trấn Lao Bảo).

Thưởng thức cà phê vợt giữa chợ Phùng Hưng

Hoài Hương |

Đang lang thang giữa chợ Phùng Hưng, một ngôi chợ của người Hoa ở Quận 5, TP. Hồ Chí Minh thì được mời uống cà phê. Phản ứng đầu tiên của tôi là từ chối vì thưởng thức cà phê không thể ở giữa chợ, xung quanh là khung cảnh rộn ràng của người mua kẻ bán. Vậy nhưng hương cà phê tỏa ra ngào ngạt đã khiến bước chân dừng lại. Từ đó, câu chuyện về thương hiệu cà phê của một gia đình người Hoa vỡ vạc với bao điều thú vị.

Tín hiệu mới từ mô hình chợ phiên biên giới Lao Bảo

Yên Mã Sơn |

Những tuần vừa qua, phố núi Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã nhộn nhịp hơn bởi một sản phẩm du lịch vừa được hình thành: Chợ phiên biên giới mang đậm văn hóa Việt-Lào. Sau 5 phiên thí điểm, chợ phiên biên giới đã để lại dư âm và ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Nhưng để chợ trở thành một địa chỉ truyền thống có tầm ảnh hưởng chung trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây thì cần có một cơ chế pháp lý đặc thù để duy trì.

Đề xuất đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng chợ phiên Lao Bảo

Ngọc Trang |

Thực hiện kế hoạch của UBND huyện Hướng Hóa về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, UBND thị trấn Lao Bảo đã tổ chức 5 phiên chợ biên giới vào Thứ 7 hằng tuần, thu hút số lượng khá lớn khách du lịch đến với địa phương, để lại dấu ấn về bản sắc văn hóa, du lịch miền biên giới.