Tôn vinh, phát huy giá trị di sản Nguyễn Hoàng

Nguyễn Hoàn |

2023 là năm kỷ niệm 465 năm Chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (1558 - 2023) và 410 năm ngày mất của Chúa Nguyễn Hoàng 20/7 (1613 - 2023). Đây là một sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm của cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế và các nước. Trước sự kiện quan trọng này, có hai việc chính cần phải làm, đó là tổ chức các hoạt động kỷ niệm tương xứng với vai trò, công lao của Chúa Nguyễn Hoàng trong lịch sử đất nước và thúc đẩy việc phát huy giá trị di sản Nguyễn Hoàng.


Thực hiện đổi mới tư duy sử học, việc đánh giá lại về các Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn, đặc biệt, trong đó có Chúa Nguyễn Hoàng đã được giới sử học nhiều năm qua dày công thực hiện, trên tinh thần xem xét khách quan, toàn diện, tôn trọng sự thật lịch sử. Vai trò, công lao của Chúa Nguyễn Hoàng đã được khẳng định, tôn vinh.

Nhân kỷ niệm 450 năm Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở cõi (1558 - 2008), UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” trong 2 ngày 18 và 19/10/2008.

Chính quyền xã Triệu Giang cùng người dân làng Trà Liên tham gia rước tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ -Ảnh: TÚ LINH
Chính quyền xã Triệu Giang cùng người dân làng Trà Liên tham gia rước tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ -Ảnh: TÚ LINH

Hội thảo đã đề cập đến ba nội dung chính: Thời kỳ Chúa Nguyễn, thời kỳ Vương triều Nguyễn thế kỷ XIX, nhân vật lịch sử và di sản văn hóa. Đề cập đến thời kỳ Chúa Nguyễn, hội thảo có nhiều tham luận nêu bật vai trò, công lao của Chúa Nguyễn Hoàng trong việc trấn nhậm Thuận Quảng, mở mang bờ cõi, phát triển Đàng Trong.

Hội thảo trên tại tỉnh Thanh Hóa là hội thảo tổng quan về Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, dù có đề cập đến Nguyễn Hoàng nhưng chưa phải là hội thảo chuyên đề về Nguyễn Hoàng.

Đến dịp kỷ niệm 455 năm Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở cõi (1558 - 2013), UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng” ngày 25/9/2013, đây mới chính là hội thảo chuyên đề đánh giá sâu về vai trò, công lao của Nguyễn Hoàng.

Hội thảo tập trung đề cập ba nội dung chính: Quê hương, thân thế và sự nghiệp Chúa Nguyễn Hoàng; Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị; tư liệu, di tích và phát huy di sản thời Chúa Nguyễn Hoàng.

Đánh giá công lao sự nghiệp của Nguyễn Hoàng, bài tổng kết hội thảo này của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khẳng định: “Nguyễn Hoàng là người khởi nghiệp, trong một thời gian ngắn đã biến đất Thuận Hóa, Quảng Nam thành cơ ngơi, thành bàn đạp cho toàn bộ sự nghiệp phát triển của vùng Đàng Trong”, “Chính Nguyễn Hoàng và các Chúa Nguyễn từ năm 1611 đến năm 1757 đã vẽ xong phần cuối để hoàn thành toàn bộ bản đồ lãnh thổ quốc gia.

Trong một thời gian ngắn mà làm được một việc như vậy là cực kỳ lớn lao, vĩ đại”, Nguyễn Hoàng “xứng đáng là một anh hùng mở cõi vĩ đại” (GS Phan Huy Lê - PGS TS Đỗ Bang đồng chủ biên, Nguyễn Hoàng - Người mở cõi, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 533, 537, 538).

Có thể nói, hội thảo năm 2013 về Chúa Nguyễn Hoàng đã tạo ra một dấu mốc mới, một bước ngoặt mới trong nghiên cứu, đánh giá về Chúa Nguyễn Hoàng và đưa ra những gợi mở có tính chiến lược, dài hạn về khai thác, phát huy di sản của Chúa Nguyễn Hoàng.

Từ đó, năm 2016, UBND huyện Triệu Phong đã chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học “Luận chứng khoa học lịch sử xác định vị trí 3 thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Cát Dinh và khoanh vùng bảo vệ phục vụ quy hoạch các di tích lịch sử văn hóa thời Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong”.

Một cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ Lỵ sở Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) thuộc nhiệm vụ của đề tài này đã được thực hiện.

Kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ được Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Triệu Phong công bố sơ bộ cho thấy tại các điểm khai quật có sự góp mặt của nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc la thành, có những hiện vật chứng minh là nơi sầm uất, tụ cư đông đúc.

Trên cơ sở tiếp nhận kết quả của các hội thảo, nhất là lần hội thảo tại Quảng Trị năm 2013, các kết quả nghiên cứu khoa học, công trình “Địa chí Quảng Trị” do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo thực hiện, NXB Thuận Hóa, Huế xuất bản năm 2022 đã có thêm căn cứ khoa học để đánh giá, khẳng định đúng tầm về vị trí, vai trò của mảnh đất Quảng Trị - đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng và vai trò, công lao to lớn của Chúa Nguyễn Hoàng đối với đất nước: “Đất Ái Tử/ Trà Bát/ Cát Dinh của Quảng Trị trở thành thủ phủ của nhà chúa trong suốt thời gian dài 68 năm, nhận lấy sứ mệnh ươm mầm, dung dưỡng cho một xu thế lịch sử mới” (tr. 461) .

“Với việc dùng địa bàn Quảng Trị làm đất bản bộ trong tiến trình ổn cố và mở mang lãnh địa của mình, Chúa Nguyễn Hoàng đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử đất nước. Ông là người khởi đầu cuộc mở rộng biên cương lớn nhất trong lịch sử về phía Nam. Có thể nói rằng, nếu không có việc Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa vào năm 1558 thì lịch sử có thể đã diễn ra theo một chiều hướng khác” (tr. 464).

Các căn cứ khoa học đã “mở đường” cho các căn cứ pháp lý của việc bảo tồn, tôn tạo các di tích liên quan đến Chúa Nguyễn Hoàng, phát huy giá trị di sản Nguyễn Hoàng. Ngày 20/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL về xếp hạng di tích quốc gia cho di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Ngày 17/7/2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 1812/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục dữ liệu về địa danh và danh nhân để đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó, ở danh mục tên danh nhân tiêu biểu, số thứ tự 158, có tên danh nhân Nguyễn Hoàng, với những dòng nhận định chung: “Vị chúa đầu tiên khai lập nên triều đại Nguyễn, đóng thủ phủ ở Ái Tử - Trà Bát - Quảng Trị, có công lớn mở mang Đàng Trong”. Ngày 29/1/2019, UBND huyện Triệu Phong đã tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia cho di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626).

Sau khi di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) được công nhận là di tích quốc gia, khâu đầu tiên đang được khởi động đó là lập quy hoạch. UBND tỉnh có Công văn số 3963/ UBND-KGVX ngày 17/8/2022 giao UBND huyện Triệu Phong tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) huyện Triệu Phong, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích và Kiến trúc cảnh quan (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đơn vị tư vấn lập hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch đã xác định 2 mục tiêu chính, đó là bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phát huy giá trị di tích vào phát triển KT-XH của huyện Triệu Phong nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung, nhất là phát triển du lịch.

Phạm vi nghiên cứu và quy mô nghiên cứu lập quy hoạch tại các xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử với diện tích 513 ha. Phạm vi quy hoạch và quy mô quy hoạch có diện tích 33,34 ha, trong đó khu vực bảo vệ di tích là 9,95 ha, khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích là 23,38 ha. Ý tưởng quy hoạch là hình thành 2 khu vực: khu vực di tích và khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích. Đối với khu vực di tích, lựa chọn những điểm di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và có tương đối đầy đủ các căn cứ (tư liệu lịch sử, báo cáo khảo cổ học…) để phục hồi nhằm thấy được quy mô trước đây và tái hiện đại bản doanh của Chúa Nguyễn Hoàng.

Tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ -Ảnh: YẾN THỌ
Tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ -Ảnh: YẾN THỌ

Giải pháp bảo tồn dự kiến cho 10 địa điểm của di tích: Địa điểm Dinh Ái Tử là điểm chính, vùng lõi sẽ phục dựng kiến trúc, bảo tồn các dấu tích còn lại; địa điểm Dinh Cát sẽ khảo cổ bổ sung, phục dựng kiến trúc, bảo tồn các dấu tích còn lại; địa điểm Ghềnh Phủ sẽ phục hồi; địa điểm Miếu Trảo Trảo phu nhân sẽ phục dựng kiến trúc; các địa điểm còn lại gồm: Mô Súng, Cồn Tập, Tàu Tượng, Chợ Hôm, Dinh Trà Bát, Bãi Trận sẽ tôn tạo, dựng bia di tích.

Đối với khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích, đơn vị tư vấn xác định lấy theo trục sông Thạch Hãn với điểm bắt đầu kéo từ di tích Dinh Ái Tử - Chợ Hôm đến Dinh Trà Bát - Dinh Cát - Ghềnh Phủ, chia làm 3 không gian: không gian lễ hội, không gian tưởng niệm và không gian kết nối.

Không gian lễ hội là nơi tổ chức định kỳ lễ hội tôn vinh công lao của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các Chúa Nguyễn, các lễ hội của địa phương, nơi đây có quảng trường, tượng đài Chúa Nguyễn Hoàng, Bảo tàng lịch sử thời Chúa Nguyễn. Không gian tưởng niệm là nơi xây dựng các công trình tri ân như Đền thờ Chúa Nguyễn Hoàng và các Chúa Nguyễn, phối thờ Nguyễn Kim (cha của Nguyễn Hoàng), Nguyễn Ư Dĩ (cậu ruột của Nguyễn Hoàng) và các bậc khai quốc công thần, Đền thờ Nguyễn Ư Dĩ (đền thờ này đã được xã Triệu Giang xây dựng trên đất di tích, khánh thành ngày 11/10/2022), phục dựng Miếu Trảo Trảo phu nhân…

Không gian kết nối nằm ở vị trí dọc sông Thạch Hãn, kết nối không gian lễ hội và không gian tưởng niệm. Trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện Triệu Phong sẽ tổ chức triển khai lập, trình duyệt đồ án quy hoạch theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Vấn đề đặt ra là phải có một quy hoạch xứng tầm, với các không gian đảm bảo quy mô kiến trúc, cảnh quan và có sự gắn kết hợp lý với nhau. Chẳng hạn, không gian nơi đặt tượng đài Chúa Nguyễn Hoàng phải đắc địa, bề thế và có sự gắn kết hợp lý với không gian xây dựng Đền thờ Chúa Nguyễn Hoàng.

Bảo tàng lịch sử thời Chúa Nguyễn phải tính toán quy mô trưng bày tương xứng, bao quát được lịch sử của thời kỳ này như quá trình dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi ở Thuận Quảng, sự nghiệp xây dựng và phát triển Đàng Trong của các Chúa Nguyễn, việc mở mang giao thương với Nhật Bản và các nước, việc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… và phải ứng dụng công nghệ bảo tàng số, triển lãm số…

Trong việc phục dựng kiến trúc của di tích, do di tích cũ hầu như không còn, cần dựa vào các tư liệu gốc (ví dụ hình ảnh về Miếu Trảo Trảo phu nhân còn giữ được), các kết quả khảo cổ học và các tư liệu liên quan tương tự.

Đối với không gian kết nối, cần tính toán đảm bảo kết nối hợp lý không gian lễ hội với từng điểm nhấn của không gian tưởng niệm, khi tổ chức các sự kiện. Chẳng hạn, khi làm lễ hội phải kết nối không gian lễ hội với các điểm như Đền thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, Miếu Trảo Trảo phu nhân... vì những nơi này sẽ có các hoạt động dâng hương, thăm viếng, diễn xướng, nối cầu truyền hình với sân khấu chính của lễ hội.

Song song với việc bảo tồn, tôn tạo di tích xứng tầm, để phát huy đầy đủ giá trị di sản Nguyễn Hoàng, cần chú trọng truyền thông, quảng bá về các di tích, di sản Nguyễn Hoàng thông qua báo chí, thông tin đại chúng, thuyết minh du lịch…, đặc biệt là xây dựng các câu chuyện kể “nhiệm màu” như chuyện dân dâng 7 vò nước cho Nguyễn Hoàng, chuyện nữ thần Trảo Trảo phu nhân giúp Nguyễn Hoàng đánh giặc, chuyện giữ gìn báu vật tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ…

Trong di tích có cái bảo tồn, tôn tạo, tức là cái truyền đời (di) và có những sự tích hấp dẫn (tích), cần quảng bá cả phần “di” và phần “tích” để thấy được toàn bộ giá trị sống động của di tích, di sản.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng

Lưu Hương |

Việc ma nhai được công nhận là di sản cấp khu vực không chỉ giúp nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn mà còn hứa hẹn thu hút khách du lịch đến với danh thắng. TP. Đà Nẵng sẽ cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, góp phần lan tỏa và phát huy giá trị di sản quý giá này đến người dân, du khách trong và ngoài nước.

Chiêm ngưỡng di sản thế giới đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng

Quốc Cường - Thiên Duyên |

Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, lập và trình hồ sơ, hệ thống ma nhai (văn tự khắc trên vách đá) tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phát huy giá trị di sản và văn hóa từ nữ sĩ Hồ Xuân Hương

PV |

Ngày 3/12, tại thành phố Vinh (Nghệ An), tỉnh Nghệ An phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772- 1822) – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản.

Tiếp nhận nhiều hiện vật lịch sử từ Mỹ nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam

PV |

Không chỉ trao trả, tiếp nhận 10 hiện vật quý có giá trị sử, hai bên cũng xây dựng các quy chế nhằm tạo điều kiện hồi hương thuận lợi cho các hiện vật, cổ vật trong tương lai.