Những năm qua, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có nhiều chuyển biến tích cực. Đầu tư tư nhân, đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước chiếm tỉ trọng cao trong đầu tư phát triển trên địa bàn huyện.
Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết, điểm nhấn trong thu hút đầu tư của huyện thời gian qua đó là đã góp phần hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng kinh phí trên 92 tỉ đồng. Trong đó phải kể đến Nhà máy chế biến và bảo quản nông sản của Công ty TNHH My Anh tại Khu công nghiệp Tân Thành với tổng mức đầu tư 34,553 tỉ đồng; xưởng cưa xẻ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng của Công ty TNHH Nguyên Block tại Cụm công nghiệp Hướng Tân với tổng mức đầu tư 7 tỉ đồng. Các nhà máy sản xuất săm lốp ô tô, xe máy Camel, Nhà máy sản xuất nước tăng lực Supe Horse, gạch tuynel, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa… và một số doanh nghiệp khác đang sản xuất ổn định và ngày càng gia tăng năng suất, giá trị sản phẩm.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của huyện Hướng Hóa đạt 11.559,47 tỉ đồng; bình quân hằng năm đạt 1.860,29 tỉ đồng; trong đó năm 2020 tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 5.000 tỉ đồng, tăng 515,19 % so với năm 2016.
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư các dự án điện gió, thủy điện trên địa bàn với tổng mức đầu tư 25.104 tỉ đồng. Trong đó 2 dự án điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 đã đi vào hoạt động với tổng công suất 60 MW. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn khởi công và chuẩn bị đầu tư các công trình điện gió tại các xã Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Húc, các công trình thủy điện tại xã Hướng Sơn, Hướng Phùng. Dự án thủy điện Khe Nghi đi vào hoạt động góp phần mang lại giá trị sản xuất công nghiệp cao. Huyện cũng đã có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ theo hướng chế biến gắn với vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và thân thiện với môi trường.
Trên địa bàn huyện hiện có 15 cơ sở chế biến cà phê sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín, công nghệ chế biến tiên tiến (chế biến ướt, sử dụng máy phân loại màu để phân loại cà phê, máy rang xay cà phê công nghệ rang Hot Air điều khiển tự động); hệ thống xử lý nước thải sau xử lý đạt loại B, khí C02 thu được dùng để đốt lò sấy bột sắn, vỏ cà phê được đưa vào sản xuất phân bón vi sinh. Các dự án này đã góp phần đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, nhìn chung môi trường đầu tư ở Hướng Hóa ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư triển khai thuận lợi. Công tác cải cách hành chính được chú trọng. Hoạt động của bộ máy nhà nước ngày càng hoàn thiện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các quy trình thủ tục hành chính đã ban hành. Chú trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ hành chính công của chính quyền các cấp. Huyện cũng đã rà soát cải tiến bộ thủ tục hành chính phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục về đất đai cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Công khai, minh bạch hóa thông tin cho tổ chức, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thông tin để hiểu rõ hơn chiến lược, định hướng và kế hoạch đầu tư phát triển của huyện.
Có thể thấy, việc áp dụng cơ chế “một cửa liên thông” đã tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp về các thủ tục đầu tư vào địa bàn huyện. Thông qua cổng thông tin điện tử của UBND huyện, các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính và bộ phận “một cửa”, các thông tin được niêm yết công khai và minh bạch tại công sở cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp về quy hoạch, kế hoạch trung hạn phát triển kinh tế- xã hội huyện Hướng Hóa giai đoạn 2016 - 2020 để các doanh nghiệp nghiên cứu các dự án đầu tư trên địa bàn. Tạo điều kiện về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND huyện và UBND xã, thị trấn cho các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư và đầu tư trên địa bàn huyện triển khai thực hiện. Kịp thời giải quyết những vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trong thu hút đầu tư, Hướng Hóa có nhiều lợi thế do có diện tích tự nhiên lên đến trên 115.000 ha, đất ba dan rộng lớn, màu mỡ, thời tiết, khí hậu ôn hòa rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông- lâm nghiệp. Hướng Hóa có tuyến Quốc lộ 9 đi qua, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây nối Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tài nguyên rừng và khoáng sản phong phú, có tiềm năng khai thác lâu dài. Nguồn nước dồi dào từ những con sông Sê băng hiêng, Sê Pôn, Rào Quán và hệ thống ao hồ, khe suối, nước ngầm với độ dốc cao cùng với lượng gió lớn, địa hình thoáng, địa bàn rộng, tạo điều kiện cho các công trình thủy lợi- thủy điện, điện gió xây dựng và vận hành hiệu quả.
Đặc biệt, những năm qua, ngành du lịch huyện Hướng Hóa đã có bước phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Huyện đã tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư phát triển du lịch. Hệ thống hạ tầng cơ sở lưu trú được duy trì, cải tạo và nâng cấp. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao. Các di tích lịch sử cách mạng quốc gia như Sân bay Tà Cơn; Nhà đày Lao Bảo; Cứ điểm xe tăng Làng Vây được tôn tạo, phục dựng. Xây dựng các điểm du lịch tâm linh như Bảo tháp Khe Sanh, Cao điểm 689... Nhờ đó, du lịch lịch sử và du lịch tâm linh tại huyện Hướng Hóa phát triển khá mạnh, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thăm viếng. Ngoài ra, các danh lam thắng cảnh đẹp ở Hướng Hóa như: Hệ thống thác nước ở xã Hướng Phùng, Tân Long, Hướng Việt; hệ thống hang động ở Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, suối Tà Đủ ở xã Tân Hợp; hồ Tân Độ... cũng đã dần trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, “cánh đồng điện gió” ở xã Hướng Linh và những vườn hoa tập trung, mô hình home stay dần hình thành ở một số địa phương trên địa bàn huyện cũng đang trở thành điểm đến của đông đảo du khách gần xa, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Đề cập đến lộ trình phát triển, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân chia sẻ thêm, mục tiêu đến năm 2025, Hướng Hóa sẽ ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu là điểm kết nối với tuyến giao thông huyết mạch quốc gia trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Tiếp tục thu hút đầu tư để có tổng số 50 dự án điện gió với công suất khoảng 2.000 MW đi vào hoạt động trên địa bàn. Xây dựng đường truyền tải điện 500 KV từ Hướng Hóa kết nối đường truyền tải 500 KV quốc gia. Khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương, tranh thủ nguồn lực đầu tư của Chính phủ và nguồn xã hội hóa nhằm phát triển Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo theo tiến trình xây dựng khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia, Khu thương mại xuyên biên giới Lao Bảo- Densavan. Thu hút đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ logistics xuyên biên giới gắn liền với định hướng phát triển đô thị Khe Sanh - Lao Bảo…
Huyện cũng sẽ đề xuất quy hoạch các điểm du lịch, các dự án đầu tư trên địa bàn huyện vào quy hoạch tỉnh. Chú trọng duyệt quỹ đất triển khai các dự án đầu tư trong quy hoạch sử dụng đất huyện thời kỳ 2021 - 2030. Thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tại ít nhất 5 điểm du lịch đã được tỉnh quy hoạch và theo đề xuất quy hoạch cấp tỉnh. Trong đó thu hút đầu tư khu du lịch thác Tà Puồng để tạo điểm nhấn du lịch trên địa bàn. Thu hút đầu tư vào khu du lịch sinh thái, các hạng mục công viên văn hóa thị trấn Lao Bảo, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nhà máy, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Đến năm 2030, Hướng Hóa định ra mục tiêu thu hút đầu tư xây dựng và khai thác các dự án trong Trung tâm thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan; xúc tiến đầu tư để hình thành Khu du lịch liên vùng Bắc Hướng Hóa, bao gồm thác Tà Puồng, thác Chênh Vênh, động Co Lum, động Brai, đèo Sa Mù, “cánh đồng điện gió” Hướng Linh, hồ Tân Độ. Thu hút đầu tư dự án trường học liên cấp phổ thông và bệnh viện đa khoa đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu thể thao liên hợp đạt tiêu chuẩn quốc gia. Hình thành khu sản xuất công nghệ cao chuyên canh các loài hoa, sản phẩm nông nghiệp sạch, cơ sở sản xuất liên kết vùng, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)