Từ đường mòn đến phố đi bộ Nguyễn Huệ

Yên Mã Sơn |

Ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) có một con phố nhộn nhịp, sầm uất, nổi tiếng nhất đô thị này nhưng ít ai biết, một phần tư thế kỷ trước, nơi này chỉ là con đường mòn với nhiều hố trâu đằm. Đó là phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Ký ức đường mòn…

Lịch sử của một con đường chưa bao giờ đại diện cho lịch sử của một vùng đất. Tuy nhiên những ai từng sinh ra, lớn lên ở vùng biên ải Lao Bảo, chắc sẽ thấy sự thay da, đổi thịt của quê hương qua hình hài của những con đường. Trong đó, con đường đi qua khu rừng vắng bóng người đầy gió bụi nay đã là đại lộ với những sắc hoa, cây xanh và siêu thị, khách sạn…

Trong ký ức của những người tiên phong đi đầu trong đợt tây tiến vào tháng 9/1975 lên vùng đất mới ở biên giới Việt – Lào đều nhớ rõ những ngày gian khó. Theo ông Đặng Quang Giải (75 tuổi, trú ở khóm Cao Việt, thị trấn Lao Bảo) cho biết, do đặc tính canh tác, sinh hoạt nên các tập đoàn sản xuất (lúc này gọi như vậy) chủ yếu sống dọc sông Sê Pôn. Nơi gần nguồn nước và đất đai phì nhiêu. Những ngày khai hoang lập nghiệp, có hai thứ ám ảnh người dân kinh tế mới này là tiếng bom nổ và tiếng kẻng. Bom đạn còn sót trong lòng đất nhiều vô kể, nên người dân làm nương rẫy gặp bom không may phát nổ là chuyện thường ngày. Cùng với đó là những đợt kẻng đột xuất vang lên loan báo. Lúc đó có thể là nhà tranh cháy, khiêng người cấp cứu do bom mìn nổ…

 
 
Mùa hoa chuông vàng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lao Bảo . Ảnh: Trường Sơn

Ông Giải cho biết, để đi từ các tập đoàn sản xuất ở Duy Tân, Cao Việt, Tân Kim… ra cửa khẩu nơi có QL9 huyết mạch phải băng qua con đường mòn giữa khu rừng rậm. Con đường này lác đác những hố trâu đằm và những khe nước cạn. Đi lại trên con đường này là nỗi ám ảnh của người dân.

Ký ức về con đường bụi đỏ xuyên qua khu rừng khi xưa là căn cứ, nơi đóng quân của Mỹ, ông Nguyễn Phi Bảo, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Lao Bảo, là công dân đầu tiên sinh ra tại vùng đất kinh tế mới Tân Phước (nay là Lao Bảo)- cho biết, khoảng những năm 1980-1990 thế kỷ trước, tuổi thơ đã đi chăn trâu, mỗi lần lùa trâu vào khu căn cứ là trâu bị lạc. Đó là một đồi đất cao có nhiều cây rậm rạp. Con đường nối từ các khóm dọc sông ra cửa khẩu phải đi qua căn cứ này. Mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi đỏ quánh. Đó là con đường mòn có nơi nhỏ bằng lối một người đi. Có lẽ vì dấu chân người còn thưa nên cỏ dại, tre nứa cứ thế mà vươn ra như muốn xóa mất con đường.

“Đến năm 1998, con đường này cũng không khác là bao. Nó thực sự được đánh thức, trở thành một con đường có giá đất đắt nhất nơi này sau khi hình thành khu thương mại Lao Bảo”, ông Bảo chia sẻ.

Du khách tham qua, trải nghiệm phố đi bộ Nguyễn Huệ lần đầu tiên tổ chức vào dịp 30/4 và 01/5/2023.
Du khách tham qua, trải nghiệm phố đi bộ Nguyễn Huệ lần đầu tiên tổ chức vào dịp 30/4 và 01/5/2023.
Du khách tham qua, trải nghiệm phố đi bộ Nguyễn Huệ lần đầu tiên tổ chức vào dịp 30/4 và 01/5/2023.
Du khách tham quan, trải nghiệm phố đi bộ Nguyễn Huệ lần đầu tiên tổ chức vào dịp 30/4 và 01/5/2023. Ảnh: Phan Bảo Phú

… đến Phố đi bộ Nguyễn Huệ

Tháng 11/1998, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định số 219/1998/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo (Gọi chung là Khu Thương Mại Lao Bảo). Đây là dự án được ra đời dựa trên chính sách nâng cao quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Lào, củng cố mối quan hệ đồng minh trên cơ sở thiết lập một khu vực phát triển kinh tế chung, được phép áp dụng các chính sách ưu đãi đặc thù như chính sách về thuế nhập khẩu, chính sách về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp... Khu Thương Mại Lao Bảo được coi là tiền thân của Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo về sau. 

Sau khi được thành lập, hệ thống hạ tầng, đường sá ở thị trấn Lao Bảo và một số địa phương nằm trong khu thương mại được quy hoạch, đầu tư bài bản. Ông Nguyễn Vũ Ái, nguyên Chủ tịch xã Tân Phước (nay là thị trấn Lao Bảo), nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Ban quản lý khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị tại khu thương mại Lao Bảo, nhớ lại: Có một sự “lột xác” sau khi hình thành khu thương mại Lao Bảo. Vùng đất phía Tây Bắc thị trấn trước đây là rừng rậm nay biến thành trung tâm mua bán, cơ sở hạ tầng đồng bộ. Chỉ trong vài năm, hệ thống siêu thị, khách sạn, trung tâm thương mại mọc lên đẩy lùi sự hoang vắng.

 
Ẩm thực Lào tại phố đi bộ Nguyễn Huệ- Lao Bảo 

Giờ đây đi trên những con đường như Nguyễn Huệ, Trần Phú, Lý Thường Kiệt… ở thị trấn Lao Bảo, ai đã từng sống qua ngày tháng khai hoang mở đất mới thấy sự thay đổi thần kỳ của vùng đất này. Đường Nguyễn Huệ đoạn qua khóm An Hà nay là trung tâm mua bán sầm uất cả ngày lẫn đêm của thị trấn vùng biên. Con đường này đi qua trụ sở ủy ban nhân dân, khi xưa là căn cứ, là tọa độ đánh bom; đi qua công viên với hệ thống cây xanh và cảnh quan ra dáng một đô thị tầm vóc. Con đường Nguyễn Huệ và công viên Lao Bảo với bốn mùa hoa thắm. Hoa Osaka, mai Lào, hoa giấy, chuông vàng… làm nên xứ sở của mùa hoa biên giới.

Theo ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, tháng 4 năm 2023 vừa rồi, được sự đồng ý của UBND huyện Hướng Hóa, thị trấn Lao Bảo đã tổ chức thí điểm phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ. Đoạn đường khoảng nửa cây số đã thu hút hàng ngàn lượt người tham quan, mua sắm và vui chơi. “Phố đi bộ”, nơi có vẻ như chỉ có ở các thành phố và trung tâm lớn nay hiện diện và được người dân, du khách hưởng ứng tại nơi biên ải của tổ quốc. “Chúng tôi đã nỗ lực hết mình và rất tâm huyết để tổ chức sự kiện phố đi bộ Nguyễn Huệ. Người dân địa phương đã đồng lòng ủng hộ, hưởng ứng một cách đầy tâm huyết, trách nhiệm với quê hương. Sắp tới, phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ được tổ chức nhân dịp đón chào năm mới 2024; hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn bởi các chương trình nghệ thuật đường phố, ẩm thực phong phú. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tổ chức thường xuyên hơn để sản phẩm phố đi bộ Lao Bảo trở thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch ở các địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch như chủ trương lấy ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Hướng Hóa và phát triển kinh tế đêm như đề án phát triển kinh tế đêm của tỉnh Quảng Trị”, ông Lê Bá Hùng cho biết.

Nét đặc sắc của phố đi bộ Lao Bảo là sự giao thoa văn hóa Việt- Lào rất đậm nét. Khách phương xa không cần bước chân qua đất Lào nhưng đến phố đi bộ này cũng có thể thưởng thức những điệu múa từ người dân các bộ tộc Lào. Ngoài ra họ cũng có thể trải nghiệm, chiêm ngưỡng các điệu múa từ đồng bào dân tộc thiểu số bản địa như Pa Cô, Vân Kiều. Tại đây du khách cũng có thể thưởng thức các món ăn do người Lào chế biến, uống rượu cần và cùng múa điệu Lăm Vông của đất nước Triệu Voi. Như anh Lê Văn Thành, một du khách đến từ thành phố Đà Nẵng đã ngạc nhiên nói với tôi khi tham quan phố đi bộ lần đầu tiên, rằng ở một thị trấn biên ải xa xôi mà tổ chức được sự kiện hoành tráng, có sức hút như này thật đáng nể. “Chúng tôi may mắn khi được chìm đắm trong không gian này, không cần xuất ngoại cũng có thể nắm tay những cô gái Lào cùng nhảy ở một góc phố ở Lao Bảo. Nếu phố đi bộ Lao Bảo trở thành một sản phẩm du lịch được tổ chức thường xuyên, tôi nghĩ nó rất xứng đáng để khách phương xa bỏ công đi dự”, anh Thành chia sẻ.

Văn nghệ đường phố mang bản sắc văn hóa biên giới ở phố đi bộ Nguyễn Huệ- Lao Bảo.
Văn nghệ đường phố mang bản sắc văn hóa biên giới ở phố đi bộ Nguyễn Huệ- Lao Bảo.
Văn nghệ đường phố mang bản sắc văn hóa biên giới ở phố đi bộ Nguyễn Huệ- Lao Bảo.

Những ngày này, chính quyền địa phương cũng như người dân đang gấp rút chuẩn bị cho sự kiện phố đi bộ lần hai. Ông Lê Bá Hùng phấn khởi cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ không ngừng làm mới các chương trình để du khách không nhàm chán. Với lợi thế về vị trí địa lý nằm đầu cầu trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông- Tây (EWEC), đô thị biên giới, nơi giao thoa văn hóa Việt – Lào, Phố đi bộ Lao Bảo không những là sân chơi cho du khách trong nước mà mà xa hơn nữa sẽ kéo du khách ở những nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Mianma… Tuy nhiên, về lâu dài, cần có kinh phí lớn để đầu tư bài bản, quy mô và chuyên nghiệp hơn”.

Tháng 11/2023, tỉnh Quảng Trị đã họp bàn về dự thảo Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Dự kiến kinh phí triển khai thực hiện Đề án này khoảng 14.796 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 101,4 tỉ đồng; vốn xã hội hóa khoảng 14.694,6 tỉ đồng. Trong đề án này, sẽ kêu gọi đầu tư trung tâm dịch vụ biên mậu cửa khẩu quốc tế Lao Bảo 1.000 tỉ đồng. Từ nay đến năm 2025, Quảng Trị thí điểm 3 - 4 phố đi bộ với các dịch vụ vui chơi giải trí, trình diễn văn hóa nghệ thuật, ẩm thực vùng miền tại TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thị trấn Lao Bảo.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lao Bảo sẽ tổ chức vào tết Dương lịch 2024

Trần Hà |

Ngày 16/11/2023, ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết, phố đi bộ Nguyễn Huệ- Lao Bảo sẽ được tổ chức vào dịp tết Dương lịch năm 2024.

Nước sông Đà cạn, người dân đi bộ được dưới đáy

Thanh Mai |

Khoảng một tháng nay, lưu lượng dòng chảy sông Đà xuống thấp, đoạn chảy qua thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, chỉ còn lại một mạch nước.

Lung linh sắc màu Phố đi bộ Lao Bảo

Bảo Phú |

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) ngày thứ 2 đi vào hoạt động đã gây ấn tượng cho hàng ngàn khách tham quan bởi không gian văn hoá, ẩm thực phong phú, đa dạng.

Hàng ngàn người tham gia phố đi bộ Lao Bảo

Yên Mã Sơn |

Tối 28/4 tại thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã diễn ra Lễ khai mạc phố đi bộ Nguyễn Huệ.