Huế sẽ có thêm một bảo tàng tư nhân mang tên là “Bảo tàng sông Hương”, với hơn 7.000 hiện vật gốm được trục vớt từ dưới lòng sông Hương trong hơn 30 năm qua. Chủ nhân của bảo tàng là một phụ nữ Huế đã và đang giảng dạy Triết học ở Đức: GS.TS Thái Kim Lan.
Cổ vật dòng Hương
Ở Huế có một đội ngũ khá hùng hậu, chuyên làm một nghề không giống ai là lặn trục vớt cổ vật, chủ yếu là đồ gốm bị vùi lấp dưới lòng sông Hương qua các thời kỳ. Và điểm đến của những cổ vật này chủ yếu là một vài nhà sưu tập có đam mê cũng không giống ai ở Huế, như cố nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan hay GS Thái Kim Lan - một Việt kiều đi đi về về giữa Huế và Đức để giảng dạy Triết học và Phật học. Cái duyên dẫn GS Thái Kim Lan đến với đồ gốm dưới lòng Hương, bắt đầu từ một buổi chiều của 30 năm trước...
“Trong lúc cùng anh trai là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá đi dạo trên đường Trần Hưng Đạo, tôi nhìn thấy nhiều người xếp bán những cái hũ, bình bằng gốm, sành sứ trên vỉa hè. Hỏi ra mới biết tất cả được vớt lên từ lòng sông Hương. Tôi quá bất ngờ và bị mê hoặc. Không ngờ sông Hương có nhiều hiện vật với rất nhiều giai đoạn lịch sử. Niềm đam mê cổ vật sông Hương của tôi bắt đầu từ đó...”, bà Lan nhớ lại.
Cứ thế, những hiện vật được bà cùng anh trai mua khi thì ở vỉa hè Trần Hưng Đạo, khi thì tận tay của những người chuyên lặn cổ vật ở sông Hương, khi thì của những nhà sưu tập như từ gia đình cố nhà nghiên cứu Hồ Tân Phan sau khi ông qua đời. Đến nay, GS Thái Kim Lan sở hữu hơn 7.000 hiện vật.
Với những gì đang có, GS Thái Kim Lan chưa thấy con sông nào có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả không gian lẫn thời gian như thế. Tất cả được chứng minh khi những hiện vật có từ thời tiền, sơ sử cho đến giai đoạn Chăm Pa và văn hoá Đại Việt trở về sau. GS Thái Kim Lan đinh ninh, mỗi hiện vật thường gắn với một giai đoạn và người sở hữu nên chắc chắn chúng có linh hồn.
“Nó chất chứa nếp sống, cảm xúc và sự sáng tạo của con người. Tất cả hình thành nên một đời sống, tập thể trong xã hội vào thời điểm nhất định”, bà Lan lý giải và khẳng định nhờ đó đã tạo nên sự riêng biệt với những nền văn hoá khác trên thế giới.
Bảo tàng sông Hương
Từ 3 năm trước, GS Thái Kim Lan quyết định xây dựng một bảo tàng có tên là “Bảo tàng sông Hương” ngay tại từ đường tổ tiên ở thượng nguồn sông Hương (số 120 Nguyễn Phúc Nguyên), biến nơi này trở thành không gian văn hoá kể câu chuyện về sông Hương.
“Mọi người sẽ được ngắm sông Hương trước, rồi khi vào bên trong, xem những hiện vật được vớt lên từ chính lòng sông ấy, họ sẽ hiểu và trân quý văn hoá, lịch sử mà ngàn xưa để lại”, bà Lan hình dung.
Để hình thành được một bảo tàng là chuyện không hề đơn giản, trải qua rất nhiều công đoạn. Trong đó, việc phân loại và hệ thống hoá khối di sản, hiện vật cần rất nhiều thời gian, phải có sự đánh giá khoa học, tỉ mỉ và chính xác. Và TS Nguyễn Anh Thư đến từ Khoa Di sản văn hoá - Đại học Văn hoá Hà Nội được GS Thái Kim Lan tin tưởng giao đảm nhận phần việc quan trọng này.
Theo TS Nguyễn Anh Thư, dù mất nhiều thời gian, nhưng với số lượng hiện vật khổng lồ mà GS Thái Kim Lan đang sở hữu để tạo dựng Bảo tàng sông Hương không gặp nhiều khó khăn. Bởi “tất cả các hiện vật đã thể hiện rất rõ nét, việc bây giờ cần làm đó là chọn lọc và trưng bày những hiện vật tiêu biểu trong số đó để người thưởng lãm có thể hình dung theo từng giai đoạn của dòng chảy sông Hương”, TS Nguyễn Anh Thư nói.
Cũng theo TS Nguyễn Anh Thư: “Bên cạnh không gian đường gốm từ cổng dẫn vào vườn, bên trong không gian chính sẽ được trưng bày, chia theo 4 nhóm hiện vật: Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, gốm nước ngoài (Nhật Bản, Trung Quốc…). Tôi nghĩ với cách trưng bày như thế, cơ bản phản ánh đúng, khớp với dòng chảy lịch sử vùng đất Cố đô Huế”.
Ngoài xúc tiến các phần việc liên quan đến bảo tàng, GS Thái Kim Lan và TS Nguyễn Anh Thư đang lên kế hoạch viết một cuốn catalogue với nhiều ngôn ngữ khác nhau để giới thiệu, quảng bá những hiện vật của Bảo tàng sông Hương. Trong tương lai, dựa trên nền tảng trưng bày sẵn có, nếu được sẽ tính tới câu chuyện số hoá, bảo tàng ảo.
“Hàng nghìn hiện vật gốm sứ vớt từ dòng sông Hương đã tạo nên hình hài, phản chiếu được lịch sử của vùng đất. Những hiện vật ấy sẽ tự thân kể câu chuyện về nó, giúp chúng ta hiểu hơn giá trị văn hoá, lịch sử vùng đất này”, GS Thái Kim Lan chia sẻ.
(Nguồn: Báo Lao Động)