Về nơi “mùa mưa nước cạn, mùa hạn nước đầy”

Đào Tâm Thanh |

Ở một xứ “chân ruộng, chân cát” giữa vùng trũng Hải Lăng (Quảng Trị) lại giữ được cho mình một khu rừng nguyên sinh quý hiếm, nơi mà khi vào mùa mưa trắng đất mất đồng thì luôn duy trì một độ ẩm cần thiết, nhưng khi bước vào mùa hạn hán khắc nghiệt, những khe nước lại dâng đầy chia sẻ, miệt mài tưới tắm cho ruộng vườn. Điều khác biệt này chỉ có ở làng Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, nơi gắn với hiện tượng thiên nhiên kỳ thú: “mùa mưa nước cạn, mùa hạn nước đầy”…

Miền no ấm

Qua cổng làng Đông Dương hoành tráng, vững chãi, nổi bật trên vùng đồng lồng lộng gió, chúng tôi hướng theo con đường thẳng tắp để vào làng. Đồng làng đang kỳ nghỉ ngơi, đất sẫm màu trong mực nước xăm xắp nên cả vùng quê xanh mướt hiện lên nổi bật, đẹp như một bức tranh làng quê mùa no ấm.

Trò chuyện với chúng tôi sau cuộc hội ý với các cán bộ chủ chốt của địa phương bàn chuyện chuẩn bị đón Tết Quý Mão, Giám đốc Hợp tác xã Đông Dương Phan Văn Quang không giấu được sự tự hào: “Đông Dương quê tôi là một ngôi làng đặc biệt. Sau ngày quê hương được giải phóng, đường đi lối lại, bát cơm manh áo còn khó khăn lắm. Đôi chân người vẫn phải bám trên những trảng cát trắng phớ, một mét bê tông cũng không có trong làng, nói chi ngoài đồng ruộng. Nhưng cũng chỉ chưa đến một thập kỷ, quê tôi đã từng bước khởi sắc.

Tuy địa thế không mấy thuận lợi, vừa chân đồng, chân đồi, chân cát, lại ở vùng thấp trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt, nhưng do biết cách tổ chức sản xuất, người dân cần cù chịu khó, sáng tạo trong thâm canh cây lúa, cây màu, lại được thiên nhiên ban tặng cho khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi bảo bọc cho làng nên cuộc sống của người dân bao đời nay vẫn luôn được bình an, hiện đang ngày càng ấm no, sung túc. Làng quê đã trở thành một trong những vùng trọng điểm sản xuất lúa của huyện Hải Lăng”…

Đường vào làng Đông Dương, xã Hải Dương, Hải Lăng - Ảnh: Đ.T
Đường vào làng Đông Dương, xã Hải Dương, Hải Lăng - Ảnh: Đ.T

Ông Quang còn cho biết thêm, toàn làng Đông Dương hiện có 260 hộ, 1.031 nhân khẩu. Hiện người dân canh tác trên 195 ha lúa, 2 vụ, với năng suất trung bình trên 65 tạ/ha/vụ. Vùng quê này cũng là nơi đi tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất rau màu trên cát với diện tích luân canh gieo trồng trên 50 ha.

Từ lâu, cây mướp đắng Đông Dương đã được người tiêu dùng biết đến bởi năng suất cao và chất lượng tốt do trồng trên cát, chăm sóc theo lối thủ công, hiện diện tích đã được mở rộng lên 11 ha. Ném, kiệu cũng là cây trồng được người dân quan tâm thâm canh gối vụ quanh năm.

Nhờ mở mang nhiều hướng trong sản xuất nông nghiệp, căn cơ từ sản xuất cây lúa, hoa màu đến chăn nuôi nên đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 53 triệu đồng/năm.

Rừng nguyên sinh quý hiếm trên cát

Điều đặc biệt ở làng Đông Dương là trải qua hàng trăm năm biến thiên, thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh và sự mưu sinh của con người, nhưng khu rừng tự nhiên trên vùng cát ở địa phương này vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý và chim muông đặc hữu.

Người làng Đông Dương cho biết, từ khi có làng, đã thấy có rừng trên cát bao bọc, vậy nên, người dân xem tuổi của rừng cũng là tuổi của làng hiện diện trên đất này; rừng cũng là “báu vật của làng” nên cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ.

Khi chúng tôi có mặt ở làng Đông Dương, đi chưa hết một vòng quanh làng đã chạm mé rừng với bạt ngàn màu xanh trên cát. Rừng ken dày tạo nên một tấm thảm thực vật vừa phong phú, đa dạng, vừa tạo một vùng phên dậu vững chắc cho làng.

Anh Hoàng Gia Linh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết, Đông Dương là vùng đồng bằng ven biển nên khu rừng trên vùng rú cát của làng có diện tích khoảng 70 ha, trong đó có trên 12 ha rừng tự nhiên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sản xuất, đời sống, môi trường sinh thái.

Đặc biệt, trong khu rừng tự nhiên này có sự hiện diện của nhiều loại cây quý và muông thú đặc thù vùng cát. Nằm xen kẽ giữa khu rừng có 2 đầm nước, đó là Đầm Lớn và Đầm Nhỏ cùng rộng hơn 6 ha, hình thành do lượng nước rỉ ra từ lòng đất.

Hai đầm này đã được xây dựng hệ thống để điều tiết lượng nước quanh năm. Về mùa mưa, nước chảy men theo con khe ra hướng biển nên không bao giờ bị ngập úng. Về mùa hạn, nước được giữ lại để giữ độ ẩm trong rừng và một phần theo con khe chảy xuyên qua khu rừng về tận làng, dẫn ra tưới mát ruộng đồng. Rú cát làng Đông Dương được gọi là nơi “mùa mưa nước cạn, mùa hạn nước đầy” là vậy.

Chung tay bảo vệ “báu vật của làng”

Theo chia sẻ của anh Hoàng Gia Linh, sở dĩ khu rừng vẫn còn nguyên vẹn như ngày nay là vì việc giữ rừng đã có hương ước và có cả tổ bảo vệ 5 người. Mỗi năm, người dân đóng góp 2 tấn lúa (tương đương 10 triệu đồng) để duy trì tổ bảo vệ rừng này.

Theo hương ước, nếu con cháu của gia đình nào vi phạm chặt cây rừng hoặc săn bắn thú sẽ bị phạt. Nếu gia đình các bậc cao niên có người vi phạm thì gia đình đó phải sửa soạn mâm cau trầu, rượu ra trước đình làng tạ tội. Các hành vi xâm hại rừng cũng sẽ bị nêu tên cho cả làng biết trên loa phóng thanh.

Ở Đông Dương, người dân rất kiêng kỵ mỗi khi bị triệu tập ra trước sân đình, vì thế việc xâm phạm rừng là điều hiếm khi xảy ra. Phạt tiền hay thóc thì người ta sẽ nộp rồi cũng dễ tái phạm nhưng phạt ra tạ tội trước làng thì người ta sẽ không quên.

Tuy nhiên, nếu không có sự đồng lòng của toàn dân làng thì khó mà giữ được rừng một cách vẹn nguyên. Khi sự đoàn kết, ý thức và niềm tự hào của người dân càng cao thì khu rừng sẽ mãi trường tồn.

Nhờ có độ ẩm quanh năm nên khu rừng Đông Dương đã duy trì, phát triển được nhiều loại cây gỗ quý, như: rõi (thuộc họ gỗ lim), đa cổ thụ, trầm ná (cùng họ gỗ chuồn), trâm bầu, trâm vang, mít nài, la lã, song mã, sân, si, cừa, lộc vừng...

Những cây này có đường kính phổ biến từ 30 cm đến 1,5 m, có độ tuổi hàng trăm năm. Có hơn 150 loại dược liệu, trong đó nhiều dược liệu quý có mặt ở khu rừng này. Bên cạnh đó, rừng còn là nơi trú ngụ của nhiều loài chim thú đặc hữu vùng cát, như: dông, tắc kè, thỏ, chồn, sóc, rắn các loại, gà đa, bìm bịp, cò, vạc...

Người làng Đông Dương ra sức bảo vệ rừng còn có lý do quan trọng là hàng ngàn ngôi mộ của các dòng họ con dân trong làng được an táng giữa rừng nguyên sinh Đông Dương, nơi được xem là “bất khả xâm phạm”.

Rừng giữ cho làng luôn được vững bền, người luôn giữ cho rừng để tồn tại, xanh tốt. Cả hai cùng là chỗ dựa của nhau, bình an vận động, phát triển.

Đó phải chăng là phương châm sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên của dân làng Đông Dương mà chúng tôi cảm nhận được khi về với miền quê ẩn chứa nhiều điều thú vị này…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khôi phục và phát triển ngành du lịch hiệu quả, thiết thực hơn

Phương Minh |

Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm tới 80%, tổng thu từ khách du lịch giảm đến 59% so với cùng kỳ năm 2019. 

Ngoại giao văn hóa đa phương giúp Việt Nam tỏa sáng ở diễn đàn UNESCO

PV |

Năm 2022 tiếp tục là một năm thành công về ngoại giao văn hóa trên quy mô đa phương và toàn cầu. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Paris đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), về những thành tựu đạt được trong năm qua.

5 thành phố của Việt Nam được báo nước ngoài lựa chọn là điểm đến không nên bỏ qua

Q.Huy |

Theo Drift Travel, TP.HCM, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Hà Nội là 5 điểm đến hàng đầu ở Việt Nam mà du khách không nên bỏ qua.

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Bảo Bình |

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô luôn được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang được định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.