Chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chủ động truyền thông mạnh mẽ về chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch “Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn”.
Việt Nam mở cửa du lịch từ ngày 15/3 với chính sách nhập cảnh thuận tiện tuy nhiên lượng khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn kỳ vọng và thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh tại Đông Nam Á.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã đón hơn 413.000 lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2022, con số này mới chỉ mới đạt khoảng 10% kế hoạch năm.
Qua một số khảo sát gần đây, Việt Nam đang vắng mặt trong danh sách những điểm đến yêu thích của nhiều thị trường, còn những điểm đến khác tại Đông Nam Á lại được nhiều du khách được lựa chọn. Cụ thể, các điểm đến phổ biến nhất gần đây của du khách Singapore là Malaysia, Thái Lan, Australia và Indonesia...
Trao đổi với VOV.VN, PGS.TS Phạm Hồng Long – Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết, ở thời điểm này lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều là do các thị trường gửi khách lớn đến Việt Nam trước đại dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Nga, Malaysia… đa số chưa mở cửa. Một vài thị trường đã mở cửa nhưng do tâm lý e ngại nên lượng khách du lịch đi nước ngoài nói chung và đến Việt Nam nói riêng chưa nhiều.
"Ngoài ra, có thể do nguyên nhân từ sự lạm phát giá cả toàn cầu do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine, làm du khách phải giảm hoặc thắt chặt mức chi tiêu và nhu cầu đi du lịch Việt Nam, đặc biệt là du khách đến từ Nga và các quốc gia châu Âu.
Tháng 3 cũng là thời điểm cuối vụ của khách quốc tế đến Việt Nam (thông thường cao điểm khách du lịch quốc tế là tháng 10 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau). Hơn nữa, các hãng lữ hành quốc tế thường đặt dịch vụ từ sớm (một vài tháng cho đến 1 năm), nên mở cửa vào ngày 15/3 cũng khó có thể đón được lượng khách quốc tế lớn ngay tại thời điểm mở cửa được", ông Long phân tích.
Ông Long nhận định, chỉ khi nào các thị trường nguồn mở cửa hoàn toàn trở lại thì tốc độ phục hồi của ngành du lịch Việt Nam mới có thể nhanh chóng được. Nếu không, ngành du lịch sẽ phục hồi khá chậm và Việt Nam cần phải tìm kiếm các thị trường thay thế để tăng tốc độ phục hồi của ngành.
Theo ông Long, thị trường Đông Nam Á vẫn là dòng khách tiềm năng nhất mà du lịch Việt Nam có thể tập trung thu hút, do khoảng cách về mặt địa lý, thuận tiện về giao thương, bên cạnh sự thông thoáng về mặt thủ tục xuất nhập cảnh (do họ được miễn thị thực).
Các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillipines đều là những quốc gia có dân số lớn và người ở những quốc gia này có nhu cầu đi du lịch ở các quốc gia lân cận như Việt Nam ngày càng gia tăng. Du khách từ Singapore và Campuchia vốn là những thị trường ổn định, đến với Việt Nam khá nhiều và chúng ta sẽ ngày càng thu hút họ hơn.
Đặc biệt ông Long cũng nhấn mạnh việc làm tốt công tác tổ chức SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5 tới đây sẽ cơ hội quảng bá tuyệt vời của du lịch Việt Nam tới thị trường khách Đông Nam Á.
"Các thị trường khách lớn như châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan), Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Đông cũng là thị trường tiềm năng du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác. Đối với các thị trường này, công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam cộng thêm những chính sách ưu tiên về miễn thị thực vẫn là “chìa khóa” để khách lựa chọn đi du lịch Việt Nam.
Du lịch Hà Nội khẩn trương chuẩn bị đón khách quốc tế dịp SEA Games 31VOV.VN - Là hoạt động thể thao lớn nhất Đông Nam Á, SEA Games 31 là dịp để Hà Nội - nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và rất nhiều môn thi đấu khẳng định thương hiệu điểm đến, nơi tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực".
Ông Long nói thêm: "Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cần chủ động truyền thông mạnh mẽ về chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch “Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn” (Live fully in Vietnam) tại các quốc gia này thông qua các cơ quan ngoại giao (Đại sứ quán, lãnh sự quán) và thông qua kết nối của các doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh du lịch đối với thị trường khách này.
Ở góc độ cầu du lịch, Việt Nam có thể thông qua các doanh nghiệp du lịch để đánh giá lại nhu cầu đi du lịch, thời điểm mong muốn du lịch, và khả năng chi tiêu của thị trường khách này khi đến Việt Nam, từ đó có những kế hoạch chuẩn bị chi tiết và chu toàn.
(Nguồn: Phụ nữ mới)