Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng ASEAN cần tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới và sửa đổi một số chính sách liên quan đến kết nối hàng không cũng như các chính sách thị thực.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh rằng nhiệm vụ rất quan trọng của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển và khai thác thị trường nội khối.
Ngày 5/2, phát biểu họp báo công bố kết quả Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN (M-ATM) lần thứ 26 và các hội nghị liên quan tại thành phố Yogyakarta của Indonesia, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng bên cạnh các thị trường truyền thống vừa trải qua khó khăn, ASEAN cần tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới và sửa đổi một số chính sách liên quan đến kết nối hàng không cũng như các chính sách thị thực.
Kêu gọi ASEAN tiếp tục triển khai các chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2016-2025 và điều chỉnh, cập nhật sau các Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định rằng văn hóa là “giá trị cốt lõi” của du lịch ASEAN và là yếu tố riêng giúp các nước trong khu vực thu hút du khách.
Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch Philippines Christina Garcia Frasco cho rằng các nước ASEAN gắn kết và hợp tác hiệu quả để cung cấp các gói du lịch thống nhất. Hội nghị cũng nhất trí tăng cường kết nối bằng cách xác định các sân bay quốc tế và sân bay phụ có thể được sử dụng để mở rộng các chuyến bay trực tiếp, không chỉ tới các điểm đến chính mà còn các điểm đến mới nổi.
Bà Christina cho hay Philipines sẽ hợp tác với các nước ASEAN khác để triển khai các chuyến bay này trong năm nay dưới hình thức chuyến bay thương mại hoặc chuyến bay thuê, không chỉ trong ASEAN mà còn tới các quốc gia khác ngoài khu vực, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bà Christina khẳng định rằng Manila hoàn toàn ủng hộ việc tự do hóa các chính sách thị thực và sự liền mạch trong việc cấp thị thực vào ASEAN, đồng thời sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN khác trong việc việc cung cấp các gói du lịch cho du khách từ khắp nơi trên thế giới, qua đó thúc đẩy phục hồi hậu đại dịch, không chỉ về số lượng, mà cả chất lượng.
Bà Juliana Kua, Giám đốc điều hành Tập đoàn Quốc tế thuộc Cơ quan Du lịch Singapore, cho rằng để phát triển du lịch bền vững trong toàn bộ khu vực, ASEAN cần thực sự có sự hiểu biết chung và một kế hoạch chung.
Trên cơ sở đó, ASEAN vừa hoàn tất nghiên cứu về phát triển bền vững du lịch ASEAN, được xây dựng dựa vào đánh giá tác động hậu COVID-19, cũng như các chỉ số du lịch bền vững và toàn diện hiện có của ASEAN.
Về phần mình, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết M-ATM lần thứ 26 đã thảo luận các biện pháp và sáng kiến tăng cường kết nối trong ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại và thúc đẩy du lịch nội khối.
Bên cạnh việc tìm cách tăng cường các chuyến bay từ Ấn Độ, các Bộ trưởng cũng cùng nhau thảo luận về các nỗ lực tập thể nhằm thu hút du khách Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại, trên tinh thần ASEAN là “điểm đến duy nhất” và với khái niệm “điểm đến cho mọi ước mơ.”
Bộ trưởng Uno nhấn mạnh rằng trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều điều không chắc chắn và biến động phức tạp, ASEAN nổi lên là khu vực "cho sự ổn định, hòa bình và hữu nghị.”
Thành công của ATF 2023 gửi thông điệp tới phần còn lại của thế giới rằng ASEAN đang cùng nhau phục hồi và phục hồi mạnh mẽ hơn - đặc biệt là về khía cạnh du lịch chất lượng và du lịch bền vững – cũng như sự đa dạng về tiềm năng thiên nhiên và văn hóa.
Tuy nhiên, theo ông Uno, du lịch ASEAN cũng cần trở nên bao trùm hơn thông qua việc thu hút nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như phụ nữ và thanh niên, đồng thời tạo ra các việc làm có chất lượng.
Bên cạnh đó, du lịch ASEAN cũng cần là tác nhân tạo ra sự thay đổi trong vấn đề khí hậu với các nỗ lực cắt giảm khí thải, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2045.
(Nguồn: Ngày Nay)