Việt Nam sẽ tập trung phát triển 5 mô hình sản phẩm du lịch đêm

PV |

Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm sẽ chính thức đi vào thực tiễn, tập trung vào 5 mô hình phát triển sản phẩm cho các trung tâm du lịch lớn, trải dài từ Hà Nội đến Phú Quốc.

Nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, mới đây lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

5 mô hình sản phẩm dịch đêm

Đề án khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Quảng Ninh được xác định là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đêm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Quảng Ninh được xác định là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đêm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, đề án cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các địa phương bao gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh việc sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu đặt ra là tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất một đêm.

Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa-Vũng Tàu; phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng du khách tập trung đông; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.

Đáng chú ý, có 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được đặt ra trong Đề án với nội dung cụ thể về dịch vụ đặc trưng, dịch vụ bổ trợ và triển khai áp dụng, bao gồm: Mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mô hình mua sắm, giải trí đêm; mô hình tham quan du lịch đêm; mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Giải pháp nào cho du lịch đêm?

Để triển khai các mô hình này, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đưa ra các giải pháp đồng bộ từ quy hoạch và quản lý đô thị, cơ chế chính sách, tổ chức và quản lý dịch vụ đến nguồn nhân lực, đầu tư, định hướng thị trường và xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin.

Thành phố Hồ Chí Minh lung linh, sôi động và có nhiều hoạt động cho du lịch đêm phát triển. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thành phố Hồ Chí Minh lung linh, sôi động và có nhiều hoạt động cho du lịch đêm phát triển. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong đó, nổi bật là việc sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý đồng bộ và hiệu quả hoạt động du lịch đêm; triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch (ưu tiên triển khai ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn và thẻ du lịch thông minh); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thanh toán trực tuyến, sử dụng công nghệ tự động hóa trong cung cấp dịch vụ tại các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Ngoài ra, còn có các giải pháp cụ thể liên quan đến phát triển sản phẩm, dịch vụ, tổ chức các chương trình tham quan trải nghiệm, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, thiết lập đường dây nóng hỗ trợ du khách, tăng cường thanh tra, kiểm tra về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá công khai…

Các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao các nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ là đầu mối tổng hợp, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát, kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách, văn bản quản lý, tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch đêm.

Cục Du lịch Quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng triển khai các chương trình phát triển sản phẩm du lịch đêm, quy mô cấp vùng và cấp quốc gia; xây dựng và thực hiện chiến dịch truyền thông, quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch đêm hướng đến các thị trường mục tiêu của ngành.

Thăm quan Nhà tù Hỏa Lò vào ban đêm là một trong những sản phẩm du lịch đêm nổi bật và thu hút đông du khách của Hà Nội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Thăm quan Nhà tù Hỏa Lò vào ban đêm là một trong những sản phẩm du lịch đêm nổi bật và thu hút đông du khách của Hà Nội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Bên cạnh đó, đơn vị “nhạc trưởng” cũng sẽ nghiên cứu, bổ sung nội dung quy hoạch sản phẩm du lịch đêm vào quy hoạch hệ thống du lịch...; tham mưu tổ chức sơ kết việc thực hiện Đề án vào năm 2025 và tổng kết vào năm 2030, báo cáo lãnh đạo Bộ, Chính phủ kết quả triển khai thực hiện Đề án, đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết.

(Nguồn: Ngày Nay)

TAGS

Sản phẩm du lịch độc đáo – “bệ phóng” đưa Sa Pa bứt tốc nửa đầu năm

PV |

6 tháng đầu năm, cùng với hàng loạt sản phẩm mới ra mắt, những lễ hội và sự kiện không ngừng, Sa Pa đã góp phần quan trọng đưa Lào Cai trở thành một trong 10 điểm đến có doanh thu du lịch cao nhất cả nước.

Quy hoạch Tràng An trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế

PV |

Ngày 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Quyết định số 821/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, tỉnh Ninh Bình.

Quảng Trị chú trọng mở nhiều kênh xúc tiến, quảng bá đầu tư du lịch

Tú Linh |

Tỉnh Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng phong phú, di sản văn hóa đồ sộ và thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, nhưng điều quan trọng là cần sáng tạo trong cách khai thác, kêu gọi xúc tiến đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN ĐỨC TÂN, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Quảng Trị xung quanh vấn đề này.

Ba đại diện Việt Nam lọt Top Di sản UNESCO ấn tượng nhất Đông Nam Á

PV |

Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An và Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng lọt vào Top các Di sản ấn tượng nhất Đông Nam Á để du khách ghé thăm.