Thời “khăn gói quả mướp” vô Huế học đại học, mình thường rủ bạn bè về quê mình chơi. Nay cũng vẫn lòng thành như thế: Về quê mình chơi nhé, bạn hiền!
Quê mình Vĩnh Tú, nằm ở phía Đông của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, một miền sơn thủy hữu tình, một làng quê đất đỏ bazan chạy dài ra gần sát biển. Vĩnh Tú, một dải xanh rì xen giữa mà bên này là biển biếc, bên kia là cát vàng. Bây giờ, Vĩnh Tú đến với thị thành không còn xa nhờ con đường đổ nhựa xuyên qua đồi cát rộng. Nhưng Vĩnh Tú vẫn bời bời cát trắng, vẫn đỏ đất bazan, vẫn xanh mướt cây và ngút ngát lộc trời...
Trước mặt Vĩnh Tú là rú Cấm với ken dày lớp lớp cây trăm bù - loài cây tự nhiên xanh quanh năm cho dù khô khát, nắng lửa và gió Lào. Cuối tháng chạp trăm bù bắt đầu đeo bám những quả chín đen mọng, ăn vào có vị ngòn ngọt, chát chát như chắt ra từ khó nghèo, chắt chiu. Bọn trẻ con đu từ cành này sang cành kia, cây kia sang cây nọ thỏa chí.
Cữ này cũng là mùa nấm mối, những bông nấm mối to bằng nắp vung đủ để nấu một nồi canh bột lọc ba người ăn, ngon ngất ngây, ngọt lừ. Nấm mọc theo khoang, mỗi khoang chỉ một vài hay ba cái, nấp lấp ló dưới những tán cây thấp tạo cảm giác hưng phấn, thích thú cho kẻ đi tìm. Mỗi buổi sớm mai, khi ánh mặt trời vừa ló dạng, lũ con nít không còn nằm ì trên giường mà đã kéo nhau chạy ù ra rú. Mỗi đứa đổ theo hướng những khoang nấm đã được chúng đánh dấu riêng. Rồi tiếng la hét, hú gọi phấn khích khi tìm thấy nấm làm xôn xao cả một vùng.
Khi những cơn gió mùa Đông Bắc ùa về cũng là lúc những chiếc bẫy chim được đặt. Người lớn, trẻ con, con gái, con trai đi vào rú như đi vào nơi hẹn hò, trên tay cầm dăm bảy cái bẫy tự chế với một con dao leng (cùn) để đào đất. Những chiếc bẫy được đặt cũng đơn giản như chuyện người nông dân trồng sắn, trồng khoai, rồi nằm ép bụng xuống cỏ, xuống cát chờ đợi, chỉ lâu nhất khoảng một tiếng đồng hồ thì trên tay họ đã có những chú chim cu hét béo mũm.
Bây giờ, với trào lưu về với thiên nhiên hoang dã, rú Cấm như một điểm đến đầy mê hoặc bởi sự dịu mát trên một vùng đồi cháy nắng. Đi trên những con đường mòn uốn lượn trong rú tạo cho ta cảm giác như lạc vào một khu rừng cổ tích, lần bàn chân trong làn cát mịn màng ta có cảm giác dễ chịu vô cùng, bẻ nắm lá trăm bù non xanh ngọt ngào đặt xuống cát và ngả lưng, cảm giác dịu êm ùa vào da thịt nghe như xuân về ngang ngõ.
Về quê mình, bạn sẽ được nghe người già, trẻ con nói chuyện Trạng. Những câu chuyện được nói xen trong những cuộc trò chuyện không cuối, không đầu, tự nhiên như cuộc sống vốn thế. Những con cá được câu từ bàu Thủy Ứ, ngọn khoai lang được ươm mầm trong cát bỏng hay những quả dưa đỏ ngọt ngon được chắt ra từ bời bời cát... đều đi vào những câu chuyện Trạng như một sức sống bền lâu mà giản dị, từ gần ngàn năm trước gọi về. Bạn sẽ được ngắm nhìn say mê những bức tranh vẽ những câu chuyện Trạng - thể hiện tình yêu vô bờ bến với quê nhà của một cụ già ngoài 80 mà tráng kiện như trai lực điền, được uống chén nước chè xanh đặc quánh ân tình, ăn củ khoai lang ngọt ngào, ý vị để tự nhiên thấy yêu mảnh đất quê mình mà không cần phải thuyết phục bằng bất kỳ lời hoa mỹ nào.
Về quê mình, vào mùa tháng năm, bạn sẽ nhìn thấy trên các trảng cát tưởng như không cây gì sống nổi là tấm thảm xanh mượt mà những vườn dưa hấu, những quả tròn căng nằm san sát như ủn ỉn lợn con. Bạn sẽ được được tự do cắn ngập chân răng vào ruột dưa đỏ rực một cách tự nhiên và hồn nhiên như tuổi thơ. Bạn được thử một lần ngủ nơi lán trại của người canh dưa vào buổi tối, khi ánh trăng cứ theo mây lên cao dần, nằm ngửa mặt lên trời đêm để đếm những vì sao xanh lung linh, hay ngắm những vệt sáng lấp lánh quét ngang bầu trời của những ngôi sao băng, bạn sẽ cảm thấy có lẽ không một không gian nào dịu êm, hùng vĩ và đẹp đẽ hơn thế.
Mình sẽ dẫn bạn xuống bàu Thủy Ứ, cái bàu nước mà bên này là làng quê còn bên kia là một cái thung lũng nông và hẹp nhưng rất đẹp mà muôn đời nay làng mình gọi tên là trũng Sao Sa. Những ngôi sao băng trên hành trình của nó chọn điểm rơi chính trong lòng thung lũng ấy (người làng tớ bảo vậy!). Men theo nhánh rẽ của bàu Thủy Ứ, bạn sẽ được đến với bàu Trạng. Ở đó, bạn sẽ được ngắm nhìn hoàng hôn pha màu ngọc bích. Những chú vịt trời được nuôi thả trên một doi đất giữa bàu, ngụp lặn khoái trá và chao chát bay lượn. À, có một đầm sen xinh đẹp bạn sẽ được thưởng ngoạn và chụp những bức hình tuyệt vời khi trên đường đến đây.
Khi đã thỏa chí ngắm nhìn, bạn sẽ được chén những món ngon xứ mình. Này nhé, vịt trời luộc, nướng, kho măng, rô ti; những con cá lóc to đùng trong những câu chuyện Trạng bạn vừa được nghe sẽ làm cho bạn nhiều món ngon như nướng, hấp hay um chua bằng quả dưa non được muối thành dưa từ mùa trước, để nghe dư vị của chắt chiu nồng đượm, của sự kiệm cần và yêu thương.Và một món ăn mà bạn không thể không thử và mê say: gỏi tép nhảy. Mới đầu người ta sẽ sợ sệt, lo âu khi nhìn những con tép mắt đen sáng nhấp nháy, nhảy tí tách trong rổ. Nhưng khi nó hòa quyện trong gừng, ớt đỏ thái chỉ, các loại gia vị truyền thống tươi nguyên, bát nước cốt chanh tươi, mù tạt, nước mắm cốt cá cơm thơm lừng và rau sống đủ loại, thì bạn sẽ hít hà cái hương vị này một cách khoái chí và khi đã thưởng thức rồi thì có đi xa bao lâu bạn vẫn muốn quay trở lại.
Cuộc sống người Vĩnh Tú đã đổi thay nhiều lần trên cái nền khốn khó “ăn cơm bữa diếp”. Câu ca: Ai về Vĩnh Tú mà chi / Sắn khoai thì ít, rú ri thì nhiều chỉ là cái khó nghèo đã lùi xa, nhường chỗ cho một Vĩnh Tú đầy sức sống với hoa thơm, trái ngọt, với nụ cười rạng rỡ của những người con gái, con trai đã làm cho Vĩnh Tú thân thiện và cởi mở, dung dị và hồn cốt như truyền thống của vùng đất đã ngàn năm ông cha an cư lạc nghiệp.
Lòng dân Vĩnh Tú luôn khát khao và đã nỗ lực bằng sự cần cù lao động, để biến quê mình thành một vùng quê trù phú, xinh đẹp và đang ngày càng khởi sắc. Ở đó, cả “hoa hồng và bánh mì” đều được tôn vinh. Ở đó, con người xây đắp quê hương bằng sự thiện lương và yêu thương. Những chuỗi kết nối du lịch về với thiên nhiên mà mình vừa kể bạn nghe, hy vọng sẽ thành hiện thực. Vĩnh Tú - miền đất thơm đang vẫy gọi.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)