20 năm ngày mất Trịnh Công Sơn: Từ những cuộc tình nho nhỏ

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha |

“Tôi đi từ những cuộc tình nho nhỏ, đến triết lý về thân phận con người rồi ám ảnh chiến tranh. Không gian mở rộng dần, các vấn đề trên đan vào nhau. Tôi muốn viết nên điệu buồn da vàng”. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Trịnh Công Sơn đã tự nói về nơi bắt nguồn sự nghiệp âm nhạc đầy chân thành. Mong muốn ấy chỉ dừng lại ngày “cá tháng tư” năm 2001.

Trịnh Công Sơn sinh tại Đắk Lắk ngày 28.2.1939 vào một ngày đầu Xuân, khi dịp Tết Nguyên đán ở nước Việt này chưa khép lại Nguyên tiêu. Có lẽ, đấy là lý do ẩn giấu để cho người nhạc sĩ khai sinh ngày Tết này cho phép tình yêu cứ liên tục như mùa xuân, mùa sinh sôi của vạn vật để chống lại cái chết, xem cái chết chỉ là một tồn tại viển vông trước tình yêu.

Trịnh và những nàng thơ

Có phải nàng hoa khôi xứ Huế ở phố cổ Gia Hội đã tạo ra những “Lao chiều”, “Sương đêm” “chơi vơi” đầu tiên mà Trịnh Công Sơn không bao giờ công bố? Có phải nàng Phương Thảo - Hoa khôi trường Đồng Khánh dáng thanh, đẹp, nhất là đôi mắt, áo dài, guốc mộc, dải nón tím... mà chàng làm gia sư tiếng Pháp với mối tình và chiếc hôn đầu đời luống cuống trong mùi hương riêng biệt đã khiến chàng phải thốt nên “Mưa hồng” để tả dáng đi tuyệt đẹp ngun ngút giữa con đường xanh tươi, xanh như ngọc với 2 hàng long não thơm phức: “Hàng cây lá xanh gần với nhau”, và sau đó là “Nhìn những mùa thu đi” - “bài kinh mùa thu” mà sinh viên Huế đã hát cả mùa đấu tranh Phật tử năm 1963?

Nữ ca sĩ Khánh Ly - “người tình” trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn
Nữ ca sĩ Khánh Ly - “người tình” trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn

Và có phải nàng Bích Diễm nhóm nhen tình yêu từ Huế rồi vào trọ học cùng thi đại học tại Sài Gòn, nhưng chàng trượt mà nàng lại đỗ, rồi vì buồn mà tự ái nên chàng, nàng đã xa lìa? Tơ lòng vấn vương khiến chàng đã phải viết ra “Diễm xưa” cho trút mọi nỗi đau khổ trong lòng, để rồi “Diễm xưa” trở thành một tình khúc có số phận cao sang nhất trong những sáng tạo của Trịnh Công Sơn. Nàng khi chợt nhận ra mình còn yêu chàng thì đã quá muộn. Cô em gái Dao Ánh với đôi môi đỏ rực, đôi môi hồng ngọc đã thay thế bà chị như Thúy Vân thay Thúy Kiều để chàng lại phải da diết lên một “Nắng thủy tinh” hay đến nỗi bà chị khi đã lấy chồng mà vẫn còn viết thơ trách em: “Em biết chị còn yêu anh Sơ, sao lại viết thư tỏ tình với anh ấy”?

Biết bao nợ nần tình cảm với các nàng Huế để rồi vương vấn trong “Hạ trắng”, “Tuổi đá buồn” hay “Hoa buồn” mà Sơn không công bố.

Còn với 2 chị em Thúy Kiều, Thúy Vân kia, chàng đã gửi lời nuối tiếc tuổi thanh xuân của cả hai trong “Xin trả nợ người”. Có phải nàng là một dáng hình cao mảnh mai, tóc dài chấm gót thường đội chiếc mũ bê-rê đỏ vừa xinh vừa nghịch ngợm để chàng thầm viết ra “Về giữa mùa đông”, “Chiều đông”, “Theo mùa xuân đến”, ‘Từ độ yêu người” chưa hề công bố hay nàng là “Người đẹp Đập Đá” - chiếc cầu nối về vùng Vỹ Dạ của người đẹp thuở Hàn Mạc Tử khiến chàng phải viết “Quỳnh Hương”, “Nguyệt ca”?

Đấy là nàng Tôn Nữ Bích Khuê thuở Sư phạm Quy Nhơn dáng người nhỏ, tròn lẳn, nước da ngăm đen, thường đánh tóc rối thành một búi lớn ngược ra sau đỉnh đầu, mang guốc cao gót nhọn hiệu Đa-Kao đi chân sáo. Đứng xa nhìn nàng đi như con sáo nhỏ đang nhảy nhót trong sân, cái búi tóc nhảy tưng theo từng bước. Nàng không đẹp nhưng có duyên, quyến rũ. Nàng tham gia ban hợp xướng để hát “Trường ca dã tràng” của chàng. Tình yêu của nàng khiến Sơn bị ám ảnh viết ra “Biển nhớ” mà trong đó vô tình có câu “Trời cao níu bước sơn khê”.

Đấy là nàng Ngà - một con chiên ngoan đạo xứ Bảo Lộc có nước da trắng như cái tên, người mảnh mai với mái tóc thề chấm ngang vai, gương mặt phát phất Đức mẹ Maria cứ chiều chiều hai tay ấp quyển Kinh thánh trước ngực, đầu hơi cúi xuống khoan thai bước dịu dàng trong dáng đi với màu áo dài trắng hằn lên màu đất đỏ, thấp thoáng ẩn hiện trong đám lau trắng, mơ màng trong sương mờ trầm vang tiếng kèn đồng và tiếng chuông nhà thờ. Hình ảnh của nàng và nỗi thương nhớ người bạn vừa khuất đã đi vào “Lời buồn thánh” mê hồn.

Đó là một thiếu nữ Đà Lạt lạnh lùng, môi tươi thắm, mắt to, ít nói, ít cười, thích đứng nhìn với cái nhìn đầy tự tin với những suy nghĩ rất riêng. Sự mong manh của tình cảm khiến chàng đã viết ra “Như cánh vạc bay”, và hình ảnh còn trở đi trở lại trong nhiều tình ca khác.

Những người tình du ca để “Nối vòng tay lớn”

Ngoài Huế sâu đậm tình quê hương và vùng đất miền Trung, Sài Gòn đã gắn bó với Trịnh từ thời mang danh “Viên ngọc Viễn Đông”, suốt nửa thế kỷ tới ngày tạ thế. Những nàng Kiều ở Sài Gòn cũng khiến chàng nhiều lần rung động.

Ngay từ năm 1958, khi “Ướt mi” được Hà Thanh hát đầu tiên ở Sài Gòn, nàng Thúy “lai Tàu” với vẻ đẹp vũ trường như một vũ trụ mờ sương với khói thuốc quyện ảo ảnh đèn màu khiến Trịnh mềm lòng. Cũng là Thúy nhưng là ca sĩ Thanh Thúy người xứ Huế vào Sài Gòn đã lâu với khuôn mặt trái xoan đầy đặn với giọng hát Liêu Trai mang “Ướt mi” đi muôn nơi nhưng riêng nàng thì đêm đêm thui thủi đi về khuya khoắt trên con hẻm ở đường Cao Thắng. Hình ảnh của giọng hát liêu trai đã cho chàng nhận ra “Thương một người”, bài hát đã khiến thính giả Đài phát thành Sài Gòn mê mần “Chương trình Dạ hoang”.

Từ sau giải phóng Sài Gòn, những bóng hồng vẫn thường ríu rít bên Trịnh Công Sơn. Đó là nàng Việt kiều trở về với đất nước thống nhất, nàng mực thước, ngẫm nghĩ minh triết khiến chàng nể trọng. Đó là một nàng vô tư, đằm thắm, chân tình, mộc mạc khiến chàng hát lên “Hoa xuân ca”, hay nàng Việt kiều Pháp muốn chấm dứt cuộc đời độc lẻ của chàng nhưng mong muốn gần thành thì tự nhiên lại đổ vỡ. Đó cũng có thể là cô sinh viên Nhật theo học tại Paris với luận án “Ca khúc phản chiếu của Trịnh Công Sơn” nói tiếng Việt rất sõi và đã từng hát nhạc Trịnh cùng chàng ở giữa Paris. Và Á hậu Vân Anh thật đẹp, đáng yêu nhưng “nửa đường đứt gánh”. Là Bống Hồng Nhung - một ngôi sao nhạc nhẹ từ Hà Nội vào cư trú Sài Gòn đã tìm đến để có một cách hát Trịnh Công Sơn khác và khiến chàng tuôn chảy những “Thuở Bống làm người”…

Những bóng hồng đi qua đời Trịnh, có những nàng Kiều Hà Nội như nghệ sĩ dương cầm cùng họ Trịnh đã từng làm cho bao thi sĩ Hà Nội phải làm thơ nhưng nàng chỉ yêu Trịnh Công Sơn rồi chuyện tình cũng được “để gió cuốn đi”. Chàng cũng quý Dung Hòa vì giọng hát nhạc khàn khàn và mến Mai Hoa nhí nhảnh, ham vui. Chàng thân với Phương Thanh - Hiền “cá sấu” để viết ra “Đời gọi em biết bao lần”.

Tất nhiên, người đặc biệt quan trọng, vô cùng thương mến nhưng không khi nào là người tình mà là người chắp cánh cho những ca khúc Trịnh Công Sơn vượt thời gian: Khánh Ly. Khi gặp cô ca sĩ trẻ này ở Đà Lạt với cái tên Lệ Mai, chàng đã biết ngay rằng mình đã gặp được người thể hiện tâm hồn mình. Thế là họ bỏ về Sài Gòn du ca từ năm 1965, và cho đến nay, giọng hát mê hồn của Khánh Ly đã mang nhạc Trịnh vào sâu từng ngóc ngách trong con người của biết bao thế hệ.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

Trịnh Công Sơn, những bức ảnh lần đầu được công bố

Hoa Quỳnh |

Hơn 10 năm chụp ảnh tư liệu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long có một kho ảnh đồ sộ nhưng anh hiếm khi công bố.

Cuộc đời tài hoa và lận đận của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

Trọng Thịnh |

Cuốn sách Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé viết về cuộc đời của Trịnh do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường- người bạn thời niên thiếu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thực hiện sẽ được tái bản nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn với Văn Cao

Văn Thao |

Văn Cao, Trịnh Công Sơn, hai nhạc sĩ, hai thế hệ. Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939. Hơn Trịnh Công Sơn 16 tuổi, Văn Cao coi Sơn như một người bạn vong niên, bạn nghề, bạn rượu, bạn đời. Họ thương nhau, họ yêu nhau và kính trọng nhau.

Lời bài hát "Diễm Xưa" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bản chuẩn nhất

Vân Anh |

Lời bài hát Diễm Xưa được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác với nội dung về vẻ đẹp của xứ Huế và một người con gái có tên là Diễm - người con gái nổi tiếng nhất gắn liền với tên tuổi của người nhạc sĩ tài hoa.