Bây giờ có dịp đi qua những làng quê yên bình bên dòng sông Hiếu trong xanh hay ngược lên vùng Cùa đất ba dan bừng lên trong nắng mai, ở đâu cũng bắt gặp những con đường hoa và những con người thiện lành, chất phác, hay làm lụng, vén khéo, nhiều người vẫn nhắc nhớ mảnh đất Cam Lộ (Quảng Trị) này từng bao phen là nơi đụng đầu của lịch sử và con người Cam Lộ cũng đã cùng cả dân tộc Việt Nam đi suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước với nhiều hy sinh, mất mát nhưng cũng rất đỗi tự hào...
Cam Lộ sau trước vẫn là mảnh đất mang dấu ấn lịch sử thật đậm nét mà hiếm có địa phương cấp huyện nào trên đất nước Việt Nam mình sánh được. Trải qua quá trình đấu tranh và phát triển, nơi đây đã tạc vào lịch sử với những mốc son rực rỡ. Từ Sơn phòng Tân Sở- kinh đô dã chiến, nơi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, khởi đầu cho phong trào cứu nước cuối thế kỷ XIX đến Nhà tằm Tân Tường-nơi ra đời một trong ba chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, cũng là nơi thành lập chính thức Tỉnh ủy Quảng Trị.
Đặc biệt, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thử thách lớn nhất đối với dân tộc Việt Nam từ sau thử thách ghê gớm của hơn nghìn năm Bắc thuộc trước và sau Công Nguyên và sau gần một thế kỷ đấu tranh chống ách thống trị cùng với chiến tranh xâm lược thực dân kiểu cũ của thực dân Pháp.
Chiến công thắng Mỹ là thiên anh hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa Tổ quốc ta bước hẳn vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Hòa trong chiến công chung đó, trên dấu tích thành Cam Lộ xưa, trong một thời khắc có tính quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được xây dựng nên trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Cam Lộ cũng là nơi có phong trào đồng khởi ở vùng Cùa vào năm 1964, sớm so với các địa phương khác ở miền Nam. Suối La La, Đầu Mầu, Điểm cao 241, Đường 9... những tên đất, tên làng hiền hòa, giản dị như Khe Van, Cù Đinh, Ba De, Đồi Không Tên, Mai Lộc, Thượng Nghĩa, Cam Vũ, Ngã Tư Sòng, Mộc Đức, Thiện Chánh...đã trở thành những địa danh rực lửa chiến công, làm nức lòng quân dân cả nước. Những tên đất, tên người ấy gắn liền với những sự kiện lịch sử đã bồi đắp cho Cam Lộ một bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng thật đáng tự hào.
Trong miên man câu chuyện đi tìm dấu ấn lịch sử trên mảnh đất Cam Lộ, nhiều bậc lão thành cách mạng và những người nặng ân tình với quê hương đều quả quyết, chính bản lĩnh vững vàng của người Cam Lộ cùng với thế núi, thế sông, vị trí địa lý thuận lợi trong việc giao lưu văn hóa giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, Cam Lộ là nơi hội nhập và lan tỏa các trào lưu tư tưởng yêu nước sớm nhất.
Gần 100 năm trước, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng tại địa bàn Cam Lộ đã tổ chức nhiều hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng yêu nước và cách mạng trong quần chúng nhân dân, được tầng lớp trí thức, công-nông hưởng ứng. Đặc biệt tháng 5/1930, Huyện ủy Cam Lộ- một trong những huyện ủy đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Trị được thành lập, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Cam Lộ đã bền bỉ đấu tranh, vượt qua gian khổ, hy sinh để chống lại sự bóc lột, đàn áp của kẻ thù. Từ các phong trào yêu nước (1930-1931); đấu tranh khôi phục và phát triển phong trào (1932-1935); đến phong trào chống thuế đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939); chống khủng bố (1942-1944)...
Đảng bộ huyện đã rèn luyện được đội ngũ đảng viên tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên trung, dũng cảm, năng động, nhanh chóng tiếp cận các chủ trương mới, thu hút, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện cùng đứng lên đấu tranh chống Pháp, Nhật, tiến đến khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân mùa Thu 1945, xóa bỏ ách đô hộ của thực dân, phong kiến, đưa Nhân dân từ thân phận nô lệ thành người làm chủ.
Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, quân và dân Cam Lộ tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với Nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu vào năm 1954.
Sau Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Khi đất nước bị chia cắt làm hai miền NamBắc, địa bàn Cam Lộ nằm trong vùng địch tạm chiếm, có vị trí quan trọng về chính trị và quân sự. Địa phương là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông trọng yếu như Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, có sông Hiếu nối liền cảng Đông Hà và Cửa Việt, cùng với địa thế núi đồi bao bọc, nối liền với dãy Trường Sơn và các cao điểm liên hoàn có thể khống chế và hỗ trợ nhau trong tác chiến quân sự.
Vì thế, Cam Lộ trở thành tâm điểm đánh phá của kẻ thù. Chúng tập trung xây dựng ở huyện Cam Lộ thành tuyến phòng thủ kiên cố, những cứ điểm quân sự liên hoàn, thiết lập bộ máy thống trị, kìm kẹp khắc nghiệt; sử dụng nhiều thủ đoạn thâm độc, đàn áp dã man nhằm khuất phục ý chí đấu tranh của Nhân dân ta, ngăn chặn ảnh hưởng và sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc XHCN đối với tiền tuyến lớn miền Nam; đồng thời phục vụ dã tâm của địch là mở rộng, đánh chiếm ra miền Bắc XHCN và sang nước bạn Lào.
Mặc dù vậy, trên quê hương Cam Lộ, ngọn lửa hồng cách mạng vẫn luôn rực cháy. Đảng bộ Cam Lộ luôn là hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của quân và dân huyện nhà. Cách mạng vẫn sống giữa lòng dân, được dân tin yêu, đùm bọc, bảo vệ.
Khắp mọi miền quê, Nhân dân Cam Lộ luôn sắt son một niềm tin với Đảng, với Bác Hồ. 18 năm chiến đấu là 18 năm Đảng bộ, quân và dân Cam Lộ kiên cường bám trụ, dù bao gian khổ, hy sinh vẫn “một tấc không đi, một ly không rời” để xây dựng lực lượng, giữ vững phong trào. Cán bộ, đảng viên “bám dân”, dân “bám đất”, du kích “bám địch”, tất cả hợp thành sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên địa bàn Cam Lộ, các cuộc biểu tình đòi thực hiện tổng tuyển cử, phong trào đồng khởi với sự mở màn là đồng khởi Cùa 1964, đến các chiến dịch tấn công, nổi dậy mùa xuân 1968, chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971...
Nắm vững thời cơ, quán triệt tinh thần nghị quyết của Khu ủy, nghị quyết của Tỉnh ủy về chuẩn bị tổng tiến công và nổi dậy, ngày 25/3/1972, Huyện ủy Cam Lộ họp tại xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh) đã ra nghị quyết: “Động viên toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong huyện nỗ lực vượt bậc, tận dụng mọi khả năng thuận lợi chuẩn bị tấn công, nổi dậy, giải phóng hoàn toàn đất đai, giành quyền làm chủ, thiết lập chính quyền cách mạng”.
Vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/3/1972 các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương của ta đã tiến hành hợp đồng binh chủng với quy mô lớn, dồn dập tiến công địch. Đến 16 giờ, ngày 2/4/1972, quê hương Cam Lộ được giải phóng. Với chiến thắng ngày 2/4, một dải đất từ Cam Lộ đến Gio Linh hoàn toàn giải phóng, giới tuyến tạm thời được xóa bỏ, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương không còn là nỗi đau chia cắt.
Từ đây, Cam Lộ là tiền tuyến cũng là hậu phương vững chắc tạo thế và lực cho quân, dân ta tiếp tục tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972. Quảng Trị được giải phóng, hiệp định Paris được ký kết, Cam Lộ vinh dự được chọn làm nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam...
Có thể thấy, Cam Lộ là một vùng đất với những nét đặc thù mang nhiều bản sắc về truyền thống văn hóa dân tộc. Con người, nhịp sống nơi đây đang đổi thay từng ngày và cùng hòa chung với sự phát triển của quê hương, đất nước.
Nỗ lực trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước hiện tại nhưng không bao giờ lãng quên lịch sử và càng không thể quên sứ mệnh bồi đắp niềm tin đối với tương lai. Đó là cách tựa vào bề dày lịch sử vẻ vang của quê hương để Cam Lộ vững vàng cất cánh...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)