Không chỉ làm tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, lực lượng công an các xã biển trên địa bàn còn làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ. Công tác này không chỉ được thực hiện vào mùa mưa, bão, mà vào bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày, chỉ cần nhận được tin báo là các anh lên đường.
Đã hơn một tháng trôi qua nhưng chị Hoàng Mỹ Dạ Lan, Khu phố 10, Phường 5, TP. Đông Hà vẫn giật mình nhớ lại khoảnh khắc nguy hiểm xảy ra với gia đình mình. Chị kể, hôm đó tầm 5 giờ chiều của ngày thứ 7, gia đình chị về tắm biển Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) để thư giãn cuối tuần.
Chồng chị là người cẩn thận, anh chọn chỗ nước nông, ít sóng để các con vui chơi. Song, không ngờ trong chớp mắt, một nguồn nước dữ ở đó đã cuốn một đứa nhỏ ra xa. Chồng chị hoảng hốt lao ra phía con nhưng cũng bị con nước nhấn chìm nhanh chóng.
Nghe tiếng hô hoán, cầu cứu của chị, mọi người liền đổ dồn vào đó. Sau khoảng 10 phút vật lộn với sóng dữ, 5 thanh niên đã đưa được con và chồng chị vào bờ.
Người chồng lúc đó bị đuối sức và ngạt nước nhẹ, còn con chị có dấu hiệu ngưng tim. Sau khoảng 30 phút hô hấp nhân tạo, nhấn bóp tim ngoài lồng ngực cho người bị nạn, 5 thanh niên này đã cứu sống thành công đứa trẻ, cùng mọi người đưa đến bệnh viện tiếp tục chăm sóc, điều trị.
Sau này, chị mới biết trong số 5 thanh niên đó có một cán bộ Công an thị trấn Cửa Việt, cũng là người đầu tiên lao ra cứu nạn con chị và thực hiện việc sơ cứu đuối nước bài bản.
“Ngay sau ngày con ra viện, vợ chồng tôi tìm về Công an thị trấn Cửa Việt để cảm ơn người cán bộ trẻ đó nhưng không gặp vì anh ấy có việc phải về quê”, chị Dạ Lan kể lại.
Chúng tôi liên hệ với Trung tá Lê Thanh Hải, Trưởng Công an thị trấn Cửa Việt thì được biết, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn rất nhiều, riêng về việc cứu người đuối nước, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tham gia cùng các lực lượng khác và người dân địa phương.
Đối với việc tham gia nhưng không phải chủ trì, nồng cốt, đơn vị chủ động để các đơn vị chủ công báo cáo cấp trên của họ. “Ngoài ra, với lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ đơn vị, việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân ở địa bàn mang tính đặc thù như Cửa Việt không chỉ là yêu cầu về công tác, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều không muốn kể nhiều về mình!”, Trung tá Hải bộc bạch.
Xã biển Triệu An nằm đối diện thị trấn Cửa Việt, cách chỉ một cây cầu dài gần 1 km bắc qua con sông Hiếu. Trung tá Nguyễn Thành Trung, Trưởng Công an xã Triệu An, tâm sự: “Đối với công tác cấp bách như tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, anh em đơn vị hầu như không có giờ nghỉ ngơi. Ngay sau khi nhận thông tin, xác minh nắm bắt tình hình, lực lượng chủ động phối hợp với Công an huyện Triệu Phong, Hải đội 202 và Đồn Biên phòng Triệu Vân tiến hành khẩn cấp các phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Những vụ việc xảy ra thường trên biển và sông Hiếu đoạn cầu Cửa Việt, giáp cửa biển có địa hình nông, sâu rất phức tạp, nên việc tìm kiếm nạn nhân hay cứu hộ tàu, thuyền bị mắc cạn, sóng biển đánh chìm gặp rất nhiều khó khăn. Những lúc như vậy, anh em tập trung hết sức lực chạy đua với thời gian trước khi nạn nhân, hay tài sản tàu, thuyền, ngư lưới cụ của bà con có nguy cơ bị cuốn trôi xa ra biển”.
Thời gian qua, Công an xã Triệu An chủ trì, phối hợp tìm kiếm cứu nạn 3 vụ, trục vớt 5 thi thể nạn nhân bị đuối nước trên địa bàn xã. “Có những vụ việc đuối nước rất đau xót, là nỗi ám ảnh không chỉ với người thân nạn nhân mà còn cả những người biết chuyện và trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn, đơn cử như vụ việc xảy ra vào ngày 23/6/2022.
Lúc đó, khoảng 11 giờ 30 phút, đơn vị chúng tôi nhận được tin báo từ người dân có 1 chiếc xe máy để lại trên cầu Cửa Việt thuộc địa phận xã Triệu An nhưng không có người. Anh em chúng tôi đến, phát hiện chiếc xe màu đỏ, nhãn hiệu Vision, BKS 74G1-045..., trên xe có để lại 1 mũ bảo hiểm và 1 túi xách.
Qua kiểm tra, trong túi xách có 1 giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô mang tên L.H. (sinh năm 1964), trú tại huyện Cam Lộ và một số giấy tờ tùy thân khác mang tên C.Nh. (sinh năm 1997), cùng trú tại huyện Cam Lộ. Tiến hành liên lạc với chủ xe, ông H. cho biết, chị Nh. là con gái của ông. Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, Nh. điều khiển xe trên và chở theo con gái nhỏ là K. (sinh năm 2017) ra khỏi nhà.
Ông H. tìm đủ mọi cách liên lạc, tìm kiếm con gái và cháu ngoại nhưng không thấy. Nhận định đây là một vụ nhảy cầu tự tử, chúng tôi báo cáo, đề nghị các đơn vị phối hợp tìm kiếm cứu nạn, đồng thời nhanh chóng sử dụng thuyền máy, ca nô kiểm tra mặt sông khu vực xung quanh cầu Cửa Việt, với hy vọng có thể sớm tìm thấy và kịp thời cứu được các nạn nhân.
Tuy nhiên, chúng tôi càng tìm càng vô vọng, do mặt sông rộng lớn, giáp cửa biển, nhiều chỗ nông, sâu với các con nước chảy xoáy, xiết rất phức tạp”, Trung tá Trung buồn bã kể lại.
Sau gần một ngày đêm tìm kiếm, đến 9 giờ 30 phút ngày 24/6, thi thể cháu K. được tìm thấy tại khu vực bờ sông Thạch Hãn thuộc địa phận xã Triệu An và cách vị trí ban đầu rất xa. Đến 19 giờ tối hôm sau, tàu cá của ngư dân mới phát hiện, tìm thấy thi thể của chị Nh. trên biển Cửa Việt, cách bờ khoảng 7 hải lý về phía Bắc.
Về mùa mưa, bão, công an ở các xã, thị trấn vùng biển cả nước nói chung, Quảng Trị nói riêng luôn phải làm việc trên 100% sức lực và nhiều lúc xuyên đêm nhằm hướng dẫn, giúp đỡ bà con ngư dân neo đậu tàu, thuyền, chằng, chống nhà cửa trú, tránh bão. Nhờ sự gắn bó mật thiết này, bà con luôn sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ, tình nguyện làm “tai, mắt” cho công an để đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững an ninh trật tự địa bàn. Trung tá Trần Hữu Năm, Trưởng Công an thị trấn Cửa Tùng và Đại úy Hoàng Ngọc Minh, Trưởng Công an xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, cùng quan điểm: sau một thời gian ngắn, việc bố trí, tăng cường công an chính quy về xã, thị trấn đã mang lại hiệu quả rất đáng kể.
Đặc biệt, các loại tội phạm liên quan đến ma túy, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích giảm rõ rệt. Bên cạnh đảm bảo an ninh trật tự, giúp đỡ bà con trên đất liền, khi phát hiện, hay nhận tin báo có người gặp nạn, tàu, thuyền bị mắc cạn trên biển, lực lượng luôn chủ động, tích cực phối hợp các đơn vị khác để tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho bà con.
Lão ngư Nguyễn Hữu Thành (sinh năm 1967), trú tại thôn Mạch Nước, Vĩnh Thái, bộc bạch: “Đối với bà con ngư dân chúng tôi, tài sản tàu, thuyền có giá trị như một ngôi nhà, nên quá trình đánh bắt hải sản trên biển, lỡ không may gặp sự cố, tàu, thuyền có nguy cơ bị mắc cạn, đánh chìm mà không kịp thời được lai dắt, trục vớt vào bờ để sửa chữa, là điều hết sức lo lắng. Rất may, trong những năm qua, khi gặp phải sự cố như vậy, bà con đều được công an và bộ đội biên phòng hỗ trợ, giúp đỡ rất kịp thời, tránh và giảm thiểu được hư hỏng, thiệt hại tài sản”.
Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị chia sẻ, trong những năm qua, hình ảnh về người cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Trị nói chung, các xã, thị trấn biển nói riêng luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng Nhân dân.
Đặc biệt, đối với công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân và tài sản của bà con, cán bộ, chiến sĩ công an không chỉ luôn sẵn sàng trong mùa mưa, bão mà bất cứ lúc nào phát hiện, nhận được thông tin sự việc.
Những tấm gương sáng chỉ tính trong thời gian gần đây là Trung tá Lê Hồng Phong, Trưởng Công an xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh; Trung úy Đinh Xuân Cường, cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh; Thượng úy Trần Đức Châu, cán bộ Công an TP. Đông Hà và Thượng úy Nguyễn Văn Thuận, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an huyện Hướng Hóa.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)