Chuyện về một người mẹ Việt Nam anh hùng

Tú Linh |

Bà Lê Thị Mót năm nay 90 tuổi, ở thôn Nam Tây, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị), là người còn sống duy nhất trong 26 bà mẹ của tỉnh Quảng Trị được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7.

Câu chuyện về cuộc đời mẹ VNAH Lê Thị Mót rất cảm động. Mẹ có chồng và một người con trai hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Mấy chục năm nay, mẹ thờ tự mẹ chồng của mình là Bà mẹ VNAH Bùi Thị Bài có 2 người con trai hy sinh trong chiến tranh.


Nỗi đau mất người thân

Xã Gio Sơn nằm ở phía Tây huyện Gio Linh. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nơi đây là căn cứ cách mạng, nuôi giấu nhiều cán bộ của Đảng hoạt động bí mật. Sống trên vùng đất có truyền thống cách mạng nên khi mới 14 tuổi, người con gái Lê Thị Mót đã tham gia hoạt động trong Chi hội Phụ nữ thôn Phú Ân của xã Gio Sơn (nay thuộc thôn An Phú, xã Hải Thái). Hằng ngày, cùng các chị, các mẹ, bà Mót nhận nhiệm vụ mua gạo, muối, thực phẩm bí mật luồn rừng đưa lên vùng chiến khu Cùa (nay là hai xã Cam Nghĩa, Cam Chính) của huyện Cam Lộ phục vụ cách mạng. Những ngày gùi gạo lên chiến khu, bà tình cờ gặp người chiến sĩ cách mạng Bùi Văn Uynh, người cùng xã đang hoạt động ở vùng này. Cuộc gặp gỡ đó khiến hai người làm quen rồi vun vén tình cảm ngày càng sâu đậm, cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thời ấy, đường hành quân vào chiến khu Cùa luôn đối mặt với khó khăn, nguy hiểm vì giặc dã lùng sục, bắt bớ những người làm cách mạng rất gắt gao. Nhưng chúng không ngăn được quyết tâm và ý chí yêu nước của người dân, trong đó có bà Mót. Cùng đồng chí, đồng đội, bà Mót gùi gạo, cõng ba lô hăm hở xuôi ngược chiến khu.

Sau khi kết hôn với ông Uynh, bà Mót sinh được 4 người con. Chiến tranh ngày càng diễn ra ác liệt khiến nhiều gia đình phải chịu cảnh chia lìa, mất mát, trong đó có gia đình bà Mót. Năm 1966, bà liên tiếp nhận được tin dữ khi mất người thân. Tháng 5/1966, ông Bùi Văn Uynh, chồng bà lúc ấy là xã đội phó xã (Phó Ban Chỉ huy quân sự xã) xã Gio Sơn đã anh dũng hy sinh trong một trận tấn công đồn Cồn Tiên, một căn cứ thủy quân lục chiến của Mỹ lập ra để ngăn chặn quá trình hoạt động của quân ta.

Tháng 7/1966, ông Bùi Văn Hùng, em trai liệt sĩ Bùi Văn Uynh cũng đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh không cân sức. Thế nhưng nỗi đau chưa chịu dừng lại, khăn tang lại nối tiếp khăn tang. Quân giặc lùng sục, tìm kiếm và bắt được mẹ đẻ của hai liệt sĩ trên, là bà Bùi Thị Bài để tra tấn dã man. Trước đòn trả thù hiểm ác của quân địch, tháng 11/1966, bà Bài qua đời trong sự đau xót của gia đình và người dân xã Gio Sơn.

Chỉ trong 6 tháng (tháng 5 đến 11/1966) gia đình bà Lê Thị Mót liên tiếp chịu đến 3 đại tang. Trong những năm đất nước còn chiến tranh, cùng với chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, ở hậu phương mẹ chồng bà cùng với bao người vợ, người mẹ khác vừa tham gia cách mạng, vừa âm thầm hy sinh tuổi xuân, động viên các con lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Rồi cũng như các mẹ, mẹ chồng bà phải khóc thầm lặng lẽ vì các con ra đi không bao giờ trở về. Sự hy sinh to lớn của họ đã góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc sớm thành công. Tôn vinh sự hy sinh cao cả này, hơn mười năm trước Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH cho mẹ Bùi Thị Bài.
Hằng ngày, mẹ Lê Thị Mót được con cháu chăm sóc rất chu đáo -Ảnh: TÚ LINH
Hằng ngày, mẹ Lê Thị Mót được con cháu chăm sóc rất chu đáo -Ảnh: TÚ LINH

Tưởng chừng nỗi đau khiến con người kiệt quệ, tưởng chừng không gượng lên được. Vậy nhưng bà Mót kìm nén tất cả vào lòng, vượt qua nỗi đau của chiến tranh để nuôi các con nhỏ cho đến ngày đất nước hòa bình.

Hạnh phúc khi được đón con về đất mẹ

Một người phụ nữ gần như suốt đời thờ chồng, em chồng hy sinh và mẹ chồng là mẹ VNAH - tưởng như đó là sự đóng góp qúa đỗi lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Vậy nhưng, với mẹ Mót, khi biên giới phía Tây Nam đang đứng trước sự rình rập của kẻ thù thì bà sẵn sàng động viên người con trai của mình cầm súng lên đường chiến đấu. Mùa tuyển quân năm 1981, cả làng Nam Tân, xã Gio Sơn xôn xao, thán phục trước hình ảnh anh Bùi Văn Thú (sinh năm 1962), con mẹ Mót nối gót cha anh, tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quân sự.

Chủ tịch UBND xã Gio Sơn Đỗ An Chung cho biết, gia đình mẹ Lê Thị Mót là gia đình cách mạng tiêu biểu ở địa phương. Hiện mẹ đang sống trong ngôi nhà được xây dựng quá lâu nên xuống cấp nặng, nơi thờ tự Mẹ VNAH Bùi Thị Bài và 3 liệt sĩ nhiều khi bị mưa gió làm ẩm ướt. Hiến dâng tất cả cho đất nước, mẹ Mót không mong nhận lại điều gì, chỉ có mong muốn duy nhất được các cơ quan, đoàn thể, nhà nước quan tâm xây cho mẹ ngôi nhà đàng hoàng hơn để có chỗ thờ tự các liệt sĩ và Mẹ VNAH thêm ấm áp, trang nghiêm.

Tuổi 20 phơi phới sức xuân, anh Thú tạm biệt mẹ già với câu nói: “Khi nào đất nước hết giặc con sẽ về cưới vợ và sinh cho mẹ 2 người con trai, 1 người con gái để sớm hôm vui vầy cùng mẹ”. Xác định cầm súng lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia là gặp nhiều chuyện dữ hơn lành. Thời gian đầu, những lá thư anh gửi về thăm mẹ rất đều đặn, kể về tình hình chiến đấu của đơn vị và bản thân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh động viên mẹ đừng lo lắng để giữ gìn sức khỏe tuổi già. Vậy mà chỉ một năm sau ngày anh Thú nhập ngũ, giấy báo tử ghi tên anh được gửi về gia đình. Mọi người giấu không để mẹ Mót biết tin.

Thời gian đó, người con trai út ở với mẹ đã tìm cách nói gần xa về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ tại chiến trường Campuchia để thử lòng mẹ. Bất ngờ mẹ Mót chùng giọng nói, chắc thằng Thú đã hy sinh rồi, con đừng giấu mẹ nữa. Gần một năm nay lòng mẹ ngày nào cũng nóng như lửa đốt, nhưng không thổ lộ với gia đình vì hy vọng con mình còn sống, khỏe mạnh. Rồi mẹ lại quay sang động viên con trai út của mình hãy cố gắng vượt qua nỗi đau của gia đình. Khi đất nước còn chưa bình yên thì không một ai, không một gia đình nào được bình yên, hạnh phúc. Mẹ nói để động viên con trai là thế, nhưng rồi năm ấy sức khỏe mẹ yếu đi trông thấy, nỗi đau mất chồng, nay lại mất thêm con khiến mẹ bị bệnh tình dồn dập, phải mấy lần nhập viện cấp cứu.

Những năm tháng đó, điều khiến mẹ trăn trở, băn khoăn nhất là hài cốt con trai mình không biết ở nơi đâu. Rồi tình cờ một ngày cách nay 16 năm, gia đình mẹ đón hai vợ chồng người khách lạ đến thăm. Vợ chồng này kể lại trong một lần đến dâng hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp, khi thắp hương ở ngôi mộ cuối cùng thì họ tình cờ đọc được thông tin về bia mộ liệt sĩ Bùi Văn Thú, hy sinh năm 1982, quê xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Bằng linh cảm của mình, vợ chồng người này nghĩ nhiều khả năng gia đình liệt sĩ chưa biết người thân đang an nghỉ tại nghĩa trang này. Là đồng hương Quảng Trị, vợ chồng anh đã chụp ảnh, ghi lại đầy đủ thông tin rồi kết nối với cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị, chính quyền xã Gio Sơn, quê của liệt sĩ Bùi Văn Thú và gia đình bà Lê Thị Mót.

Khi biết thông tin, gia đình mẹ Mót không thể tin nổi là con, anh, em mình đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đồng Tháp. Sau khi biết được nguyện vọng gia đình muốn đưa con mình trở về quê hương, đôi vợ chồng này đã tài trợ mọi chi phí và đưa người con trai của mẹ Mót vào Đồng Tháp làm đầy đủ các thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ Bùi Văn Thú trở về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Gio Sơn. Mẹ Mót chùng lòng nhớ lại: “Ngày thằng Thú trở về với mẹ, mẹ mừng như được sinh con ra lần thứ hai”. Ở tuổi 90, chiều chiều mẹ Mót được người con trai chở đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Gio Sơn, nơi có chồng và con trai đang yên nghỉ để được thì thầm những lời gan ruột. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH, mẹ Mót cũng ra đây để báo cho chồng, con biết được tin vui.

Với mẹ, nỗi đau đã qua, nhường lại cho niềm ấm áp, hạnh phúc tuổi già vì được sống trong vòng tay yêu thương của con cháu, vì người con trai liệt sĩ của mình cuối cùng cũng được về với đất mẹ yêu thương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xã Ba Lòng tổ chức truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ

Thanh Hải - Hữu Thành |

Ngày 22/7, xã Ba Lòng (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) long trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng 1 hài cốt liệt sĩ được Đội Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Sư đoàn 968 (Quân khu 4) tìm thấy tại khu vực rừng Khe Trái, xã Ba Lòng.

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Trần Tuyền |

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2022), tối nay 15/7, Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp  với Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Thị Lan Hương tham dự.

Hướng Hóa: Phát hiện 4 hài cốt liệt sĩ tại xã Hướng Tân

Công Sang |

Ngày 15/7, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 cho biết, từ ngày 13/7 đến nay, đội đã tìm thấy, quy tập được 4 hài cốt liệt sĩ.

Bộ LĐ-TB&XH lý giải việc đổi tên bia mộ liệt sĩ vô danh

Thanh Mai |

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc này nhằm chuẩn hóa thông tin, thống nhất quản lý và được quy định rất cụ thể tại Nghị định 131/2021.